TP.HCM tái định hình ngành bán lẻ

Sau hợp nhất với Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu, TP.HCM không chỉ mở rộng địa giới mà còn sở hữu cấu trúc kinh tế - tiêu dùng toàn diện chưa từng có. Với sức mua khổng lồ, tầng lớp trung lưu tăng trưởng nhanh, cùng định hướng chuyển đổi số mạnh mẽ, thành phố đang trở thành trung tâm bán lẻ đa cực, mang lại cơ hội chiến lược cho các doanh nghiệp (DN) biết nắm bắt thời cơ và hành động sớm.

Cơ hội chưa từng có cho ngành bán lẻ

Với tổng dân số hơn 14 triệu người, tương đương Tokyo và vượt qua Jakarta cùng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt hơn 3 triệu tỷ đồng, TP.HCM đang nổi lên như một siêu đô thị tiêu dùng mang tầm cỡ khu vực. Sự hợp nhất với hai tỉnh năng động là Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu đã mở rộng không gian phát triển chưa từng có tiền lệ, tạo nên một thị trường nội địa khổng lồ với hành vi tiêu dùng ngày càng phân hóa và có xu hướng toàn cầu hóa.

TP.HCM đang nổi lên như một siêu đô thị tiêu dùng mang tầm cỡ khu vực

TP.HCM đang nổi lên như một siêu đô thị tiêu dùng mang tầm cỡ khu vực

Theo phân tích của TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn, chuyên gia đến từ Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, TP.HCM sau hợp nhất hội tụ đủ điều kiện để trở thành trung tâm tiêu dùng hàng đầu Đông Á. Với mật độ kinh tế đạt trên 400 tỷ đồng mỗi km², Thành phố có thể sánh ngang với các siêu đô thị như Bangkok hay Thượng Hải. Đáng chú ý, tầng lớp trung lưu và cận trung lưu tại TP.HCM hiện chiếm gần 40% dân số và tiếp tục gia tăng nhờ tốc độ đô thị hóa và cải thiện thu nhập. Đây là lực lượng tiêu dùng chủ đạo trong xu hướng hiện đại hóa chuỗi cung ứng và thúc đẩy nhu cầu trải nghiệm tiêu dùng mới.

Hiện nay, TP.HCM sở hữu mạng lưới bán lẻ phong phú với hơn 400 chợ truyền thống, 60.000 cửa hàng tạp hóa và khoảng 350 siêu thị, trung tâm thương mại. Sự tồn tại song song giữa hệ thống bán lẻ hiện đại và truyền thống giúp thành phố duy trì khả năng đáp ứng đa tầng cho nhiều phân khúc tiêu dùng. Theo ông Lê Trường Sơn - Phó tổng giám đốc Saigon Co.op, hệ thống bán lẻ hiện đại hiện mới chiếm khoảng 30% thị phần, nhưng đang phát triển mạnh mẽ nhờ sự bứt phá về công nghệ, thanh toán điện tử và logistics. Ông cho rằng sự hợp nhất không chỉ làm gia tăng thị trường mà còn yêu cầu các DN phải tư duy lại chuỗi giá trị, tái cấu trúc chiến lược phân phối để thích nghi với đặc điểm tiêu dùng từng vùng.

Một điểm sáng khác là TP.HCM đang dần trở thành trung tâm thương mại điện tử lớn của cả nước. Theo ông Trần Quốc Bảo - thành viên HĐQT Tập đoàn Kido, nếu được đầu tư đúng hướng, TP.HCM hoàn toàn có thể hình thành các sàn thương mại điện tử chuyên biệt cho hàng Việt, nơi tích hợp các dịch vụ thanh toán, logistics và truy xuất nguồn gốc. Điều này sẽ mở ra kênh phân phối mới cho DN nội địa, đồng thời giúp người tiêu dùng tiếp cận hàng hóa an toàn, minh bạch và thuận tiện hơn.

DN cần gì để dẫn dắt “cuộc chơi mới"?

Bên cạnh tiềm năng lớn, ngành bán lẻ TP.HCM vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức nội tại. Hạ tầng thương mại còn thiếu đồng bộ, chuỗi cung ứng chưa liên kết chặt chẽ, hoạt động logistics còn manh mún và đặc biệt là sự chậm trễ trong chuyển đổi số tại các cấp cơ sở. Trong khi đó, nhóm DN nhỏ, hộ kinh doanh cá thể và tiểu thương vốn chiếm hơn 60% hệ thống bán lẻ lại là lực lượng dễ bị tổn thương nhất khi xu thế tiêu dùng thay đổi nhanh chóng.

TP.HCM sau hợp nhất hội tụ đủ điều kiện để trở thành trung tâm tiêu dùng hàng đầu Đông Á

TP.HCM sau hợp nhất hội tụ đủ điều kiện để trở thành trung tâm tiêu dùng hàng đầu Đông Á

Ông Nguyễn Bá Diệp - đồng sáng lập MoMo cho rằng, nếu không hỗ trợ mạnh mẽ cho tiểu thương chuyển đổi số, nền tảng phân phối hàng hóa của TP.HCM sẽ thiếu sức bền trong bối cảnh cạnh tranh khu vực. Ông cho rằng các giải pháp công nghệ cần được thiết kế riêng cho nhóm hộ kinh doanh, với chi phí phù hợp, dễ sử dụng và tích hợp sẵn các chức năng bán hàng, thanh toán, vận chuyển và quản lý đơn hàng. Đặc biệt, chính quyền nên ban hành các chính sách tín dụng ưu đãi, miễn giảm thuế và tài trợ đào tạo kỹ năng số để tạo điều kiện cho lực lượng này tham gia vào nền kinh tế số một cách bền vững.

Trong khi đó, theo ông Lê Hoàng Long - Giám đốc khối bán lẻ của NielsenIQ Việt Nam, sự khác biệt tiêu dùng giữa ba khu vực TP.HCM (cũ), Bình Dương (cũ) và Bà Rịa - Vũng Tàu (cũ) rất rõ nét. DN bán lẻ nếu không có chiến lược bản địa hóa sẽ rất dễ bị rơi vào tình trạng “một mô hình cho tất cả” và thất bại trong việc đáp ứng kỳ vọng của khách hàng. Ông Long khuyến nghị các nhà bán lẻ cần đầu tư vào nghiên cứu thị trường, ứng dụng phân tích dữ liệu để hiểu rõ hành vi tiêu dùng từng vùng, từ đó điều chỉnh danh mục sản phẩm, chính sách giá và dịch vụ hậu mãi cho phù hợp.

Sự dịch chuyển mạnh mẽ của tầng lớp tiêu dùng trẻ mức độ tiếp cận công nghệ cao và nhu cầu cá nhân hóa sản phẩm lớn cũng đặt ra những yêu cầu mới cho ngành bán lẻ. Không còn dừng lại ở yếu tố giá cả, người tiêu dùng ngày nay chú trọng nhiều hơn đến trải nghiệm, giá trị bền vững, nguồn gốc sản phẩm và dịch vụ hậu mãi. Điều này thúc đẩy các nhà bán lẻ phải tái định vị thương hiệu, đầu tư vào dữ liệu người dùng và xây dựng hệ thống CRM thông minh để giữ chân khách hàng và tạo ra giá trị dài hạn.

Một xu hướng đáng chú ý khác là sự nổi lên của các mô hình bán lẻ kết hợp giải trí và trải nghiệm (retailtainment), nơi mà trung tâm mua sắm không chỉ đơn thuần là nơi giao dịch, mà còn là không gian văn hóa, công nghệ và tương tác xã hội. TP.HCM với đặc điểm dân số trẻ, năng động và có đời sống đô thị cao là môi trường lý tưởng để triển khai các mô hình này. DN nào dám tiên phong đổi mới sẽ chiếm lợi thế lớn trong việc định hình thói quen tiêu dùng mới, đặc biệt trong phân khúc trung lưu và cao cấp.

Sự dịch chuyển mạnh mẽ của tầng lớp tiêu dùng trẻ và nhu cầu cá nhân hóa sản phẩm lớn đặt ra những yêu cầu mới cho ngành bán lẻ

Sự dịch chuyển mạnh mẽ của tầng lớp tiêu dùng trẻ và nhu cầu cá nhân hóa sản phẩm lớn đặt ra những yêu cầu mới cho ngành bán lẻ

Mặt khác, thương mại bền vững và tiêu dùng có trách nhiệm cũng đang nổi lên như một trào lưu có sức lan tỏa lớn, đặc biệt trong giới trẻ và tầng lớp trí thức thành thị. Người tiêu dùng đang ngày càng quan tâm đến tính minh bạch của chuỗi cung ứng, tác động môi trường và trách nhiệm xã hội của thương hiệu. Đây cũng là cơ hội để các DN bán lẻ Việt Nam khẳng định uy tín, phát triển sản phẩm xanh, dịch vụ thân thiện môi trường và đồng hành cùng người tiêu dùng trong lộ trình sống xanh - tiêu dùng thông minh.

Tóm lại, TP.HCM đang ở vào thời điểm vàng để tái cấu trúc toàn diện ngành thương mại - dịch vụ, đặt nền móng cho một hệ sinh thái bán lẻ hiện đại, hiệu quả và có khả năng thích ứng cao trước biến động toàn cầu. Trong xu thế cạnh tranh khu vực ngày càng gay gắt, việc xây dựng một mô hình phát triển bán lẻ có tính hệ thống, có chiều sâu và lấy người tiêu dùng làm trung tâm sẽ là yếu tố quyết định sự thành bại trong dài hạn. Chính quyền TP.HCM, giới chuyên gia và cộng đồng DN cần chung tay định hình giai đoạn phát triển mới, với tầm nhìn chiến lược, năng lực hành động và sự đổi mới triệt để trong tư duy quản trị ngành hàng.

Thanh Ngân

Nguồn DNSG: https://doanhnhansaigon.vn/tp-hcm-tai-dinh-hinh-nganh-ban-le-320283.html