TP.HCM muốn phát triển 42 công viên dọc sông Sài Gòn

Theo UBND TP.HCM, việc phát triển chuỗi công viên sẽ tạo hạ tầng đa chức năng, phát huy vai trò, tiềm năng của sông Sài Gòn trong phát triển kinh tế dịch vụ, tăng cường chất lượng cảnh quan dọc hành lang sông.

UBND TP.HCM vừa có báo cáo tổng kết đề án phát triển kè sông và kinh tế dịch vụ ven sông giai đoạn 2020 - 2045, kế hoạch triển khai năm 2020 - 2025. Trong đó nêu những định hướng cần phát triển cho khu vực ven sông Sài Gòn.

Cụ thể, UBND TP cho biết đề án này được thực hiện theo các giai đoạn và lộ trình, đánh giá sơ bộ đã hoàn thành 80% khối lượng công việc cho giai đoạn 2021 - 2025.

Phát triển chuỗi công viên dọc sông Sài Gòn

Báo cáo của UBND TP cho hay, sau quá trình làm việc giữa nhóm chuyên gia địa phương và tư vấn nước ngoài tích hợp kết quả nghiên cứu của nhóm tư vấn vào quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và điều chỉnh quy hoạch chung TP đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 và thiết kế đô thị, TP đề xuất triển khai xây dựng 42 công viên cây xanh dọc hành lang sông Sài Gòn.

Việc phát triển chuỗi công viên sẽ tạo hạ tầng đa chức năng, phát huy vai trò, tiềm năng của sông Sài Gòn trong phát triển kinh tế dịch vụ, tăng cường chất lượng cảnh quan dọc hành lang sông và đa dạng sinh học.

Qua đó, cơ quan chức năng cũng sẽ định hướng đầu tư triển khai lập các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng xanh (công viên, kè bảo vệ bờ sông và bến thủy nội địa) theo nguyên tắc và phân kỳ, phân đoạn, phân vùng không gian, gắn với các dự án giao thông hạ tầng đô thị.

Trước đó, báo cáo lần ba - kỳ cuối lấy ý kiến chuyên gia góp ý đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 đã đề xuất chia sông Sài Gòn thành ba khu vực để phát triển 17 công viên.

Khu vực phía Bắc sẽ phát triển 4 công viên ven sông quan trọng. Các công viên gồm: Công viên ven bờ sông gần bến đò Cá Lăng (huyện Củ Chi); Công viên trung tâm mới ở quận 12 và huyện Hóc Môn; Công viên bờ sông kết hợp điểm du lịch Một thoáng Việt Nam (huyện Củ Chi); Công viên trung tâm mới tại Phú Hòa Đông (huyện Củ Chi).

Khu vực trung tâm TP có 6 công viên gồm: Công viên văn hóa Gò Vấp (quận Gò Vấp); Công viên Thủ Thiêm; Công viên chân cầu Phú Mỹ; khu công viên Thanh Đa; Công viên Tam Phú và Công viên Rạch Chiếc (TP Thủ Đức).

Khu vực phía Nam có 7 công viên gồm: Công viên Mũi Đèn Đỏ; Công viên khu Tân Thuận; Công viên Bắc Bình Khánh; Công viên bến Hiệp Phước; Công viên trung tâm đô thị thích ứng (huyện Nhà Bè); Công viên bến Hiệp Phước; Công viên trung tâm đô thị mới và Công viên của khu đô thị lấn biển (huyện Cần Giờ).

 TP.HCM muốn có thêm nhiều mảng xanh dọc sông Sài Gòn. Ảnh: Huy Vũ

TP.HCM muốn có thêm nhiều mảng xanh dọc sông Sài Gòn. Ảnh: Huy Vũ

Chuyển quỹ đất ven sông Sài Gòn thành dịch vụ, thương mại

Ngoài việc phát triển công viên, cần cho phép chuyển đổi chức năng sử dụng đất hành lang bờ sông sang các chức năng khác như dịch vụ, thương mại phục vụ du lịch. Như vậy sẽ tạo nguồn lực đáng kể để tổ chức thực hiện quy hoạch và khai thác có hiệu quả cảnh quan, môi trường dọc sông Sài Gòn.

Trao đổi với PLO, TS - KTS Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng Quản lý quy hoạch chung Sở QH-KT TP.HCM, cho hay dọc hành lang sông Sài Gòn là chuỗi những giá trị sinh thái, văn hóa, làng nghề và những dấu ấn di sản truyền thống và đô thị, hòa trộn với đa dạng các hệ sinh thái tự nhiên mang nhiều nét đặc trưng cần được khám phá.

Theo ông Tuấn, hạ tầng cảnh quan và không gian tại những điểm nối giao thông như cầu cảng, các khu vực dành cho những hoạt động dịch vụ, công cộng ven sông cần được quy hoạch thiết kế tốt nhằm quản lý khai thác tốt nhất hiệu quả sử dụng đất và chức năng của các tiện tích, cơ sở hạ tầng.

“Như vậy, một cấu trúc hạ tầng xanh dọc con sông Sài Gòn vừa có tính thúc đẩy kinh tế, vừa có giá trị xã hội trong việc nâng cao chất lượng môi trường sống đô thị thông qua góp phần gia tăng nhanh chóng diện tích công viên cây xanh đô thị, nâng cao chất lượng cuộc sống…” - ông Tuấn phân tích.

Quyết định số 2184 của UBND TP ngày 30-6-2021 về phê duyệt Đề án Phát triển kè sông và kinh tế dịch vụ ven sông, với 5 nhóm công việc giai đoạn đến 2025.

Nhóm 1: Quán triệt tầm nhìn, định hướng, đảm bảo quản lý tích hợp đồng bộ.

Nhóm 2: Hoàn thiện cơ chế, chính sách.

Nhóm 3: Quản lý điều phối hiệu quả nguồn lực.

Nhóm 4: Quy hoạch, thiết kế và xây dựng quy chế quản lý.

Nhóm 5: Đầu tư xây dựng hạ tầng xanh đa chức năng, kết nối giao thông đồng bộ và triển khai các dự án thành phần.

Ngoài sông Sài Gòn, UBND TP cũng cho biết mục tiêu giai đoạn năm 2026-2030 của đề án là TP cần triển khai dự án về đầu tư cơ sở hạ tầng xanh tích hợp gắn với hoạt động du lịch và kinh tế dịch vụ giải trí theo kế hoạch.

“Liên tục rà soát, nghiên cứu, cập nhật và hoàn thiện các pháp lý quản lý khu vực dọc bờ sông theo hướng đảm bảo lợi ích chung của TP, phù hợp với chủ trương, định hướng quy định cấp cao hơn và đáp ứng với thị trường và tốc độ phát triển chung” - UBND TP nêu định hướng.

5 giải pháp phát triển kinh tế ven sông tại TP.HCM

Theo ông Nguyễn Trần Hữu Thắng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp huyện Nhà Bè, cần có 5 giải pháp phát triển kinh tế ven sông tại TP.HCM.

Thứ nhất là đầu tư, nâng cấp vào hạ tầng cảng biển và bến tàu du lịch.

Thứ hai, phát triển các khu đô thị ven sông, khu kinh tế đặc biệt để thu hút đầu tư. Thứ ba là phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch sinh thái đường sông, đường biển dài ngày giúp khám phá và trải nghiệm văn hóa, ẩm thực địa phương.

Thứ tư là tổ chức các sự kiện văn hóa, lễ hội thể thao dưới nước để đẩy mạnh lĩnh vực du lịch thể thao giúp thu hút khách quốc tế.

Cuối cùng là xây dựng chính sách ưu đãi đầu tư phát triển ven sông hướng biển, các chính sách này có thể bao gồm việc cho thuê đất, miễn giảm thuế và hỗ trợ vay vốn…

HUY VŨ

Nguồn PLO: https://plo.vn/tphcm-muon-phat-trien-42-cong-vien-doc-song-sai-gon-post815943.html