Tp.HCM: Ghi nhận 19 ca sinh viên ĐHQG nghi ngộ độc thực phẩm

19 bạn sinh viên ĐHQG Tp.HCM nhập viện với các triệu chứng đau bụng, nôn ói, tiêu chảy sau bữa ăn chiều. Vụ việc đang được ngành y tế điều tra.

Ngày 9/5, trao đổi với Người Đưa Tin, bác sĩ Chuyên khoa II Hồ Thanh Phong, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức (thành phố Thủ Đức) cho biết: "Từ khoảng 22h tối ngày 8/5, đơn vị tiếp nhận 19 sinh viên thuộc ký túc xá Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh nghi do ngộ độc thực phẩm. Triệu chứng ban đầu đau bụng, một số người kèm nôn ói, tiêu chảy".

Ký túc xá Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh.

Ký túc xá Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh.

"Hiện tại, sức khỏe các bệnh nhân tạm ổn, không có dấu hiệu chuyển nặng", bác sĩ Hồ Thanh Phong cho biết thêm.

Cũng theo bác sĩ Phong, bệnh viện đã báo sự việc đến Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh. Đồng thời, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hồ Chí Minh cũng phối hợp cùng cơ quan chức năng điều tra vụ việc.

Ông Lại Thế Tuân, Trưởng phòng Tổng hợp ký túc xá Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh cho hay, các sinh viên trên đã ăn uống tại một căng tin ở Khu B ký túc xá trước khi xuất hiện triệu chứng bất thường.

Trung tâm Quản lý ký túc xá hiện đang yêu cầu căng tin dừng hoạt động, giữ nguyên hiện trạng phục vụ điều tra. Lực lượng chức năng lấy mẫu phẩm tại đây để xét nghiệm tìm nguyên nhân.

Căng tin tại ký túc xá do một công ty kinh doanh dịch vụ ăn uống tổ chức. Công ty này có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Công ty không trực tiếp nấu ăn tại ký túc xá mà chỉ phân phối thức ăn.

Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn vệ sinh thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh cho biết, đã tiếp nhận thông tin về 19 sinh viên ngộ độc, Sở đang điều tra, xác minh rõ nguyên nhân.

Thời gian qua, để đảm bảo công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, Sở An toàn Thực phẩm thành phố thành phố Hồ Chí Minh đã tập hợp tối đa lực lượng làm công tác phòng ngừa từ việc thường xuyên lập đoàn kiểm tra các nguyên liệu đầu vào ở các chợ đầu mối, giám sát, kiểm tra đột xuất các bếp ăn trường học, công ty, nhà hàng lớn.

Toàn thành phố hiện nay có hơn 15.400 điểm thức ăn đường phố, tập trung một phần trước các điểm trường học. Do hoạt động không cố định, tính chất nhỏ lẻ nên công tác quản lý các điểm này hiện nay còn rất khó.

Ngoài ra, bà Lan còn cho biết thêm tháng 4 và tháng 5 sẽ là thời điểm tập trung cao độ về giải quyết vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm.

"Trong mùa nắng nóng, vi khuẩn dễ phát triển, thức ăn dễ phân hủy và ôi thiu. Người dân nên chọn lựa thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo ăn chín uống sôi, rửa kỹ thực phẩm trước khi ăn để hạn chế xảy ra ngộ độc thực phẩm", bà Lan cho biết thêm.

Trước đó, vào đầu tháng 5/2024, nhiều vụ nghi ngộ độc thực phẩm liên tiếp xảy ra tại thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam. Tại địa bàn thành phố Thủ Đức, đã xảy ra vụ 15 học sinh tại 4 trường tiểu học khác nhau nhập viện nghi do ngộ độc thực phẩm, khả năng cao là sau khi ăn cơm cuộn bán trước cổng trường.

Ngành y tế thành phố Hồ Chí Minh khuyến cáo, tình hình thời tiết nắng nóng hiện nay là điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh, nguy cơ nhiễm trùng đường tiêu hóa do ngộ độc thực phẩm tăng cao.

Phạm Thị Mỹ Hậu

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/tphcm-ghi-nhan-19-ca-sinh-vien-dhqg-nghi-ngo-doc-thuc-pham-a662814.html