Làm rõ cơ chế kiểm soát, giám sát khi phân quyền cấp xã

'Phân cấp, phân quyền phải đi liền với tăng kiểm soát và giám sát' là nội dung được nhiều đại biểu đề cập khi thảo luận về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và Luật chính quyền địa phương (sửa đổi).

Khoản 2, điều 11 dự thảo Luật tổ chức chính quyền địa phương về phân định thẩm quyền, có quy định: những vấn đề có liên quan đến phạm vi của 2 xã trở lên thì thuộc thẩm quyền của chính quyền địa phương cấp tỉnh, những vấn đề của 2 địa phương cấp tỉnh thì thuộc thẩm quyền của cấp trung ương. Đại biểu dẫn chứng có những sự việc rất nhỏ, nhưng lại thuộc 2 xã giáp ranh của 2 tỉnh, nếu cũng đưa lên cấp trung ương giải quyết thì không phù hợp.

Khi 90 nhiệm vụ của cấp huyện được chuyển về cấp xã, điều đó đồng nghĩa việc phân quyền cho địa phương cần được thể hiện mạnh mẽ hơn. Theo các đại biểu, khi giao quyền, phân quyền thì cần đi kèm giao thêm nguồn lực cho chính quyền cấp xã. Cùng với đó, khi sửa đổi Hiến pháp 2013, cần đồng nhất cả các luật chuyên ngành, để tăng tính pháp lý khi thực hiện phân cấp phân quyền cho địa phương.

Cần chú trọng tới trình độ, khả năng và vai trò kiểm soát của HĐND cấp xã, đây cũng là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm cho ý kiến. Bởi trước sự thay đổi lớn về bộ máy chính quyền sắp tới, vai trò kiểm soát của HĐND cấp xã là rất lớn. Yêu cầu mạnh mẽ hơn trong phát huy quyền và nghĩa vụ của cơ quan dân cử trước người dân và địa phương.

Hiện, HĐND cấp xã cũng chưa được giao nhiệm vụ thẩm quyền chi. Đại biểu cũng đề nghị cần giao rõ nội dung chi, mức chi của HĐND cấp xã. Nếu không, sẽ làm hạn chế quyền hạn và nhiệm của HĐND cấp xã.

Phân định minh bạch nhưng cần linh hoạt, tăng quyền hạn và vai trò giám sát. Có như vậy, chính quyền địa phương cấp xã mới có đủ quyền hạn đảm nhận chức năng và nhiệm vụ mới, lớn hơn rất nhiều so với trước đó.

Lệ Cẩm

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/lam-ro-co-che-kiem-soat-giam-sat-khi-phan-quyen-cap-xa-329509.htm