TP.HCM không muốn 'bỏ' quy hoạch ga Bình Triệu

Dù quy hoạch ga Bình Triệu (41 ha) đã 'treo' đến 22 năm, chưa triển khai nhưng TP.HCM cho biết giữ ga theo quy hoạch...

"Giữ nguyên quy mô quy hoạch ga Bình Triệu (41ha) để làm ga đường sắt đô thị, depot cho đường sắt đô thị”, tờ trình mới nhất của UBND TP về thẩm định, phê duyệt Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 gửi Bộ Xây dựng nêu.

Giữ quy hoạch, làm ga đường sắt đô thị

Với đề xuất mới nhất như trên, số phận ga Bình Triệu sau 22 năm quy hoạch vẫn không có gì thay đổi. Hơn 22 năm trước, tháng 3-2002, Kiến trúc sư trưởng TP.HCM phê duyệt quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/2000 đối với Khu đầu mối giao thông và dân cư Bình Triệu, quy mô hơn 41 ha.

 Ga Bình Triệu hiện nay vẫn đang treo quy hoạch hơn 22 năm qua chưa triển khai. Ảnh: K.C

Ga Bình Triệu hiện nay vẫn đang treo quy hoạch hơn 22 năm qua chưa triển khai. Ảnh: K.C

Năm 2013 Thủ tướng phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển GTVT TP.HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020, ga Bình Triệu là ga khách kỹ thuật phía Bắc.

Ghi nhận thực tế quy hoạch khu vực này qua 22 năm vẫn chỉ là bãi đất trống, các khu dân cư xung quanh vướng quy hoạch nên người dân cũng chưa biết “số phận đi về đâu”. Khu vực ga không còn chức năng đón trả hànH khách, chỉ có vài toa tàu cũ ở đây, người dân còn tận dụng bãi đất trống khu vực ga để trồng rau, có chỗ cỏ dại mọc um tùm.

Theo UBND quận Thủ Đức cũ (nay là TP Thủ Đức), dự án ga Bình Triệu "treo" nhiều năm đã ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi chính đáng của hơn 3.200 hộ gia đình, với hơn 15.000 nhân khẩu.

Nhiều căn nhà trong khu quy hoạch xuống cấp, nhưng không thể xây mới mà chỉ được sửa chữa nhỏ. Hầu hết các con đường trong khu quy hoạch đều tự phát, ngoằn ngoèo, chật hẹp.

Quy hoạch ga Bình Triệu với đường sắt trên cao

“Nếu giữ quy hoạch ga Bình Triệu như cũ thì phải xem xét đến số phận đường sắt trên cao theo quy hoạch cũ là đường sắt đoạn Bình Triệu – ga Sài Gòn, vì nó đi liền nhau”, ông Võ Kim Cương, nguyên Phó KTS trưởng TP.HCM cho biết.

Theo đó, quy hoạch trước đây thì (Quy hoạch phát triển GTVT TP.HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020) ga Bình Triệu là ga khách kỹ thuật phía Bắc chứ không phải ga đường sắt đô thị như đề xuất của TP.HCM hiện nay.

Đồng thời ga Bình Triệu theo quy hoạch Quy hoạch phát triển GTVT TP.HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020 sẽ đi kèm với cả đường sắt trên cao từ Bình Triệu qua địa phận quận Bình Thạnh, Gò Vấp về quận 3 và tới ga Sài Gòn hiện hữu.

“Tất nhiên khi làm đường sắt trên cao thì các phương án kỹ thuật đều được tính toán kỹ, như tránh ảnh hưởng đến khu dân cư, độ an toàn như thế nào và tránh tiếng ồn ra sao cũng sẽ được nghiên cứu một cách chi tiết”, ông Cương nói.

Tháng 7 vừa qua, Liên danh Công ty CP Tư vấn thiết kế giao thông vận tải phía Nam và Trung tâm Tư vấn - Đầu tư phát triển GTVT cũng đã có báo cáo cuối kỳ lập quy hoạch các tuyến, ga đường sắt khu vực đầu mối TP.HCM gửi Bộ GTVT trong đó đề xuất quy mô xây dựng ga Bình Triệu chỉ có diện tích khoảng 15,1 ha.

 Mặt bằng điều chỉnh ranh quy hoạch ga Bình Triệu giàm phấn lớn diện tích, theo báo cáo cuối kỳ của liên danh tư vấn. Ảnh: Báo cáo của liên danh tư vấn

Mặt bằng điều chỉnh ranh quy hoạch ga Bình Triệu giàm phấn lớn diện tích, theo báo cáo cuối kỳ của liên danh tư vấn. Ảnh: Báo cáo của liên danh tư vấn

Trong đó, ga Bình Triệu sẽ là đầu mối giao thông, trung chuyển hành khách, thu gom và phân tán khách đến/đi từ đường sắt sang các phương tiện giao thông công cộng khác.

Ga Bình Triệu thuộc phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức theo báo cáo cuối kỳ này sẽ có kết cấu tuyến, nhà ga trên cao dự kiến ba tầng, quảng trường ga (tích hợp bãi đỗ xe và kết hợp phương tiện giao thông công cộng); công trình khác (cây xanh, hàng rào), bãi đỗ xe phía trên mặt đất, trung tâm thương mại/dịch vụ kết hợp cùng nhà ga, trung tâm thương mại/dịch vụ/bãi đỗ xe ngầm).

Bản vẽ của báo cáo cuối kỳ cũng thể hiện ga Bình Triệu giảm diện tích rất lớn so với quy hoạch trước đây, chỉ tận dụng phần đất bỏ trống hiện nay làm ga và hầu như các phần dân cư xung quanh thuộc quy hoạch trước đã bị xóa đi.

Vào tháng 9-2023, Sở GTVT TP.HCM cho biết tại cuộc họp cung cấp thông tin về các vấn đề kinh tế-xã hội của TP, trong quy hoạch mạng lưới đường sắt Việt Nam, đường sắt quốc gia đoạn Bình Triệu - Hòa Hưng (ga Sài Gòn) được định hướng chuyển thành đường sắt đô thị sau khi hoàn thành Đường sắt Tốc độ cao Bắc-Nam (đi theo hướng song hành với Cao tốc TP.HCM - Long Thành về ga Thủ Thiêm, có hướng chuyển từ Đồng Nai về ga An Bình, thành phố Dĩ An, Bình Dương).

Trong quá trình điều chỉnh quy hoạch chung của TPHCM đến 2040, tầm nhìn 2060, Sở GTVT TP đã báo cáo đề xuất với UBND TP cho chuyển luôn đoạn An Bình (Sóng Thần) - Bình Triệu - Hòa Hưng thành đường sắt đô thị để kết hợp chỉnh trang đô thị, phát triển TOD (mô hình phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng).

HUY VŨ

Nguồn PLO: https://plo.vn/tphcm-khong-muon-bo-quy-hoach-ga-binh-trieu-post805782.html