Kế thừa và phát huy giá trị di sản văn hóa đờn ca tài tử vùng Nam Bộ

Đờn ca tài tử là di sản văn hóa truyền thống quý báu của dân tộc và mang nét đặc trưng của người dân miền sông nước Nam Bộ. Đờn ca tài tử không chỉ là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, mà còn được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp quốc (UNESCO) vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Với các loại nhạc cụ đặc trưng, đờn ca tài tử là loại hình nghệ thuật trình diễn đặc sắc của người dân vùng miệt vườn sông nước Nam Bộ. Ảnh: Thúy Hạnh

Với các loại nhạc cụ đặc trưng, đờn ca tài tử là loại hình nghệ thuật trình diễn đặc sắc của người dân vùng miệt vườn sông nước Nam Bộ. Ảnh: Thúy Hạnh

Đờn ca tài tử là dòng nhạc dân tộc, ra đời vào cuối thế kỷ thứ XIX. Đây là loại hình nghệ thuật trình diễn đặc trưng của vùng miệt vườn sông nước Nam Bộ. Đờn ca tài tử là nghệ thuật của đờn (đàn) và ca. Chữ “tài tử” có nghĩa là cách gọi người chơi nhạc có biệt tài, giỏi về cổ nhạc. Ban đầu chỉ có đờn, sau xuất hiện hình thức ca nên gọi là đờn ca.

Đờn ca tài tử Nam Bộ bắt nguồn từ các nhạc khúc và phong cách âm nhạc truyền thống của người Nam Bộ. Âm nhạc của đờn ca tài tử kết hợp giữa nhịp điệu nhanh, chậm và pha trộn giữa âm thanh độc đáo từ các loại đàn khác nhau. Đờn ca tài tử thuở sơ khai là loại hình diễn tấu của ban nhạc, gồm bộ tứ tuyệt, như: Đờn kìm, đờn cò, đờn bầu và đờn tranh. Sau này, có sự cách tân nên bộ tứ không còn tuyệt đối ở các lần diễn tấu. Tùy vào hoàn cảnh hay ngữ cảnh có thể thay thế số lượng nhạc cụ, trong đó, có thêm cây ghi ta phím lõm. Theo nhận định của các nhà nghiên cứu nghệ thuật nói chung, đờn ca tài tử nói riêng, giá trị cốt lõi của đờn ca tài tử là âm nhạc và ngôn ngữ.

Trước khi đờn ca tài tử được biết đến như một thể loại âm nhạc riêng, các ca khúc của người dân Nam Bộ đã có sự phát triển với các yếu tố văn hóa từ những nền văn minh khác, như Ấn Độ, Trung Quốc, Khmer và Chăm. Đờn ca tài tử Nam Bộ gồm có 5 nốt nhạc chính là hò, xự sang, xe cón; nốt nhạc phụ gồm phạn, tồn, là, oan; ca là hát theo bài bản có sẵn, người viết chỉ dựa vào đó mà đặt lời ca sao cho khớp với nhạc.

Âm nhạc của đờn ca tài tử được kế thừa từ những nhạc cụ dân tộc, trải dài khắp đất nước từ Bắc vào Nam, theo chiều dài lịch sử hàng ngàn năm. Những thanh sắc mang từ loại nhạc cụ này cũng mang sắc thái riêng, không trộn lẫn với các loại nhạc cụ khác và đờn kìm được cho là nhạc trưởng của buổi diễn tấu. Ngôn ngữ của loại hình đờn ca tài tử chủ yếu dùng tiếng địa phương để truyền tải thông điệp qua giai điệu. Nhờ vậy mà ngôn ngữ đơn sơ, mộc mạc Nam Bộ đã được kế thừa và phổ biến tới mọi miền đất nước.

Đặc biệt hơn, trong không gian miệt vườn sông nước và cảnh vật nên thơ hữu tình, làm cho chất phóng khoáng của loại nghệ thuật này càng thêm bay bổng. Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Thị Kiều Nga, Phó Giám đốc Nhà hát Tây Đô, thành phố Cần Thơ bày tỏ cảm xúc của mình: “Loại âm nhạc đờn ca tài tử phù hợp với cuộc sống của người dân nơi đây. Không gian văn hóa sông nước cùng cây trái miệt vườn hòa vào phong cách sống của người dân Nam Bộ - phóng khoáng, chân chất, thật thà. Từ đó, đờn ca tài tử đã được các thế hệ tiếp nhận cho đến tận bây giờ”.

Nghệ nhân Đỗ Ngọc Cần ở thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu cho biết: “Đờn ca tài tử không kén nơi biểu diễn và có thể ngồi bất cứ đâu để đàn, nếu mà có cảnh sông nước thì nên thơ hơn”. Sàn diễn có thể ở bất kỳ nơi nào, từ biểu diễn dưới bóng mát của cây, trên con thuyền hay đơn giản là trên chiếc chiếu trong sân nhà...

Qua thông điệp của từng giai điệu và ngôn ngữ, người nghe có thể nâng cao được hiểu biết của mình, học hỏi được nhiều điều, nhất là thấm nhuần những tinh hoa nghệ thuật truyền thống của dân tộc. Ngoài khía cạnh đạo đức, luân lý gia đình, xã hội thường xuyên được nhắc đến trong các giai điệu của đờn ca tài tử như tình cha con, sự thủy chung của vợ chồng, tình nghĩa bạn bè. Đến thời kỳ phát triển của thơ ca lãng mạn, tình yêu đôi lứa được đề cập đến khá nhiều. Dựa trên các giai điệu truyền thống, những nhạc sĩ dân gian đã sắp xếp bài bản theo cùng hơi điệu, thành 4 nhóm, đó là: Bắc, Nam, Hạ, Oán, với tổng số là 20 bài. Về sau, được gọi là 20 bản tổ. Bên cạnh 20 bản tổ còn có các bài bản khác, như hệ thống 8 bản các điệu lý. Đặc biệt là bài vọng cổ, càng làm cho nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ thêm phong phú, đa dạng.

Nghệ nhân Lê Long Hồ, ở quận Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ nói về cách chơi đờn ca tài tử: “Thông thường, trong một buổi đờn ca tài tử như hiện nay, sẽ tùy thuộc vào trình độ của người chơi ở địa phương. Trình độ của họ tới đâu, thì người ta sẽ chơi theo cách đó. Thông thường, với một nơi sinh hoạt đờn ca tài tử truyền thống, trước hết, người ta sẽ mở màn bằng bài ca với hơi điệu Bắc, hoặc hơi điệu Nam. Tiếp tục, người chơi sẽ đi dần tới các bài bản trong 4 làn hơi, như là Bắc, Hạ, Nam, Oán, sau đó mới đến các bài về vọng cổ”.

Đờn ca tài tử có tính giao duyên, đối với người dân Nam Bộ, đây là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống hàng ngày. Mọi niềm vui, nỗi buồn đều được đờn ca tài tử gửi qua những làn điệu mượt mà, sâu lắng. Chính vì vậy mà loại hình âm nhạc đờn ca tài tử này như ngấm vào trong máu, gắn bó với nhiều thế hệ người dân ở miệt vườn sông nước. Bên cạnh đó, các nội dung về địa chỉ, địa danh, quảng bá hình ảnh, văn hóa của địa phương, vùng miền cũng được đờn ca tài tử đương đại khai thác rất nhiều. Nói như Nghệ sĩ Ưu tú Huỳnh Khải, nguyên Trưởng khoa Âm nhạc dân tộc (Nhạc viện thành phố Hồ Chí Minh), đặc trưng của đờn ca tài tử là dễ biến tấu, người nghe có thể đi du lịch thông qua các bài đờn ca tài tử.

Với những giá trị đặc sắc đó, âm nhạc của đờn ca tài tử được kế thừa và phát huy trên 21 tỉnh, thành phố ở khu vực phía Nam. Điều đó khẳng định, bộ môn nghệ thuật này có sức sống bền bỉ và lan tỏa rộng rãi. Đờn ca tài tử được xem là báu vật cần được tiếp tục bảo tồn và phát huy.

Thúy Hạnh

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/ke-thua-va-phat-huy-gia-tri-di-san-van-hoa-don-ca-tai-tu-vung-nam-bo-post486569.html