TP HCM: Nguồn cung giá cao của biệt thự, nhà phố đang đẩy khách hàng sang thị trường lân cận
Báo cáo mới đây của Savills cho thấy, với nguồn cung đang ngày một giảm của loại hình biệt thự/nhà phố đã khiến thị trường này tiếp tục lệch pha cung cầu. Đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến giá bán của loại hình này bị đẩy lên cao trong thời gian qua, khiến các sản phẩm có giá 'khủng' đang chiếm tỷ trọng lớn trong nguồn cung.
Theo đó, báo cáo của Savills chỉ ra rằng, trong quý II/2024, nguồn cung mới của loại hình biệt thự/nhà phố vẫn bị hạn chế do quỹ đất khan hiếm, các thủ tục pháp lý phức tạp và tâm lý thận trọng từ các chủ đầu tư.
Nguồn cung mới duy nhất đến từ đợt mở bán mới của một dự án tại Bình Tân với 10 căn nhà phố thương mại, giảm 75% theo quý và 97% theo năm. Nguồn cung sơ cấp của các loại hình này cũng giảm 12% theo quý và 33% theo năm xuống còn 668 căn do nguồn cung mới hạn chế và hàng tồn kho được hấp thụ. Các sản phẩm đắt tiền có giá trên 30 tỷ đồng đang chiếm đa số với hơn 77% nguồn cung sơ cấp. Hầu hết các sản phẩm cao cấp này nằm trong các khu đô thị và tập trung chủ yếu ở TP Thủ Đức.
Tình hình hoạt động quý II cũng chững lại với chỉ 72 giao dịch,giảm 36% theo quý và theo năm. Hàng sơ cấp giá cao, sự cạnh tranh từ thị trường thứ cấp và các sản phẩm giá cả phải chăng ở các tỉnh lân cận đã gây khó khăn cho thị trường TP HCM. Những sản phẩm trên 30 tỷ đồng đang giao dịch khá chật vật với chỉ 6% được hấp thụ. Nhà liền kề có tỷ lệ hấp thụ cao nhất ở mức 31%, nhờ nhu cầu ở thực và giá cả cạnh tranh. Đặc biệt, các sản phẩm nhà phố thương mại đắt tiền ở một Thủ Đức sau khi được bán cũng khiến giá sơ cấp giảm 2% theo quý và 4% theo năm, đạt 320 triệu đồng/m2.
Với quỹ đất khan hiếm và sự hỗ trợ từ cơ sở hạ tầng, giá nhà tại TP HCM đã tăng gấp ba lần trên thị trường sơ cấp và gấp đôi trên thị trường thứ cấp trong vòng 5 năm qua. Giá bán tăng đã đẩy những người mua nhà với mục đích ở thực sang các tỉnh lân cận để có nhiều sự lựa chọn phù hợp hơn.
Dự kiến đến năm 2026, TP HCM sẽ không còn các sản phẩm thấp tầng có giá dưới 5 tỷ đồng và chỉ có 10% nguồn cung sơ cấp có giá dưới 10 tỷ đồng. Trong khi đó,các sản phẩm với mức giá này lại chiếm đến 85% nguồn cung ở Bình Dương và 55% ở Đồng Nai.
Theo Savills, trong nửa cuối năm 2024, dự kiến sẽ có 883 căn nhà thấp tầng được tung ra thị trường, chủ yếu từ các giai đoạn tiếp theo của các dự án hiện hữu. Những sản phẩm có giá trên 20 tỷ đồng sẽ chiếm đến 80% nguồn cung tương lai. Đến năm 2026, nguồn cung tương lai dự kiến sẽ đạt 4.663 căn, chủ yếu tập trung ở các khu vực Quận 2, Bình Chánh và Nhà Bè.
Tuy nhiên, theo báo cáo của DKRA, tính chung tại thị trường TP HCM và các tỉnh lân cận, nguồn cung của loại hình biệt thư/nhà phố lại có sự tăng trưởng. Cụ thể, nguồn cung sơ cấp trong quý II/2024 đạt 4.878 căn từ 86 dự án, tăng 12% so với quý trước, gấp 4,3 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Nguồn cung mới phân bổ chủ yếu ở ba khu vực TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương, chiếm khoảng 91% tổng cung sơ cấp của thị trường.
Đáng chú ý, giá bán dự án biệt thự được chủ đầu tư chào bán với giá cao nhất được ghi nhận lên đến 750 tỷ đồng/căn của một dự án ven sông nằm ở TP Thủ Đức. Chuyên gia của DKRA cũng cho biết, mặc dù thị trường bất động sản TP HCM và cả nước vẫn còn khó khăn, song vẫn có một bộ phận nhỏ khách hàng chấp nhận mua các căn hộ, biệt thự giá cao dù tiến độ bán hàng không nhanh bởi các dự án này đã mở bán cả năm qua.