TP.HCM: Thương mại điện tử trong năm 2024 tăng trưởng 52%

Trong năm 2024, thương mại điện tử của TP.HCM tăng trưởng 52%, cao hơn mức trung bình của cả nước là 42%. Xét về tổng quy mô doanh số thương mại điện tử đã tăng trưởng so với cùng kỳ, TP.HCM đang dẫn đầu cả nước.

Thông tin trên được ông Nguyễn Minh Hùng - Phó trưởng Phòng Quản lý thương mại (Sở Công thương TP.HCM) chia sẻ với báo chí vào chiều 12.12.

Theo ông Hùng, hiện nay số lượng website, ứng dụng của tổ chức, cá nhân cư trú trên địa bàn TP.HCM có tỷ lệ nhiều nhất nước, bao gồm: 24.829 website thương mại điện tử bán hàng (chiếm 46,95% cả nước), 355 website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử (chiếm 47,72% cả nước), 305 ứng dụng thương mại điện tử bán hàng (chiếm 45,32% cả nước), 165 ứng dụng cung cấp dịch vụ thương mại điện tử (chiếm 43,31% cả nước).

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

"Trong năm 2024, thương mại điện tử của TP.HCM tăng trưởng 52%, cao hơn mức trung bình của cả nước là 42%. Xét về tổng quy mô doanh số thương mại điện tử đã tăng trưởng so với cùng kỳ, TP đang dẫn đầu cả nước. Doanh số thương mại điện tử của TP chiếm tỷ lệ 33% trong tổng doanh thu thương mại điện tử toàn quốc”, ông Hùng cho biết.

Ông Hùng cho rằng sự bùng nổ, duy trì và phát triển của các nền tảng như: Shopee, TikTok Shop, Lazada, Tiki,... cùng sự phát triển của các dịch vụ hỗ trợ như logistics, thanh toán điện tử, và marketing số đã tạo nên hệ sinh thái thương mại điện tử sôi động bậc nhất cả nước.

Hạ tầng công nghệ tại TP cũng thuộc loại tiên tiến, với tổng số thuê bao internet dẫn đầu cả nước, tỷ lệ sử dụng smartphone cao và mạng lưới viễn thông phát triển mạnh mẽ. “Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho người tiêu dùng tiếp cận thương mại điện tử, và doanh nghiệp triển khai các hoạt động kinh doanh trực tuyến”, ông Hùng nói.

Để phát triển thương mại điện tử trong thời gian tới, ông Hùng cho biết TP sẽ tập trung vào 4 nhiệm vụ trọng tâm gồm: Tăng cường công tác quản lý nhà nước về thương mại điện tử; triển khai một số giải pháp hỗ trợ phát triển thương mại điện tử; đầu tư, nâng cấp hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin và logistics; tăng cường các hoạt động tuyên truyền.

Đối với việc tăng cường công tác quản lý nhà nước về thương mại điện tử, TP sẽ xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ công tác quản lý thương mại điện tử, thuế, hải quan, quản lý thị trường; kiểm tra và giám sát các hoạt động thương mại điện tử để đảm bảo minh bạch, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; đồng thời rà soát chính sách, tham mưu cơ chế quản lý nhà nước đối với hoạt động thương mại điện tử để hỗ trợ, tạo điều kiện cho sự phát triển thương mại điện tử.

Trong hoạt động đầu tư, nâng cấp hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin và logistics, TP xây dựng chính sách mời gọi đầu tư, hình thành các trung tâm logistics chuyên biệt tại các khu vực quan trọng để hỗ trợ lưu kho, vận chuyển hàng hóa cho các doanh nghiệp thương mại điện tử. Những trung tâm này sẽ giúp giảm chi phí vận chuyển, rút ngắn thời gian giao hàng và nâng cao hiệu quả vận hành; khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp sử dụng công nghệ AI và IoT để tối ưu hóa quy trình giao nhận hàng hóa, từ việc quản lý kho bãi đến việc điều phối các lộ trình giao hàng.

Về triển khai một số giải pháp hỗ trợ phát triển thương mại điện tử, ông Hùng cho biết, TP sẽ xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu thị trường, thương mại số cho doanh nghiệp; khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển triển thương mại điện tử; chuyển giao công nghệ tiên tiến (quốc tế và nội địa) trong hoạt động thương mại điện tử, đặc biệt là thương mại điện tử trực tiếp (Live Commerce); đào tạo và phát triển nguồn nhân lực; hợp tác quốc tế và kết nối khu vực.

“Chúng tôi mở rộng hợp tác với các đối tác quốc tế trong lĩnh vực thương mại điện tử nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh; tạo cơ hội kết nối giao thương giữa doanh nghiệp thành phố với các thị trường khu vực và toàn cầu thông qua các hội chợ thương mại điện tử, triển lãm trực tuyến toàn cầu, qua đó mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa”, ông Hùng giải thích.

Ngoài ra, TP.HCM sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp và người tiêu dùng tham gia giao dịch thương mại điện tử; đẩy mạnh hình thức mua sắm trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt; đồng thời nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước về thương mại điện tử trong công tác quản lý thuế, thanh tra, kiểm tra chất lượng hàng hóa sản phẩm, đảm bảo việc kinh doanh thương mại điện tử tuân thủ đúng quy định của pháp luật, tạo môi trường pháp lý thuận lợi, an toàn cho các giao dịch thương mại điện tử trên địa bàn TP và giữa TP với các tỉnh thành khác.

Hồ Quang

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/tp-hcm-thuong-mai-dien-tu-trong-nam-2024-tang-truong-52-227074.html