TP.HCM mừng Ngày thơ Việt Nam 2025

Ngày Thơ Việt Nam không chỉ là một lễ hội dành riêng cho những người sáng tác, mà còn là không gian chung cho tất cả những ai yêu mến thi ca. Đây là ngày hội văn hóa, nơi mọi người cùng nhau tôn vinh vẻ đẹp của ngôn từ và tâm hồn.

Sáng 12/2, Hội Nhà văn TP.HCM đã khai mạc Ngày Thơ Việt Nam 2025. Đến tham dự có đông đảo hội viên, lãnh đạo, nguyên lãnh đạo TP.HCM qua các thời kỳ.

Đặc biệt có sự tham dự của ông Nguyễn Văn Nên - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM; ông Nguyễn Phước Lộc - Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM; PGS-TS. Phan Thanh Bình - Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Thanh thiếu niên - Nhi đồng Quốc hội, PGS - TS, nhà văn Nguyễn Tấn Phát - nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo…

Ông Nguyễn Phước Lộc - Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM gióng trống khai mạc Ngày thơ Việt Nam tại TP.HCM năm 2025

Ông Nguyễn Phước Lộc - Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM gióng trống khai mạc Ngày thơ Việt Nam tại TP.HCM năm 2025

Ngày thơ Việt Nam 2025, Hội Nhà văn TP.HCM với chủ đề “Bài ca thống nhất” đánh dấu 50 năm non sông liền một dải. “Bài ca thống nhất là một cột mốc để chúng ta nhìn lại và tôn vinh thi ca Sài Gòn - TP.HCM trong cội nguồn thi ca Việt Nam, trong đó có dòng chảy cuồn cuồn phù sa của thi ca phương Nam. Bởi lẽ, thi ca đã đồng hành chiều dài mở mang bờ cõi của cha ông chúng ta. Đất đai khẩn hoang đến đâu thì thi ca xuất hiện ở đó. Từ Tao đàn Chiêu Anh Các của Mạc Thiên Tứ đến “Gia Định tam gia” với Trịnh Hoài Đức, Lê Quang Định và Ngô Nhân Tịnh…”, bà Trịnh Bích Ngân - Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM phát biểu tại lễ khai mạc.

Theo bà Ngân, mỗi nhà thơ đều tuân theo mệnh lệnh từ trái tim mình, là sẻ chia vui buồn cùng mỗi thăng trầm của thời cuộc, của đời sống xã hội và của dân tộc. Ngày Thơ Việt Nam là lễ hội thi ca không dành riêng cho những người cầm bút mà dành cho tất cả mọi người. Đây còn là lễ hội văn hóa dành cho tất cả những ai biết yêu đẹp, yêu thơ ca…

“Thơ ca tại TP.HCM qua sự sáng tạo lặng lẽ và bền bỉ của các nhà thơ từng ngày, từng ngày đã góp phần hun đúc sự hào hiệp, lòng nhân ái và nuôi dưỡng nghĩa tình cho Thành phố năng động, sáng tạo”, bà Ngân nói.

Bà Ngân cũng cho biết, Ngày Thơ Việt Nam đã được Thành ủy và UBND TP.HCM đưa vào chuỗi sự kiện các ngày lễ lớn của Thành phố, qua đó càng khẳng định tình yêu thi ca và sức sống thi ca ở Thành phố.

Bà Trịnh Bích Ngân - Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM phát biểu khai mạc Ngày thơ Việt Nam tại TP.HCM 2025

Bà Trịnh Bích Ngân - Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM phát biểu khai mạc Ngày thơ Việt Nam tại TP.HCM 2025

Chia sẻ tại Ngày thơ 2025, Trần Trọng Đoàn - tác giả trẻ sinh năm 2024 bày tỏ niềm vui khi được tham gia ngày hội văn hóa dành cho tất cả những ai yêu cái đẹp và trân quý thơ ca tại Thành phố mang tên Bác.

“Thơ ca là nơi lý tưởng giúp mình sống trọn vẹn với những cảm xúc chân thật của mình, từ tình yêu gia đình, quê hương, bạn bè đến tình yêu đôi lứa, tất cả được gửi gắm qua từng câu chữ. Thật sự, với chủ đề 'Bài ca thống nhất' đã mang đến cho mình nhiều cảm xúc, đó là lòng biết ơn sâu sắc dành cho tiền nhân, những anh hùng đã không tiếc máu xương cống hiến cho đất nước hòa bình, độc lập, tự do; cho Thành phố xinh đẹp, nghĩa tình, hiếu khách và đang từng giờ vươn mình phát triển. Đó cũng là tình cảm mình dành cho các nhà thơ - những người không chỉ mang vẻ đẹp đến cho đời bằng thi ca, mà còn là những chiến sĩ anh hùng”, Trần Trọng Đoàn bộc bạch.

Trần Trọng Đoàn cho rằng, dù là học sinh, hay sinh viên còn ngồi ghế nhà trường hay những người viết trẻ, nếu có đam mê với văn chương, đặc biệt là thơ ca, thì hãy mạnh dạn cầm bút và viết.

“Hãy viết bằng chính trái tim của mình, bởi những câu chữ xuất phát từ tình yêu thương cái đẹp chân thành sẽ chạm đến trái tim người đọc. Sự tự tin, thấu cảm từ trái tim và lắng nghe những góp ý chân thành từ các cô chú 'trải đời', 'giỏi nghề' kể cả các nhà nghiên cứu và phê bình văn học sẽ giúp những người viết trẻ như mình tạo nên những vần thơ hay, góp phần làm cho cuộc sống thêm tươi đẹp và giúp Thành phố không chỉ văn minh, hiện đại mà còn giàu tinh thần", Trần Trọng Đoàn chia sẻ.

Tác giả Trần Trọng Đoàn chia sẻ với phóng viên

Tác giả Trần Trọng Đoàn chia sẻ với phóng viên

Trước đó, ngày 11/2, Hội Nhà văn TP.HCM tổ chức Lễ trao giải Cuộc thi thơ “Nhân nghĩa đất phương Nam” lần 2 và ra mắt ấn phẩm "Tay người đô thị đầy dấu nắng khuya", tuyển chọn những tác phẩm tiêu biểu từ cuộc thi.

Diễn ra từ tháng 2 - 9/2024, cuộc thi đã nhận được hơn 1.500 tác phẩm. Ban giám khảo đã tìm được những tác phẩm và tác giả xuất sắc nhất để vinh danh. Theo Ban tổ chức, cuộc thi “Nhân nghĩa đất phương Nam” xuất hiện nhiều tác giả trẻ.

“Đây là đội ngũ kế thừa quan trọng cho thi ca TP.HCM nói riêng và nền thi ca Việt Nam nói chung. Vì vậy, nhân lễ trao giải này, Hội Nhà văn TPHCM đã tổ chức chương trình giao lưu với chủ đề “Sức trẻ thơ phương Nam trong dòng chảy thơ Việt”, đại diện Ban tổ chức cho biết.

Trong 2 ngày diễn ra, Ngày Thơ Việt Nam 2025 có nhiều hoạt động nổi bật như: Không gian triển lãm “Đường Thơ” giới thiệu 12 tác giả tiêu biểu của TP.HCM giai đoạn 1975 - 2025 như Bảo Định Giang, Chế Lan Viên, Hoài Vũ, Trần Mạnh Hảo, Nguyễn Duy, Lê Giang, Viễn Phương, Chim Trắng, Diệp Minh Tuyền, Phạm Sỹ Sáu, Trương Nam Hương, Thu Nguyệt.

Đặc biệt ở ngày 12/2 (đêm Nguyên tiêu) sẽ trình diễn thơ “Đường tới thành phố”, “Hoa của nước”; “Giọng thơ trẻ ở thành phố trẻ”; Ký ức “Chúng tôi làm thơ và đánh giặc” gặp gỡ các nhà thơ từng tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc: Trần Thế Tuyển, Lương Minh Cừ, Đặng Nguyệt Anh, Nguyễn Bính Hồng Cầu…

Các ca khúc phổ thơ gồm: “Đất nước”, “Ngày mai anh lên đường”, “Tiếng Việt ơi, Tiếng Việt”, “Mùa chim én bay”…

Sau lễ khai mạc, có phần giao lưu với chủ đề "Chúng tôi làm thơ và đánh giặc" cùng các nhà thơ: Nguyễn Bính Hồng Cầu, Trần Thế Tuyển, Đặng Nguyệt Anh. Phần giao lưu chủ đề "Giọng thơ trẻ ở thành phố trẻ" cùng các nhà thơ trẻ: Trần Đức Tín, Đoàn Nguyễn Anh Minh và Trần Trọng Đoàn.

Cao Minh Tèo

Nguồn DNSG: https://doanhnhansaigon.vn/tp-hcm-mung-ngay-tho-viet-nam-2025-316020.html