TP. HCM: Liệu người lao động nghèo có cơ hội đi làm trở lại từ ngày 1/10?

Từ ngày 1/10, TP. HCM sẽ 'từng bước nới lỏng' giãn cách xã hội, nhiều lao động nghèo bị kẹt lại TP. HCM luôn trăn trở về tài chính và mong muốn được có cơ hội đi làm trở lại.

Lao động nghèo bị kẹt lại TP. HCM, sống lay lắt qua ngày

Lên TP. HCM lập nghiệp từ đầu năm 2020, chị Hồ Thị Thúy (40 tuổi, quê TP. Bến Tre, ngụ quận 3, TP. HCM) trang trải cuộc sống bằng công việc phụ bếp tại một quán súp nhỏ ở quận 3. Đến khi TP. HCM thực hiện giãn cách xã hội, vì không thể đi làm nên chị Thúy dự định sẽ về quê. Sau khi được địa phương vận động “ai ở đâu, ở yên đó”, chị Thúy đã ở lại TP. HCM và mong đợi sẽ nhận được sự hỗ trợ. Tuy nhiên, đến nay đã hơn 3 tháng, chị Thúy vẫn chưa có cơ hội nhận bất kỳ gói hỗ trợ nào theo thông báo của UBND TP. HCM.

Khi TP. HCM từng bước nới lỏng giãn cách, người lao động nghèo hi vọng sẽ được đi làm trở lại hoặc hỗ trợ về quê.

Bài liên quan

Người lao động được nhận hỗ trợ bao nhiêu từ gói 38.000 tỷ đồng?

Inforgraphic: Hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi Covid-19

Chính sách hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp vượt qua đại dịch là sự bổ trợ kịp thời, ý nghĩa

Infographic: Điều kiện để người lao động trở lại TP. HCM làm việc từ 1/10

“Mấy tháng qua tôi sống lay lắt, được ngày nào hay ngày nấy. Từ ngày thất nghiệp, tôi cố gắng sống bằng số tiền dành dụm đi làm trước đó. Sau nửa tháng gồng gánh, số tiền đó hết sạch, tôi ăn uống qua ngày bằng thực phẩm mà mạnh thường quân hỗ trợ, rồi vay tiền từ người quen xung quanh để trang trải qua ngày. Giờ tôi không thể về quê, cũng không thể đi làm, trong túi không còn đồng nào”, chị Thúy chia sẻ.

Tương tự hoàn cảnh của chị Thúy, Phạm Thị Khánh Huyền (19 tuổi, quê tỉnh An Giang, ngụ huyện Bình Chánh, TP. HCM) cũng rơi vào tình trạng thất nghiệp nhiều tháng nay. Huyền chia sẻ, Huyền đã nghỉ học ở quê và lên TP. HCM xin được công việc là một nhân viên tư vấn bất động sản. Sau khi TP. HCM giãn cách xã hội, Huyền nghĩ có thể làm việc tại nhà nên không có sự chuẩn bị về tài chính. Thế nhưng, do tính chất công việc đi lại nhiều, cần gặp mặt trực tiếp khách hàng để trao đổi nên hơn 3 tháng qua, Huyền không tìm được khách hàng và cũng không có lương.

“May mắn tôi được mạnh thường quân trong khu vực hỗ trợ vài trăm nghìn và một ít đồ ăn, chủ trọ vì thấy tôi còn nhỏ nên cho tôi được ăn chung với gia đình bác ấy. Trước đó, gia đình cũng chuyển thực phẩm lên để ăn dần nhưng phí vận chuyển đã lên tới 400, 500 nghìn. Thất nghiệp nên tôi không thể chịu nổi chi phí đó. Hiện tại ở quê tôi cũng đang chống dịch, bố mẹ không có thu nhập vì cửa hàng phải đóng cửa”, Huyền nói.

Không chỉ gồng gánh cho riêng bản thân, anh Nguyễn Thanh Hùng (ngụ khu phố 4, huyện Bình Chánh, TP. HCM) phải nuôi vợ, con và đứa cháu gái chỉ mới 14 tuổi. Anh Hùng chia sẻ, cháu của anh mồ côi cha mẹ vì Covid-19 nên mọi chi phí chăm sóc bé hiện tại là do một mình anh lo toan. Được biết, anh Hùng từng là nhân viên giữ xe của một quán ăn tại địa phương. Thất nghiệp vì dịch Covid-19, gia đình anh Hùng sống nhờ vào sự hỗ trợ của mạnh thường quân và một ít tiền dành dụm trước đó.

Hi vọng được đi làm, được hỗ trợ về quê vì “túi không còn đồng nào”

Chị Thúy cho biết, sau ngày 1/10, nếu có cơ hội chị sẽ ngay lập tức về quê. Một phần vì không còn tiền để “chống cự” ở TP. HCM, một phần vì chị muốn trở về thăm gia đình, thắp nhang cho bà ngoại đã mất khoảng đầu tháng 9.

“Tôi đã được tiêm 1 mũi vaccine và đang chờ để được tiêm mũi 2. Nếu sau ngày 1/10 vẫn còn giãn cách, tôi hi vọng sẽ được về quê bằng xe máy để hạn chế lây nhiễm. Hết tiền, khổ quá rồi, tôi không thể ở đây lâu hơn nữa”, chị Thúy xúc động nói.

Cùng hoàn cảnh với chị Thúy, Khánh Huyền cũng hi vọng sẽ được đi làm trở lại vì đã được tiêm 2 mũi vaccine. Huyền chia sẻ, Huyền không thể cứ mãi ăn nhờ gia đình của chủ trọ mà muốn được đi làm kiếm tiền.

“Giờ ba mẹ ở quê không làm ra tiền, tôi phải đi làm để kiếm tiền vừa lo cho bản thân, vừa gửi về cho ba mẹ”, Huyền chia sẻ.

Khi TP. HCM sẽ nới lỏng giãn cách, anh Hùng rất ủng hộ việc hỗ trợ lao động nghèo đi làm hoặc về quê, vì anh hiểu rằng, không chỉ riêng anh mà có rất nhiều người rơi vào hoàn cảnh khó khăn.

“Tôi nghĩ nên hỗ trợ cho những người đã tiêm 1 mũi vaccine, tốt hơn là hoàn thành 2 mũi được đi làm trở lại hoặc về quê. Chúng tôi cũng rất muốn chống dịch và đã cầm cự được hơn 3 tháng qua, nhưng chúng tôi khổ quá rồi, khó có thể gắng gượng thêm được nữa”, anh Hùng nói.

Thúy Vy

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/tp-hcm-lieu-nguoi-lao-dong-ngheo-co-co-hoi-di-lam-tro-lai-tu-ngay-1-10-post158552.html