TP.HCM nỗ lực ngăn chặn cúm gia cầm

Trước nguy cơ bùng phát dịch cúm gia cầm vào dịp cuối năm, TP.HCM đã kịp thời đưa ra các giải pháp ngăn chặn.

Dịch cúm gia cầm A/H5N1 đang có dấu hiệu quay lại ở cả trong và ngoài nước trong thời gian gần đây. Theo Bộ Y tế, trong tháng 11-2023, Campuchia ghi nhận thêm hai trường hợp nhiễm cúm gia cầm A/H5N1. Tính từ đầu năm 2023 đến nay, nước này ghi nhận sáu ca nhiễm A/H5N1, trong đó có ba ca tử vong. Do Campuchia tiếp giáp với Việt Nam nên nguy cơ cúm A/H5N1 xâm nhập nước ta và lây nhiễm sang người là rất cao.

Tại Việt Nam, Bộ NN&PTNT cho biết dịch cúm gia cầm vẫn xảy ra rải rác trên khắp các tỉnh, TP. Điều đáng nói là người dân có xu hướng nuôi gia cầm để chuẩn bị phục vụ Tết Nguyên đán sắp tới. Do vậy, hoạt động vận chuyển và buôn bán gia cầm không qua kiểm dịch sẽ gia tăng, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát A/H5N1.

Trước tình hình cúm gia cầm có thể bùng phát, Bộ Y tế có văn bản gửi các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương đề nghị tăng cường phòng, chống cúm A/H5N1 lây sang người.

Xử lý nhiều vụ giết mổ, vận chuyển gia cầm chui

Cách đây vài ngày, cơ quan thú y TP.HCM phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra và phát hiện trường hợp giết mổ gà không phép ở khu phố 2, phường Tân Chánh Hiệp, quận 12. Tại thời điểm kiểm tra, đoàn ghi nhận 390 con gà sống và 10 con gà đã giết mổ để trên sàn dơ bẩn, đọng nước thải.

 Một người vận chuyển vịt không rõ nguồn gốc bị cơ quan chức năng phát hiện và xử lý. Ảnh: TL

Một người vận chuyển vịt không rõ nguồn gốc bị cơ quan chức năng phát hiện và xử lý. Ảnh: TL

Địa điểm giết mổ này là của ông PVL. Ông cho biết toàn bộ số gà này được mua từ tỉnh Tiền Giang nhưng không có giấy chứng nhận kiểm dịch. Địa điểm giết mổ này cũng không được cơ quan có thẩm quyền cấp phép hoạt động.

Cơ quan chức năng phường Tân Chánh Hiệp lập biên bản vi phạm hành chính và tham mưu UBND quận 12 ban hành quyết định xử phạt. Bên cạnh đó, cơ quan thú y TP.HCM lấy mẫu số gà trên để xét nghiệm.

Cũng thời điểm trên, cơ quan thú y TP.HCM phát hiện ông TVK chở 68 con vịt sống bằng xe máy lưu thông trên địa bàn phường Tân Chánh Hiệp, quận 12.

Ông K khai số vịt nói trên được chở từ tỉnh Long An về quận 12 (TP.HCM) để kinh doanh và cũng không có giấy chứng nhận kiểm dịch.

Đoàn kiểm tra hướng dẫn ông K thực hiện kiểm dịch số vịt nói trên nhưng ông không hợp tác và bỏ chạy. Do toàn bộ số vịt có biểu hiện suy yếu, chết nên UBND phường Tân Chánh Hiệp mang đi tiêu hủy.

 Cơ quan thú y TP.HCM kiểm tra số gia cầm không rõ nguồn gốc từ tỉnh đưa vào TP.HCM tiêu thụ. Ảnh: TL

Cơ quan thú y TP.HCM kiểm tra số gia cầm không rõ nguồn gốc từ tỉnh đưa vào TP.HCM tiêu thụ. Ảnh: TL

Trước đó, cơ quan thú y TP.HCM phối hợp với UBND phường Thới An, quận 12 kiểm tra xe khách và phát hiện ông DTA đang vận chuyển 565 con gia cầm.

Ông A khai số gia cầm nói trên được vận chuyển từ tỉnh Hưng Yên đến quận 12 (TP.HCM) để kinh doanh nhưng không có giấy chứng nhận kiểm dịch.

Siết chặt kiểm tra

Trước nguy cơ xâm nhập cúm gia cầm A/H5N1, TP.HCM đã chỉ đạo các quận, huyện và TP Thủ Đức giám sát chặt tình hình chăn nuôi, kinh doanh gia cầm trên địa bàn.

TP.HCM cũng chỉ đạo Sở NN&PTNT giám sát chặt tình hình dịch tễ trên địa bàn, nhất là khu vực giáp ranh với các tỉnh.

Ông Lê Việt Bảo, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP.HCM, cho biết: “TP cũng đã chỉ đạo xử lý nghiêm các trường hợp chăn nuôi, vận chuyển, kinh doanh, giết mổ gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y. Ban quản lý các chợ phải chủ động kiểm tra, phát hiện, xử lý những trường hợp kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo an toàn thực phẩm. Đồng thời, xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất, cơ sở chế biến sử dụng sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc, không qua kiểm dịch”.

TP.HCM cũng chỉ đạo Sở NN&PTNT giám sát chặt tình hình dịch tễ trên địa bàn, nhất là khu vực giáp ranh với các tỉnh.

Đối với Sở Y tế, TP chỉ đạo tập trung giám sát các trường hợp viêm phổi nặng do virus tại tất cả cơ sở y tế trên địa bàn; giám sát các trường hợp bệnh, chùm ca bệnh viêm hô hấp chưa rõ nguyên nhân tại cộng đồng và các cơ sở y tế để triển khai xử lý kịp thời, hạn chế lây lan trên diện rộng.

Tại các địa phương, công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm A/H5N1 cũng được triển khai rốt ráo. Ông Trần Hoàng Dũng, Phó Chủ tịch UBND phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân, TP.HCM, cho biết: “Từ đây tới Tết Nguyên đán 2024, phường sẽ tăng cường kiểm tra tình hình mua bán gia cầm trái phép trên địa bàn để vừa ngăn chặn nguy cơ lây lan cúm gia cầm A/H5N1, vừa để người dân được sử dụng gà, vịt an toàn”.

Còn tại xã Tân Thới Nhì, huyện Hóc Môn, ông Tô Thanh Tùng, Chủ tịch UBND xã, thông tin tình hình kinh doanh gia cầm không qua kiểm dịch trên địa bàn giảm nhiều do cơ quan chức năng xã thường xuyên kiểm tra. “Đối với gia cầm kinh doanh không rõ nguồn gốc, chính quyền sẽ tiêu hủy và phạt chủ lô hàng để răn đe” - ông Tùng nhấn mạnh.

Cúm gia cầm A/H5N1 có độc lực cao, tỉ lệ tử vong 60%

Theo Cục Y tế dự phòng, cúm gia cầm A/H5N1 là một phân nhóm virus cúm A, lây truyền giữa các loài chim, gia cầm và động vật khác, lây sang cho người và gây tử vong. Đây là một chủng cúm độc lực cao.

Ở người, tỉ lệ tử vong do cúm A/H5N1 có thể lên tới 60%. Bệnh diễn biến cấp tính, người bệnh có thể có các biểu hiện như sốt trên 38 độ C, có thể rét run. Ho khan, đau ngực, khó thở, thở nhanh, tím tái… Nghe phổi thấy có ran nổ, ran ẩm, nhịp tim nhanh, đôi khi có sốc.

Thời kỳ ủ bệnh của cúm A/H5N1 dài hơn thời kỳ ủ bệnh của cúm mùa, khoảng 2-8 ngày và có thể dài đến 17 ngày. Tuy nhiên, việc phơi nhiễm nhiều lần với virus dẫn đến việc khó xác định chính xác thời kỳ ủ bệnh.

Khi có biểu hiện trên sau khi có các hoạt động liên quan đến gia cầm, người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị.

TRẦN NGỌC

Nguồn PLO: https://plo.vn/tphcm-no-luc-ngan-chan-cum-gia-cam-post766753.html