TP.HCM thăm và tặng quà văn nghệ sĩ lão thành tiêu biểu

Đoàn đại biểu Thành ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam TP.HCM cùng các đơn vị liên quan, do bà Đinh Thị Thanh Thủy – Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy TP.HCM làm Trưởng đoàn, vừa đến thăm và tặng quà họa sĩ Quách Phong, NSNA Đoàn Công Tính, NSNA Nguyễn Triệu Hùng và nhà văn Đoàn Minh Tuấn.

Các đại biểu chụp ảnh cùng nhà văn Đoàn Minh Tuấn

Các đại biểu chụp ảnh cùng nhà văn Đoàn Minh Tuấn

Chuyến thăm nhằm ghi nhận, tri ân những đóng góp của đội ngũ văn nghệ sĩ, đặc biệt là các văn nghệ sĩ từng tham gia cách mạng, đạt Giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng Hồ Chí Minh, danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú đã có quá trình hoạt động, cống hiến cho sự phát triển văn học nghệ thuật TP.HCM suốt 50 năm qua.

Đây cũng là sự thể hiện tình cảm, chính sách nghĩa tình của lãnh đạo Thành phố đối với văn nghệ sĩ, góp phần động viên, khích lệ để đội ngũ văn nghệ sĩ tiếp tục sáng tạo, đóng góp cho sự phát triển văn học nghệ thuật của Thành phố và đất nước.

Đến thăm các văn nghệ sĩ lão thành, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy TP.HCM Đinh Thị Thanh Thủy ân cần thăm hỏi sức khỏe, đời sống tinh thần và lắng nghe những chia sẻ, trăn trở, mong mỏi của họ về nghề nghiệp và sự phát triển của văn học nghệ thuật hiện nay.

Đoàn đại biểu thăm, tặng quà đến họa sĩ Quách Phong

Đoàn đại biểu thăm, tặng quà đến họa sĩ Quách Phong

Tại tư gia họa sĩ Quách Phong (tên thật Quách Văn Phong) ở phường Thủ Đức, dù gần 90 tuổi, ông vẫn minh mẫn, mỗi ngày dành khoảng 4 tiếng để sáng tác bộ tranh Ngàn năm sử Việt – kể lại lịch sử dân tộc từ thời Hùng Vương đến năm 1975.

Đây là một công trình nghệ thuật lớn được ông tâm huyết thực hiện từ năm 2009 đến nay, với kinh phí đã chi lên đến hơn 50 tỷ đồng. Sau khi hoàn tất bản phác thảo trên giấy, khoảng 10 năm qua ông tập trung vẽ sơn mài trên 660 tấm vóc đen, dài hơn 400 mét và dự kiến sẽ kéo dài đến 1.000 mét.

Song song đó, ông cũng hoàn thiện một phần bộ tranh lịch sử này bằng gốm (kích thước 3m x 50m), tái hiện giai đoạn từ thời Hùng Vương đến Hai Bà Trưng.

Họa sĩ Quách Phong sinh năm 1938 tại Vĩnh Long, trưởng thành trong chiến đấu nên luôn gắn bó với đề tài lực lượng vũ trang – chiến tranh cách mạng.

Sau sự kiện 30.4.1975, ông sáng tác ngay tác phẩm Nắng tháng năm, tiếp đó là Tiến về Sài Gòn, Mùa gặt mới ở Củ Chi, Xuống đường Mậu Thân 1968… loạt tác phẩm giúp ông được trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2007.

Ông cũng lưu giữ nhiều ký họa chiến trường, tích cực tham gia sáng tác ở các địa phương, thiết kế tượng đài… Đặc biệt, ông từng hai lần vinh dự được gặp Bác Hồ.

NSNA Đoàn Công Tính (thứ 3, từ trái sang) có nhiều đóng góp cho báo chí và nhiếp ảnh Việt Nam

NSNA Đoàn Công Tính (thứ 3, từ trái sang) có nhiều đóng góp cho báo chí và nhiếp ảnh Việt Nam

Đến thăm NSNA Đoàn Công Tính (sinh năm 1943) tại phường Bình Lợi Trung, dù tuổi cao, đi lại khó khăn do hai chân yếu, ông vẫn minh mẫn, nhớ rõ nhiều người, nhiều chuyện.

Khi còn trẻ, ông được mệnh danh là “Vua chiến trường” nhờ khả năng nắm bắt diễn biến chiến sự và đưa tin kịp thời, từng là phóng viên ảnh của Thông tấn xã Việt Nam.

NSNA Đoàn Công Tính có nhiều đóng góp cho báo chí và nhiếp ảnh Việt Nam, với loạt tác phẩm đoạt giải trong nước và quốc tế như Chiếm căn cứ Đầu Mầu (huy chương vàng O.I.J), Trên đường hành quân (giải ACCU, giải nhất Hội Văn nghệ Hà Nội), Trên đồi không tên (giải nhất Hội Nhà báo Việt Nam 1973), Tiến bước dưới quân kỳ (giải nhất Tổng cục Chính trị 1970), Nụ cười thành cổ (giải Tạp chí Văn nghệ Quân đội 1972)...

Sách ảnh Khoảnh khắc của ông đoạt giải A Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam và Giải thưởng Ảnh Châu Á (Nhật Bản, 2005). Ông được trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2007, là đảng viên 50 năm tuổi Đảng.

Các đại biểu đến thăm và chúc sức khỏe NSNA Nguyễn Triệu Hùng

Các đại biểu đến thăm và chúc sức khỏe NSNA Nguyễn Triệu Hùng

Sau khi thăm và chúc sức khỏe NSNA ảnh Đoàn Công Tính, đoàn tiếp tục đến nhà NSNA Nguyễn Triệu Hùng tại phường Bình Thạnh. Ông sinh năm 1931, là đảng viên 65 năm tuổi Đảng (năm 2022), từng công tác tại Văn phòng Tổng cục Chính trị, Cục Tuyên huấn, báo Quân đội Nhân dân và Tạp chí Ánh sáng Đẹp (Hội Nhiếp ảnh TP.HCM).

Ông được trao nhiều huân chương cao quý như: Huân chương Chiến thắng hạng Ba, Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng 1-2-3, Huân chương Quân công hạng Ba, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, Huân chương Lao động hạng Ba... cùng nhiều bằng khen của TP.HCM và Hội Nhiếp ảnh TP.

Điểm dừng chân cuối cùng trong chuyến thăm các văn nghệ sĩ lão thành tiêu biểu là tư gia nhà văn Đoàn Minh Tuấn tại phường Tân Hưng. Cùng đến thăm, thăm hỏi và chia sẻ niềm vui trước sự quan tâm của Thành ủy TP.HCM dành cho nhà văn lão thành còn có bà Phạm Thị Hạnh Tư, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam phường Tân Hưng.

Bà Đinh Thị Thanh Thủy – Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy TP.HCM thăm hỏi nhà văn Đoàn Minh Tuấn - nguyên Phó Tổng Biên tập báo Văn Hóa

Bà Đinh Thị Thanh Thủy – Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy TP.HCM thăm hỏi nhà văn Đoàn Minh Tuấn - nguyên Phó Tổng Biên tập báo Văn Hóa

Nhà văn Đoàn Minh Tuấn sinh năm 1932, lúc trẻ tốt nghiệp khoa Ngữ văn trường Đại học Tổng hợp năm 1961. Giai đoạn 1961-1969, ông làm biên tập viên Đài Tiếng nói Việt Nam. Từ năm 1969-1971, ông vào chiến trường B, là trưởng đoàn tuyên truyền võ trang khu tại chiến trường Buôn Ma Thuột.

Những năm 1975-1989, ông làm trợ lý Giám đốc Đài truyền hình TP.HCM, rồi làm Trưởng Ban Biên tập, Giám đốc chi nhánh Nhà xuất bản Thông tin (phía Nam), Phó Tổng Biên tập báo Văn Hóa, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Toàn Cảnh thuộc Bộ Văn hóa và Thông tin.

Ông có nhiều tác phẩm giá trị, được tái bản nhiều lần, các tác phẩm được ông viết theo nhiều thể loại, là tùy bút, bút ký, chân dung văn học như: Thầy giáo vùng cao, Em đội viên mắt sáng, Núi sông hùng vĩ; Bác Hồ cây đại thọ, Đền Hùng, một sáng thu xưa, Hùng Vương, Nguyễn Tuân - khuôn mặt và tác phẩm

Ngoài ra, nhà văn Đoàn Minh Tuấn còn là tác giả của nhiều kịch bản phim tài liệu và nghệ thuật rối được quay ở Tiệp Khắc, Campuchia, nhiều ký được in ở Liên Xô, Trung Quốc và phát trên đài truyền hình, phát thanh Đông Âu cũ.

Dù đã 93 tuổi, nhà văn Đoàn Minh Tuấn vẫn lạc quan, yêu đời và say mê sáng tác. Phong cách trò chuyện duyên dáng, dí dỏm cùng tinh thần sáng tạo luôn dồi dào khiến ông trở thành nguồn cảm hứng cho những người xung quanh.

Gần đây, ông ra mắt tập bút ký chân dung Cây bút trước những ngọn đèn tỏa sáng (NXB Hội Nhà văn) và hiện đang phối hợp cùng nhà văn Võ Thu Hương hoàn thiện hồi ký Bên dòng sông Trà, dự kiến xuất bản cuối năm 2025.

THÙY TRANG

Nguồn Văn hóa: http://baovanhoa.vn/doi-song/tphcm-tham-va-tang-qua-van-nghe-si-lao-thanh-tieu-bieu-155554.html