TP.HCM tiếp nhận, xử lý trôi chảy gần 80.000 hồ sơ hành chính
TP.HCM đã tích hợp 100% dịch vụ công trực tuyến lên Cổng dịch vụ công quốc gia. Sau gần 2 tuần vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, toàn TP.HCM đã tiếp nhận gần 80.000 hồ sơ thủ tục hành chính, trong đó hơn 48.000 hồ sơ thuộc cấp xã.
Chính quyền 2 cấp tiếp nhận gần 80.000 hồ sơ
Chiều 10/7, tại buổi họp báo kinh tế - xã hội, bà Nguyễn Ngọc Hằng, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM cho biết, hoạt động của các địa phương tại TP.HCM sau sáp nhập cơ bản ổn định, sau hơn một tuần triển khai mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.

Quang cảnh buổi họp báo kinh tế, xã hội TP.HCM chiều 10/7. (Ảnh: Tỷ Huỳnh)
Theo bà Nguyễn Ngọc Hằng, TP.HCM đã hoàn tất việc bàn giao hồ sơ, tài sản cũng như công việc giữa các đơn vị theo đúng quy định. Việc tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính, khiếu nại, tố cáo được đảm bảo, thực hiện liên tục, không gián đoạn, không ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân và doanh nghiệp.
Cụ thể, các hồ sơ có thời hạn giải quyết trước ngày 1/7 sẽ do đơn vị cũ xử lý dứt điểm, còn những hồ sơ chưa giải quyết xong hoặc có thời hạn giải quyết sau ngày 1/7 sẽ được chuyển giao cho đơn vị mới phụ trách.
Đến nay, TP.HCM đã tích hợp 100% dịch vụ công trực tuyến lên Cổng dịch vụ công quốc gia và chính thức đóng giao diện cổng riêng của thành phố từ ngày 18/6, để thực hiện “một cửa số”.
Thống kê từ ngày 1-9/7, TP.HCM đã tiếp nhận gần 80.000 hồ sơ thủ tục hành chính, trong đó hơn 48.000 hồ sơ thuộc thẩm quyền cấp xã.

Bà Nguyễn Ngọc Hằng, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM thông tin về tình hình hoạt động của chính quyền 2 cấp tại TP.HCM (Ảnh: Tỷ Huỳnh)
Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM Nguyễn Ngọc Hằng khẳng định, việc sáp nhập địa giới hành chính không làm phát sinh thủ tục mới hay gây xáo trộn cho người dân, doanh nghiệp. Từ đó đến nay, TP.HCM chưa ghi nhận phản ánh tiêu cực từ người dân, doanh nghiệp.
“Đối với một số xã, phường còn thiếu thiết bị, TP.HCM đã chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương hỗ trợ, hoàn thiện cơ sở vật chất nhằm nâng cao chất lượng phục vụ cho người dân và doanh nghiệp. Sở Nội vụ đã bố trí nhân sự tại 3 khu vực: TP.HCM, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu (cũ) để hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ. Đồng thời cập nhật hệ thống giải quyết thủ tục hành chính, con dấu, tên cơ quan nhằm duy trì hoạt động ổn định, không phát sinh rào cản về hành chính. Hiện Sở chưa ghi nhận, phản ánh tiêu cực từ người dân, doanh nghiệp”, bà Hằng cho biết.
Nhu cầu sử dụng xe đưa rước tăng
Liên quan công tác triển khai phương tiện đưa đón cán bộ, công chức, viên chức từ các tỉnh Bình Dương cũ và Bà Rịa - Vũng Tàu cũ đến Trung tâm hành chính TP.HCM làm việc, đại diện Sở Xây dựng TP.HCM cho hay, nhu cầu sử dụng phương tiện đưa đón đã tăng.

Ông Vũ Anh Dũng cho biết, nhu cầu sử dụng phương tiện đưa rước của cán bộ, công chức, viên chức đã tăng cao rõ rệt (Ảnh: Tỷ Huỳnh)
Theo ông Vũ Anh Dũng, Phó trưởng phòng Phòng Phát triển đô thị - Sở Xây dựng TP.HCM, trong tuần làm việc đầu tiên do chưa ổn định vị trí công tác tại các cơ quan hành chính hoặc cán bộ, công chức, viên chức sử dụng phương tiện cá nhân nên nhu cầu sử dụng phương tiện đưa rước cán bộ còn thấp.
Tuy nhiên, tuần thứ 2, kể từ ngày 7/7, nhu cầu sử dụng phương tiện đưa rước đã tăng cao rõ rệt.
“Ghi nhận trong ngày 7/7 đã vận chuyển được 300 lượt cán bộ, công chức, viên chức đến và đi Trung tâm hành chính TP.HCM. Sở Xây dựng dự báo nhu cầu sử dụng phương tiện đưa rước sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Đặc biệt là phát sinh nhu cầu sử dụng xe đưa rước nội bộ kết nối TP.HCM với Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu của các cơ quan Ngân hàng Nhà nước và Thuế. Vì vậy, Sở Xây dựng sẽ phối hợp cùng với Công ty Cổ phần xe khách Phương Trang điều động, bổ sung phương tiện để phục vụ riêng cho các cơ quan này”, ông Dũng thông tin thêm.