TP.HCM: Khi nào hoàn thành metro số 1, khởi công cầu Cần Giờ 10.000 tỷ?
Metro số 1 có hoàn thành không, xử lý nghẽn dự án thế nào, khi nào khởi công cầu Cần Giờ là những vấn đề đặt ra tại phiên chất vấn HĐND TP.HCM.
Sáng 11/7, kỳ họp thứ 10 HĐND TP.HCM khóa X bước vào ngày làm việc thứ 2 với nội dung chất vấn, trả lời chất vấn đối với Giám đốc Sở GTVT Trần Quang Lâm.
Các chất vấn xoay quanh tiến độ các dự án giao thông trọng điểm của TP.HCM, việc tháo gỡ khó khăn những dự án chậm tiến độ và định hướng triển khai của ngành giao thông gắn với Nghị quyết 98 (về cơ chế đặc thù phát triển TP.HCM).
Khi nào hoàn thành metro?
Mở đầu phần chất vấn, đại biểu Trần Quang Thắng, đại biểu quận 11 đặt vấn đề TP.HCM sắp đưa tuyến metro số 1 vận hành vào cuối năm nay. Vậy kế hoạch bán vé thu phí, công tác phòng cháy chữa cháy của metro số 1 được chuẩn bị thế nào? Ông Thắng đề nghị giám đốc Sở GTVT TP nêu rõ có cam kết metro số 1 hoàn thành và đưa vào khai thác cuối năm nay hay không?
Phản hồi những câu hỏi trên, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Trần Quang Lâm cho biết metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) là một trong những dự án nằm trong mục được HĐND TP, UBND TP giám sát, đánh giá tiến độ mỗi kỳ, tháng.
Đến nay, các thủ tục liên quan dự án đã thảo luận xong. Ngành giao thông cũng triển khai song song vấn đề giao thông kết nối, cầu bộ hành trên xa lộ Hà Nội.
Về tiến độ, Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (chủ đầu tư - MAUR) báo cáo cam kết thực hiện xây dựng các giải pháp đảm bảo hoàn thành metro số 1 theo tiến độ, xây dựng kế hoạch đưa vào khai thác từ năm 2024.
Để metro đưa vào khai thác, TP.HCM đã ban hành kế hoạch tổng thể để vận hành có hiệu quả, an toàn đối với công trình, PCCC, xử lý sự cố, hệ thống hạ tầng giao thông kết nối, vận tải. Các đầu việc chuẩn bị cho tuyến metro đang thực hiện và đảm bảo đưa vào khai thác trong năm 2024.
Đối với giá vé, Sở GTVT cùng MAUR và đơn vị vận hành thống nhất tham mưu TP.HCM ứng dụng công nghệ thẻ vé mở giống như xu thế các nước trên thế giới. Vé đi metro sẽ tích hợp tất cả cách thanh toán trên ứng dụng kết nối metro, xe buýt… giúp người dân thuận tiện nhất trong sử dụng.
Metro số 1 dài 19,7km, từ Bến Thành (quận 1) đến depot Long Bình. Tổng vốn đầu tư hơn 43.700 tỷ đồng (khoảng 2 tỷ USD). Công trình có 3 ga ngầm và 11 ga trên cao.
Cuối năm 2022, đoàn tàu đầu tiên trong số 17 đoàn tàu metro đã được vận hành thử nghiệm 18km qua 5 nhà ga trên cao với vận tốc 20km/h. Hệ thống kỹ thuật tàu sau đó cũng được đánh giá hoạt động ổn định.
Công trình hiện đạt gần 95% tổng khối lượng. Trước đó, Thủ tướng ban hành Quyết định 65, phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án metro số 1, lùi thời gian hoàn thành tuyến này đến cuối quý IV/2023 với cam kết không phát sinh chi phí.
TP.HCM làm kinh tế giao thông thế nào?
Tiếp nối phiên chất vấn, đại biểu Đặng Trần Trúc Dao (Hóc Môn) đặt vấn đề: Với vai trò là cơ quan đầu ngành giao thông tham mưu cho UBND TP, giám đốc Sở GTVT sẽ làm kinh tế giao thông như thế nào, ứng dụng vào các tuyến dự án giao thông trọng điểm như metro, cao tốc TP.HCM - Mộc Bài ra sao? Ngoài ra, với Nghị quyết 98, TP.HCM đã được thí điểm phát triển đô thị theo phát triển giao thông TOD, vậy giải pháp gì để phát huy cơ chế này?
Đối với vấn đề kinh tế giao thông, ông Lâm cho hay định hướng này nhằm ưu tiên, kích thích kinh tế vùng, thành phố có nguồn khai thác quỹ đất. Ngành giao thông đang làm việc với các tư vấn để triển khai thực hiện.
Dẫn ví dụ đối với tuyến rạch Xuyên Tâm, kênh Tham lương - Bến Cát - Rạch nước lên, ông Lâm cho biết TP đang chỉ đạo các tổ rà soát, đánh giá hiện trạng đô thị, hành lang (giao thông) để điều chỉnh quy chế đô thị, khai thác được quỹ đất dọc các tuyến đường ven sông, vừa tạo không gian, vừa tạo cảnh quan.
Theo ông Lâm, việc khai thác TOD gắn với đường sắt đô thị và Vành đai 3 được TP lần đầu đề xuất Quốc hội. Một thuận lợi so với trước đây là TP.HCM được lập dự án thu hồi đất đền bù giải phóng mặt bằng bằng dự án độc lập; hai là TP.HCM được điều chỉnh quy hoạch cục bộ, quy mô dân số phát huy quỹ đất... từ việc tham khảo cách làm các nước.
"Nếu xung quanh nhà ga là 20.000 người, dân cư đã đủ thì phát triển hạ tầng kết nối, tiện ích, đầu tư thêm hạ tầng. Chúng ta phát huy quỹ đất gắn với hạ tầng giao thông, đặc biệt là metro, khi khai thác quỹ đất sẽ phát huy hiệu quả giao thông lẫn hạ tầng đô thị", ông Trần Quang Lâm lấy ví dụ.
Trong đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông giai đoạn 2021-2030, TP.HCM dự kiến đầu tư khoảng 454km các tuyến cao tốc, vành đai, quốc lộ, cầu lớn, trục giao thông chính... với tổng kinh phí trong giai đoạn 2021-2025 khoảng 266.000 tỷ đồng.
Khi nào khởi công cầu biểu tượng Cần Giờ?
Tại phiên chất vấn lần 2, đại biểu Đoàn Thị Ngọc Cẩm (huyện Cần Giờ) bày tỏ: Dự án cầu Cần Giờ và phát triển Cần Giờ hướng ra biển là mong mỏi của nhiều người dân địa phương; các lần tiếp xúc cử tri trước đều đề cập, vậy khi nào dự án được khởi công?
Ông Trần Quang Lâm đánh giá Cần Giờ sở hữu vị trí thuận lợi, cảnh quang đẹp, môi trường sinh thái thân thiện. Lợi thế của Cần Giờ là du lịch, giao thông xanh. TP.HCM đã giao nhiệm vụ cho Sở GTVT lập báo cáo phát triển Cần Giờ.
Cầu Cần Giờ có mức đầu tư khoảng 10.000 tỷ đồng, trước đây được đầu tư theo hình thức BT, Sở GTVT đã nghiên cứu các hình thức đầu tư khác.
Theo đó, về giao thông kết nối cảng, giai đoạn từ nay đến năm 2030, thành phố đầu tư xây dựng cầu Cần Giờ nối huyện Nhà Bè sang huyện Cần Giờ. Cầu dự kiến dài hơn 3,6km với 6 làn xe, tổng mức đầu tư dự án gần 10.000 tỷ đồng, được đầu tư theo phương thức đối PPP.
Sở GTVT TP đang lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để trình cấp có thẩm quyền thông qua chủ trương đầu tư trong năm nay. Giai đoạn 2023-2024, ngành giao thông TP tổ chức lập báo cáo nghiên cứu khả thi và lựa chọn nhà đầu tư để khởi công cầu Cần Giờ năm 2025, hoàn thành năm 2028.
Ngoài cầu Cần Giờ, ngành giao thông thành phố lên kế hoạch đầu tư xây dựng nút giao thông đường Rừng Sác với cao tốc Bến Lức - Long Thành tại xã Bình Khánh. Đồng thời, các cầu trên đường Rừng Sác cũng được đầu tư nâng cấp, mở rộng.
Giai đoạn sau năm 2030, thành phố đầu tư xây dựng đường kết nối từ vị trí xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ với đường Rừng Sác.
Đáng chú ý, thành phố dự kiến đầu tư xây dựng đường trên cao dọc theo đường Rừng Sác, đoạn từ nút giao đường Rừng Sác với đường cao tốc Bến Lức - Long Thành đến nút giao đường kết nối cảng tại xã Long Hòa.
Ngành giao thông thành phố cũng nghiên cứu phát triển, hình thành tuyến đường sắt đô thị dọc theo đường Rừng Sác kết nối từ Khu đô thị biển Cần Giờ với tuyến metro số 4 tại huyện Nhà Bè.
Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ dự kiến được chia làm 7 giai đoạn triển khai, trong đó, giai đoạn 1 khai thác trước năm 2030 và giai đoạn cuối sẽ được hoàn thành năm 2045.
Tổng công suất hàng hóa thông qua cảng dự kiến đạt 4,8 triệu TEUs vào năm 2030, và tăng trưởng dần đạt tới 16,9 triệu TEUs khi dự án hoạt động hết công suất (dự kiến năm 2047).
Tổng mức đầu tư siêu cảng này ước tính gần 129.000 tỷ đồng - tương đương hơn 5,45 tỷ USD, do nhà đầu tư tự thu xếp thực hiện.