Tp.HCM đứng đầu cả nước về số dự án FDI mới trong 8 tháng

Xét về số dự án, Tp.HCM là địa bàn dẫn đầu cả nước cả về số dự án mới, số lượt dự án điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần.

Ngày 29/8, Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết đến 20/8, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt gần 18,15 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ.

Trong đó, có 1.924 dự án mới đầu tư mới, tăng 69,5% so với cùng kỳ, tổng vốn đăng ký đạt hơn 8,87 tỷ USD, tăng 39,7% so với cùng kỳ.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, dòng vốn FDI đã "rót" vào 54 tỉnh, thành phố trên cả nước trong 8 tháng đầu năm 2023. Hà Nội dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 2,34 tỷ USD, chiếm gần 12,9% tổng vốn đầu tư đăng ký và tăng gấp 2,89 lần so với cùng kỳ năm 2022. Hải Phòng xếp thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 2,08 tỷ USD. Tiếp theo lần lượt là Tp.HCM, Bắc Giang, Bình Dương…

Đáng chú ý, nếu xét về số dự án, Tp.HCM là địa bàn dẫn đầu cả nước cả về số dự án mới, số lượt dự án điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần.

Theo Người Lao động, trong 8 tháng qua, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt gần 13 tỷ USD, chiếm gần 67,8% tổng vốn đầu tư đăng ký và tăng 14,7% so với cùng kỳ. Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư hơn 1,76 tỷ USD.

Đã có 100 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư hơn 3,83 tỷ USD, chiếm hơn 21,2% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam. Trung Quốc đứng thứ hai với gần 2,69 tỷ USD, chiếm 14,8% tổng vốn đầu tư. Nhật Bản đứng thứ 3, tiếp theo là Hàn Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc), Đài Loan (Trung Quốc)...

Đến 20/8, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt gần 18,15 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ.

Đến 20/8, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt gần 18,15 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ.

Cục Đầu tư nước ngoài đánh giá các dự án đầu tư mới vẫn tập trung vào các tỉnh, thành phố có nhiều lợi thế trong thu hút đầu tư nước ngoài về cơ sở hạ tầng tốt, nguồn nhân lực ổn định, nỗ lực cải cách thủ tục hành chính và năng động trong công tác xúc tiến đầu tư... như Hà Nội, Hải Phòng, Tp.HCM, Bắc Giang, Bình Dương, Bắc Ninh, Đồng Nai,…

Các nhà đầu tư đến từ Châu Á, các đối tác đầu tư truyền thống vẫn chiếm tỷ trọng lớn như Singapore, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Hồng Kông, Đài Loan (Trung Quốc).

Tiếp tục cải thiện môi trường để thu hút đầu tư

Chia sẻ về triển vọng thu hút vốn FDI của Việt Nam với Công thương, bà Dorsati Madani, Chuyên gia Kinh tế cao cấp Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam khẳng định: Trong suốt thời gian dài vừa qua, Việt Nam được công nhận là điểm đến đầu tư hấp dẫn.

Mặc dù có nhiều lợi thế trong việc thu hút làn sóng FDI, tuy nhiên phía doanh nghiệp nước ngoài vẫn cho rằng, Việt Nam cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư để tăng khả năng cạnh tranh với các nước trong khu vực. Bởi không chỉ có Việt Nam mà Ấn Độ, Indonesia hay Thái Lan… cũng là những quốc gia có nhiều điểm mạnh trong việc đón đầu các dòng vốn dịch chuyển.

Ông Paul Wee, Giám đốc Tài chính, Công ty BW Industrial gợi mở giải pháp, để thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư quốc tế, Việt Nam có 3 yếu tố cần lưu ý cải thiện.

Một là vấn đề cơ sở hạ tầng, Việt Nam cần có thêm các tuyến đường cao tốc. Tuy nhiên, các nhà đầu tư không chỉ muốn thấy các tuyến đường đang được xây dựng, mà còn muốn thấy sự cam kết về thời gian hoàn thành đúng hạn từ phía Chính phủ. Bởi khi các dự án hạ tầng trọng điểm được đảm bảo tiến độ sẽ tạo ra hiệu ứng tốt hơn.

Hai là sự đảm bảo về việc cung cấp năng lượng.

Ba là vấn đề về giáo dục và đào tạo. Hiện nay, Việt Nam đang đẩy mạnh thu hút nhiều nhà đầu tư liên quan đến lĩnh vực công nghệ cao. Tuy nhiên, để các nhà đầu tư này đến thì Việt Nam phải đảm bảo nguồn lực có trình độ cao tại các địa phương để đáp ứng nhu cầu khai thác của các doanh nghiệp. Do vậy, Việt Nam cần đẩy mạnh giáo dục và đào tạo để tăng chất lượng nguồn nhân lực.

Bên cạnh đó, Việt Nam cần có thêm chương trình tín dụng để khuyến khích nhà đầu tư hơn. Khi một quốc gia có chương trình, cơ chế tín dụng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển kinh doanh thì chắc chắn sẽ thu hút các nhà đầu tư.

Hương Anh (t/h)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/tp-hcm-dung-dau-ca-nuoc-ve-so-du-an-fdi-moi-trong-8-thang-a623982.html