TP.HCM: Dịch bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng gia tăng

Tuần qua, tại TP.HCM, dịch bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng có chiều hướng gia tăng.

Ngày 4-8, theo báo cáo mới nhất của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), tuần qua, dịch bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng tại TP.HCM đều gia tăng.

Cụ thể, vào tuần 30 (từ ngày 22-7 đến ngày 28-7), TP.HCM ghi nhận 232 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, cao hơn 1/3 so với trung bình 4 tuần trước.

Tổng số ca sốt xuất huyết tích lũy từ đầu năm 2024 đến tuần 30 là 4.853 ca. Các quận huyện có số ca mắc trên 100.000 dân cao bao gồm quận 1, quận 7 và TP Thủ Đức.

Trong tuần 30, tại TP.HCM cũng ghi nhận 425 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, cao hơn 5,3% so với trung bình 4 tuần trước.

Tổng số ca tay chân miệng tích lũy từ đầu năm 2024 đến tuần 30 là 9.071 ca. Các quận, huyện có số ca mắc trên 100.000 dân cao bao gồm huyện Bình Chánh, huyện Nhà Bè và quận 8.

 Bệnh nhi sốt xuất huyết điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Bệnh nhi sốt xuất huyết điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Trước đó, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) phát đi cảnh báo, hiện một số dịch bệnh lưu hành trong nước như sốt xuất huyết, tay chân miệng, sởi đang có xu hướng gia tăng, đồng thời ghi nhận rải rác các trường hợp mắc một số bệnh truyền nhiễm dự phòng bằng vaccine (sởi, bạch hầu).

Trên phạm vi cả nước, hiện trong giai đoạn thời tiết mùa hè nắng nóng, mưa nhiều; đồng thời đang trong dịp cao điểm du lịch hè 2024 với nhu cầu giao thương, du lịch tăng cao.

Vì vậy, nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm trong mùa hè tăng cao, nhất là với sởi, một số bệnh dự phòng bằng vaccine, đặc biệt sốt xuất huyết đã bắt đầu vào giai đoạn cao điểm.

Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, cho biết việc nhận biết dấu hiệu sớm của sốt xuất huyết rất quan trọng, giúp điều trị bệnh kịp thời.

Theo đó, từ ngày 1-3 của bệnh, trẻ có dấu hiệu sốt cao liên tục 39-40 độ C, có thể cho trẻ dùng thuốc hạ sốt paracetamol cách 4-6 tiếng/lần kết hợp lau mát với nước ấm. Nên cho trẻ ăn thức ăn dễ tiêu hóa, tránh thực phẩm có màu đỏ, màu đen vì nếu lỡ nôn ói sẽ khó phân biệt do thức ăn hay máu.

Thường ngày 4, ngày 5 của bệnh là giai đoạn nguy hiểm. Khi trẻ nôn ói nhiều, ói ra máu hoặc đi tiêu phân đen; đau bụng nhiều; bứt rứt hoặc li bì; tay chân lạnh ẩm, rịn mồ hôi; tiểu ít, cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay vì đây là những dấu hiệu cảnh báo sốt xuất huyết trở nặng.

Để chủ động phòng ngừa sốt xuất huyết, bác sĩ Tiến khuyến cáo người dân không nên để ao tù nước đọng xung quanh nhà, trong các chum, vại, vỏ bánh xe... Cần phát quang bụi rậm, phun thuốc diệt muỗi.

Đặc biệt, muỗi gây sốt xuất huyết thường hoạt động ban ngày và chiều tối, vì vậy nếu ngủ nên ngủ trong mùng, thường xuyên xịt muỗi để tránh bị muỗi đốt.

THẢO PHƯƠNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/tphcm-dich-benh-sot-xuat-huyet-va-tay-chan-mieng-gia-tang-post803617.html