TP.HCM thu hút tư nhân theo hình thức PPP: Để tránh không bắt được 'gà' lại mất 'nắm gạo'

Hợp đồng công tư (PPP) là một nội dung đáng chú ý tại Dự thảo lần 5 Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, nhằm thu hút nguồn lực đầu tư từ khu vực tư nhân.

PPP đòi hỏi nguồn vốn mồi từ Nhà nước. Tuy nhiên, Dự thảo đề xuất tỷ lệ vốn Nhà nước có thể lên đến 70% tổng mức đầu tư của dự án khiến nhiều chuyên gia tại buổi tọa đàm(*) góp ý dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54/2017/QH14 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM còn băn khoăn.

Kể từ khi áp dụng Nghị quyết 54 từ năm 2017 (chuẩn bị thay thế bởi Nghị quyết đang soạn thảo này), đến nay chưa có dự án PPP nào được triển khai. PGS-TS. Phạm Duy Nghĩa, Đại học Fulbright Việt Nam, phát biểu nếu dự án đáng đồng tiền bát gạo, khả thi về tài chính thì tư nhân sẽ tham gia. Tuy nhiên, những dự án PPP thường khó biết có lãi hay không khiến nguồn lực tư nhân chưa mặn mà với hình thức này.

Theo chuyên gia, PPP là công cụ để thu hút đầu tư tư nhân nhưng cũng là con dao hai lưỡi. Ảnh mang tính minh họa. Ảnh: Zing

Theo chuyên gia, PPP là công cụ để thu hút đầu tư tư nhân nhưng cũng là con dao hai lưỡi. Ảnh mang tính minh họa. Ảnh: Zing

Cảnh báo rủi ro bị nhà đầu tư dẫn dắt khi triển khai PPP, ông Nghĩa đề xuất TP.HCM cần tập hợp đội ngũ chuyên viên đủ năng lực, để có thể đối thoại sòng phẳng với nhà đầu tư vốn có lợi thế lực lượng cố vấn hùng hậu về thiết kế dự án, tài chính, pháp lý… Mô hình tổ chức cấp phòng hoặc ban PPP hỗ trợ chính quyền thành phố đánh giá tính khả thi cũng như những rủi ro trong suốt quá trình đàm phán, triển khai, hoàn vốn dự án.

“PPP là công cụ để thu hút đầu tư tư nhân nhưng cũng là con dao hai lưỡi. Nếu không khéo chúng ta chỉ bán cơ hội cho nhà đầu tư làm, và những rắc rối đằng sau chính quyền phải đứng ra giải quyết”, ông Nghĩa lưu ý chính quyền phải chuẩn bị năng lực ngang tầm với nhà đầu tư.

Bên cạnh nhân lực là tài lực. Ông Nghĩa đề xuất thành lập quỹ dự phòng PPP trong trường hợp nhà đầu tư yêu cầu thành phố cam kết, hoặc thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh theo hợp đồng. Thời hạn thực hiện hợp đồng cũng không loại trừ trường hợp xảy ra tranh chấp đến mức phải thuê luật sư giải quyết thông qua con đường tòa án. Phí luật sư vốn không hề rẻ cũng sẽ được trích từ quỹ này.

Đồng tình với ông Nghĩa về mô hình quỹ dự phòng, ông Nguyễn Xuân Thành (Đại học Fulbright Việt Nam) nói ban soạn thảo cân nhắc đưa quỹ dự phòng trong mô hình của HFIC. Nguồn vốn của quỹ thuộc thẩm quyền phân bổ hằng năm của Hội đồng Nhân dân TP.HCM. Quỹ có tiền ngay từ đầu vừa giúp nhà đầu tư giảm được rủi ro, vừa tạo điều kiện thuận lợi hơn cho chính thành phố trong quá trình đàm phán.

Việc đưa BT (xây dựng - chuyển giao, là một hình thức PPP) vào Dự thảo, theo ông Thành dự báo gây nhiều ý kiến tranh cãi khi đưa ra thảo luận trên diễn đàn Quốc hội. BT từng bị dư luận chỉ trích đến mức những nhà làm luật loại ra khỏi Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư.

Nguyên nhân thứ nhất BT là đổi đất lấy hạ tầng không minh bạch. Thứ hai, BT né quy định theo Luật Đầu tư công, chuyển sang hình thức thầu xây dựng nên chi phí cao hơn nhằm giải trình với dư luận cũng như chất vấn từ phía đại biểu Quốc hội. Với đề xuất này, chính quyền thành phố nên minh định BT không phải đổi đất lấy hạ tầng, mà nhà đầu tư sẽ được thành phố thanh toán bằng ngân sách. Các cơ chế để xét duyệt tổng mức đầu tư, chọn nhà thầu vẫn theo Luật Đầu tư công nhằm giải quyết hai rủi ro như đã nêu.

Như vậy, TP.HCM không lãng phí một kênh thu hút đầu tư tư nhân là BT, đồng thời đẩy nhanh tốc độ và hiệu quả đầu tư.

Nghị quyết vì sự phát triển quốc gia

Theo ông Nguyễn Xuân Thành (Đại học Fulbright Việt Nam), Nghị quyết được thiết kế vì sự phát triển quốc gia. Tất cả đề xuất chính sách không chỉ vì sự phát triển của TP.HCM mà phục vụ cho liên kết vùng.

Ông góp ý Điều 4 về quản ý đầu tư quy định việc áp dụng cơ chế vượt trội không chỉ dừng lại ở dự án đường sắt đô thị số 1, số 2 và đường vành đai 3, mà đồng thời áp dụng đối với dự án đầu tư mang tính chất liên kết vùng, tức là những dự án đi qua nhiều địa phương, kể vùng Đông Nam bộ hay kết nối với Đồng bằng sông Cửu Long.

Đây cũng là ba dự án được đề xuất thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông (TOD, lấy định hướng phát triển giao thông công cộng làm cơ sở cho quy hoạch, phát triển đô thị nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất, công trình công cộng, giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường) mà vị chuyên gia này thể hiện quan điểm ủng hộ.

Khuê Anh

______________

(*) Tọa đàm do Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM phối hợp cùng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM tổ chức hôm 30.3 vừa qua.

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/tp-hcm-thu-hut-tu-nhan-theo-hinh-thuc-ppp-de-tranh-khong-bat-duoc-ga-lai-mat-nam-gao-39028.html