Tp.HCM sẽ xây 11 đô thị nén dọc Metro và Vành đai 3
Tp.HCM vừa ban hành kế hoạch phát triển 11 đô thị nén dọc các tuyến metro số 1, số 2 và Vành đai 3 theo mô hình TOD.
Theo đó, từ 2024 - 2025, Tp.HCM dự kiến phát triển TOD tại 9 vị trí dọc ba dự án giao thông lớn đang triển khai, gồm: tuyến metro số 1 (metro Bến Thành - Suối Tiên), số 2 (metro Bến Thành - Tham Lương) và đường Vành đai 3. Trong đó, vị trí TOD có diện tích lớn nhất hơn 389 ha nằm ở xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, kết nối giao thông với Vành đai 3. Nơi diện tích nhỏ nhất là Trung tâm triển lãm và Thể dục thể thao quận Tân Bình, khoảng 5,1 ha. Vị trí này được tính toán phát triển TOD để kết nối giao thông với tuyến metro số 2 và số 5 (ngã tư Bảy Hiền - cầu Sài Gòn).
Trong các bước triển khai, chính quyền thành phố giao các đơn vị liên quan xác định cụ thể ranh giới, tình trạng pháp lý quy hoạch, đất đai cùng các chức năng phát triển đô thị ở từng khu vực. Thành phố sẽ xem xét lập điều chỉnh quy hoạch, chọn nhà đầu tư và dự kiến năm 2025 sẽ ra quyết định phê duyệt dự án.
Sau giai đoạn trên, năm 2026 - 2028 Tp.HCM dự kiến phát triển thêm khu vực TOD ở hai vị trí khác, gồm xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn và quanh ga Tân Kiên, Bình Chánh. Những vị trí này sẽ kết nối giao thông với Vành đai 3, đường sắt Tp.HCM - Cần Thơ.
Kế hoạch phát triển đô thị theo mô hình TOD của Tp.HCM được chia thành 3 vùng triển khai, tùy thuộc vào vị trí và đặc điểm khu vực. Trong đó, vùng lõi nhà ga metro (bán kính 400-500m) là khu vực tập trung phát triển đô thị mật độ cao nhất, với các hoạt động thương mại, dịch vụ và nhà ở xen kẽ. Người dân được khuyến khích đi bộ, và đường sắt đô thị ở khu vực này.
Vùng chuyển tiếp nhà ga (bán kính 500-1.000m) có mật độ đô thị cao, kết nối với các ga bằng xe buýt, xe đạp, và phương tiện nhẹ. Các dịch vụ xã hội và công trình dân cư đa chức năng được bố trí, trong đó đường sắt đô thị là phương tiện giao thông chính.
Vùng nút giao Vành đai 3 là khu vực phát triển quanh các nút giao thông chính, bao gồm khu dân cư, công nghiệp và logistics, với đô thị trung, cao tầng xung quanh lõi trung tâm. Phương tiện giao thông chủ yếu trong khu vực là xe đạp, xe điện, kết nối ra ngoài bằng các đường nhánh vành đai và phương tiện công cộng.
TOD (Transit Oriented Development) được hiểu là mô hình phát triển đô thị lấy giao thông công cộng làm trung tâm. Mô hình TOD là định hướng phát triển (đô thị) tận dụng năng lực của hệ thống vận tải công cộng sức chở lớn (đặc biệt là hệ thống đường sắt đô thị) làm nền tảng cho đi lại và phát triển bền vững.
Những nơi làm TOD được tăng hệ số sử dụng đất, mật độ dân số cao, từ đó thu hút nhu cầu đi và đến các đầu mối giao thông lớn. Mô hình này khi áp dụng vào thực tiễn sẽ khuyến khích người dân sử dụng giao thông công cộng, giảm thiểu phương tiện cá nhân, tạo ra các khu đô thị bền vững, thân thiện với môi trường.