TP.HCM mở thêm nhiều phố đi bộ tại khu trung tâm
Theo Sở GTVT, TP.HCM đang tăng cường vận tải công cộng, cùng với đó các nhà ga ngầm metro sẽ đi vào hoạt động…do vậy, việc mở thêm phố đi bộ nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, giảm dần phương tiện cơ giới vào thành phố.
Sở GTVT vừa trình UBND TP.HCM về việc phê duyệt Đồ án Tổ chức các tuyến phố đi bộ khu vực trung tâm thành phố.
Cụ thể, Sở này trình TP phương án tổ chức các phố đi bộ tại khu trung tâm thành phố (930 ha) vào các ngày thứ Bảy và Chủ nhật, theo các giai đoạn cụ thể:
Giai đoạn 1: từ năm 2022-2023, tổ chức phố đi bộ ngày cuối tuần (thứ Bảy và Chủ nhật hàng tuần) trên phạm vi các đường Vòng xoay Công trường Quốc tế, đường Phạm Ngọc Thạch, Công xã Paris (từ đường Lê Duẩn đến đường Nguyễn Du), đường Đồng Khởi (từ đường Nguyễn Du đến đường Lê Lợi), đường Lê Lợi (từ đường Nguyễn Huệ đến vòng xoay Quách Thị Trang), đường Phan Chu Trinh, đường Phan Bội Châu. Tổ chức phục vụ cho người đi bộ, cấm các loại xe cơ giới lưu thông trong thời gian tổ chức phố đi bộ.
Ngoài ra, đường Nguyễn An Ninh, đường Lưu Văn Lang: Ưu tiên cho đi bộ, hạn chế xe cơ giới lưu thông.
Giai đoạn 2: Năm 2023-2024, tiếp tục mở rộng tổ chức phố đi bộ ngày cuối tuần (thứ Bảy và Chủ nhật hàng tuần) trên phạm vi các đường:
Đường Đồng Khởi (từ đường Lê Lợi đến đường Tôn Đức Thắng), Công trường Lam Sơn (từ đường Đồng Khởi đến đường Hai Bà Trưng), đường Lê Lợi (từ đường Nguyễn Huệ đến đường Đồng Khởi), đường Nguyễn Thiệp (từ đường Nguyễn Huệ đến đường Đồng Khởi), đường Mạc Thị Bưởi (từ đường Nguyễn Huệ đến đường Đồng Khởi), đường Ngô Đức Kế (từ đường Nguyễn Huệ đến đường Đồng Khởi). Tổ chức phục vụ cho người đi bộ, cấm các loại xe cơ giới lưu thông trong thời gian tổ chức phố đi bộ.
Ngoài ra, đường Đông Du (từ đường Đồng Khởi đến đường Hai Bà Trưng), đường Mạc Thị Bưởi (từ đường Đồng Khởi đến đường Hai Bà Trưng), đường Hồ Huấn Nghiệp, đường Ngô Đức Kế (từ đường Đồng Khởi đến Công trường Mê Linh), đường Phan Văn Đạt, đường Tôn Đức Thắng (từ đường Nguyễn Huệ đến Công trường Mê Linh). Ưu tiên cho đi bộ, hạn chế xe cơ giới lưu thông.
Giai đoạn 3: Năm 2025, tiếp tục mở rộng tổ chức phố đi bộ ngày cuối tuần (thứ Bảy và Chủ nhật hàng tuần) trên phạm vi các đường: Đường Hàm Nghi (hướng từ đường Tôn Đức Thắng đến vòng xoay Quách Thị Trang): Tổ chức phục vụ cho người đi bộ, cấm các loại xe cơ giới lưu thông trong thời gian tổ chức phố đi bộ.
Đường Tôn Thất Đạm (từ đường Hàm Nghi đến Huỳnh Thúc Kháng), Thái Văn Lung, Thi Sách: Ưu tiên cho đi bộ, hạn chế xe cơ giới lưu thông.
Theo Sở GTVT, TP.HCM có tốc độ đô thị hóa và tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, đang đối mặt với sự gia tăng nhanh phương tiện cơ giới cá nhân, là một trong các nguyên nhân gây ra ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường...
Để giải quyết những vấn đề trên, đáp ứng nhu cầu giao thông ngày càng gia tăng, ngày 27/10/2020, thành phố đã phê duyệt đề án tăng cường vận tải hành khách công cộng, kiểm soát phương tiện cơ giới cá nhân để đến năm 2030, hệ thống giao thông công cộng sẽ đáp ứng 15%-25% nhu cầu đi lại.
Ngoài ra, có 3 nhà ga tàu điện ngầm đang được xây dựng ở khu vực trung tâm thành phố, dự kiến phục vụ khoảng 70 nghìn đến 175 nghìn hành khách mỗi ngày kể từ năm 2023.
Thực tế này đặt ra yêu cầu bức thiết cần phải thực hiện một nghiên cứu, đánh giá hiện trạng và đề xuất các giải pháp tăng cường giao thông đi bộ ở khu vực xung quanh những nhà ga này, nhằm đáp ứng nhu cầu giao thông đi bộ hiện tại và trong tương lai. Do đó, Sở GTVT đề xuất mở thêm các phố đi bộ nói trên.
Hiện nay, khu vực trung tâm thành phố đã có 2 phố đi bộ được đưa vào sử dụng là phố đi bộ Nguyễn Huệ và phố đi bộ Bùi Viện.