TP.HCM giải bài toán thiếu nhà vệ sinh công cộng
Sở TN&MT đã đưa ra nhiều giải pháp như nâng cấp, cải tạo nhà vệ sinh hiện hữu, đầu tư bổ sung các nhà vệ sinh công cộng mới, vận động các cơ sở kinh doanh dịch vụ cho người dân sử dụng nhà vệ sinh.
Theo Sở TN&MT TP.HCM, công tác đầu tư xây dựng nhà vệ sinh công cộng (NVSCC) trên địa bàn TP đã được thực hiện một thời gian dài, tuy nhiên hiện nay số lượng cũng như chất lượng NVSCC còn hạn chế. Vì vậy để giải quyết tình trạng này, từ tháng 3-2023, UBND TP đã chỉ đạo các sở, ngành, UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng và số lượng NVSCC.
TP.HCM có 866 NVSCC
Theo báo cáo của Sở TN&MT TP.HCM, từ năm 2013, TP đã thí điểm đầu tư NVSCC theo hình thức xã hội hóa với các NVSCC tại những công viên, khu vực đất công do Sacombank thực hiện. Tính đến tháng 7-2023, TP.HCM có 866 NVSCC, trong đó huyện Bình Chánh có 136 NVSCC, quận 1 có 127 NVSCC, huyện Củ Chi có 114 NVSCC...
Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM, cho biết thời gian qua TP.HCM đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao số lượng cũng như chất lượng NVSCC nhằm góp phần xây dựng TP văn minh, xanh, sạch, đẹp và nâng cao chất lượng sống của người dân, chất lượng phục vụ khách du lịch trên địa bàn.
Mới đây, TP.HCM đã lắp đặt một số NVSCC trên địa bàn quận 1 tại số 8-12 Lê Duẩn, số 2-4-6 Hai Bà Trưng, 135 Nguyễn Huệ (phường Bến Nghé) và số 8 Nguyễn Trung Trực (phường Bến Thành). TP cũng đã đã vận động được 491 cơ sở kinh doanh dịch vụ đồng ý hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch, người dân được sử dụng NVSCC.
Theo Sở TN&MT, hiện TP không có đủ quỹ đất công cộng để bố trí NVSCC do vướng pháp lý khi triển khai đầu tư xây dựng NVSCC trên phạm vi đất dành cho đường bộ và các bến khách ngang sông. Ngoài ra, ở một số nơi còn gặp sự phản đối của các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tại khu vực, địa điểm được khảo sát do người dân e ngại về vấn đề mỹ quan, ô nhiễm môi trường.
Thực tế, địa bàn TP.HCM có số lượng NVSCC phân bố chưa đồng đều. Cụ thể, trên địa bàn quận 1 và huyện Bình Chánh, huyện Củ Chi có hơn 100 NVSCC phục vụ nhu cầu của người dân, khách du lịch. Các quận 5, 7, 12, Bình Tân có 39-41 NVSCC, các quận, huyện còn lại có ít hơn 30 NVSCC.
Kết quả rà soát từ các đơn vị được giao quản lý, vận hành các NVSCC thời gian qua đã cho thấy với nhiều lý do chủ quan, khách quan khác nhau mà có nhiều NVSCC đã xuống cấp, thậm chí hư hỏng nặng, mất cắp. Tình trạng này đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng vệ sinh và chất lượng phục vụ của NVSCC.
Tăng số lượng NVSCC theo hướng xã hội hóa
Để nâng cao số lượng và cải thiện chất lượng NVSCC trên địa bàn TP, Sở TN&MT đã đưa ra đề án cải thiện tình trạng này. Cụ thể sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động và hoàn thiện cơ chế, chính sách để thu hút các nguồn lực trong xã hội cùng tham gia cải tạo, nâng cao chất lượng phục vụ của NVSCC trên địa bàn.
Đồng thời, TP sẽ tiếp tục rà soát, kiến nghị bổ sung và kịp thời thay thế các quy định, cơ chế, chính sách đã lạc hậu để thúc đẩy, thu hút, hỗ trợ và tạo điều kiện để các nhà đầu tư tham gia xây mới và cải tạo, nâng cao chất lượng phục vụ của NVSCC theo hướng ưu tiên xã hội hóa, hạn chế sử dụng ngân sách nhà nước.
Thời gian tới, TP sẽ rà soát, xây dựng kế hoạch cải tạo, nâng cấp các NVSCC đã xuống cấp, hư hỏng tại khu vực, địa điểm như công viên, điểm tham quan du lịch, bến xe, trạm chờ xe buýt... từ nguồn vốn ngân sách nhà nước hoặc từ nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định.
Cạnh đó, TP sẽ chủ động liên hệ, kêu gọi các nhà đầu tư quan tâm, mong muốn đầu tư mới NVSCC trên địa bàn theo hình thức xã hội hóa. Nghiên cứu, tích hợp các thông tin, vị trí các NVSCC vào trong các phần mềm ứng dụng của ngành du lịch để người dân, khách du lịch dễ tiếp cận. Việc tiếp tục vận động các cơ sở kinh doanh dịch vụ, siêu thị, trung tâm thương mại... đồng ý cho khách vãng lai, du khách sử dụng nhà vệ sinh tại các cơ sở này khi có nhu cầu cũng là giải pháp TP sẽ thực hiện trong thời gian tới.•
Vận hành NVSCC ở các nước
Nhật Bản là quốc gia có hệ thống NVSCC sạch sẽ và được chăm chút. Chính quyền các TP lớn ở Nhật liên tục tổ chức các dự án để biến NVSCC trở thành những công trình kiến trúc độc đáo.
Tại Singapore, NVSCC được cung cấp bởi các trung tâm mua sắm, siêu thị, chợ, cơ sở, trung tâm ăn uống, công viên, khu du lịch, bến tàu, bến xe, trạm tàu điện ngầm, sân vận động, các trạm xăng... Các vị trí nhà vệ sinh dễ tiếp cận, không quá xa khu vực giao thông chính. Việc làm sạch NVSCC ở Singapore được thực hiện hằng ngày, theo trình tự.
Tại Mỹ, người dân có thể ghé vào bất cứ nơi kinh doanh nào khác của tư nhân như nhà hàng, trạm xăng, cửa hàng bán thức ăn nhanh... để đi vệ sinh mà không nhất thiết phải trả chi phí. Luật xây dựng các bang (Mỹ) quy định yêu cầu ban tổ chức các cuộc vui chơi giải trí, hội hè, sinh hoạt tôn giáo ngoài trời phải có đủ nhà vệ sinh, cứ 100 người thì phải có ít nhất một nhà vệ sinh.
Tại Thái Lan, bên cạnh hệ thống NVSCC thông thường, nước này còn có NVSCC hạng sang với nhiều ưu điểm nổi bật như hệ thống xông hương thơm loại bỏ mùi khó chịu, thậm chí còn có thể đo huyết áp, đo tỉ lệ mỡ trong cơ thể hay có máy phát nhạc.
Nguồn PLO: https://plo.vn/tphcm-giai-bai-toan-thieu-nha-ve-sinh-cong-cong-post742600.html