Máy bay phơi nắng mưa hơn 6.600 ngày tại Nội Bài: Học viện Hàng không xin nhận về làm giáo cụ

Máy bay Boeing B727-200 của Hãng Royal Khmer Airlines nằm tại Nội Bài từ năm 2007. Học viện Hàng không Việt Nam xin tiếp nhận, đưa về Cam Ranh làm giáo cụ đào tạo.

Chiếc máy bay Boeing B727-200 mang số hiệu XU-RKJ, thuộc Hãng hàng không Royal Khmer Airlines (quốc tịch Campuchia), đã bị bỏ lại tại Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài từ ngày 1/5/2007. Sau khi bị xóa đăng ký quốc tịch Campuchia vào năm 2008 và bị thu hồi giấy phép khai thác (AOC) vào năm 2014, phía Campuchia đã đồng ý để Việt Nam xử lý tài sản theo pháp luật hiện hành.

Ngày 15/12/2014, Cục Hàng không Việt Nam xác định đây là tàu bay bị bỏ, Bộ Tài chính cũng đã ban hành quyết định xác lập quyền sở hữu toàn dân đối với tài sản này. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có cơ quan nào được chỉ định chính thức tiếp nhận và quản lý.

Bỏ hoang gần 20 năm ở Nội Bài, máy bay Boeing sắp được 'hồi sinh' làm giáo cụ.

Bỏ hoang gần 20 năm ở Nội Bài, máy bay Boeing sắp được 'hồi sinh' làm giáo cụ.

Trước thực trạng chiếc Boeing B727-200 nằm phơi sương gió suốt gần 2 thập kỷ, gây lãng phí tài sản và ảnh hưởng đến hoạt động khai thác của sân bay Nội Bài, Cục Hàng không từng đề xuất bán đấu giá dưới dạng sắt vụn. Tuy nhiên, việc thẩm định giá gặp nhiều khó khăn do máy bay đã hư hỏng nặng, không thể phục hồi, thiếu hồ sơ kỹ thuật, không có tiền lệ giao dịch tại Việt Nam và ít trường hợp tương tự trên thế giới.

Theo đó, Cục Hàng không Việt Nam đã phối hợp với Học viện Hàng không Việt Nam xây dựng phương án tiếp nhận, sử dụng chiếc máy bay làm giáo cụ trực quan phục vụ công tác đào tạo tại Cơ sở 3 của Học viện ở Cam Ranh (Khánh Hòa). Theo tính toán, chi phí tháo dỡ, vận chuyển, lắp đặt chiếc máy bay chỉ khoảng 8,7 - 9,6 tỷ đồng – thấp hơn rất nhiều so với phương án nhập khẩu mô hình máy bay đào tạo từ nước ngoài (khoảng 500 tỷ đồng).

Tàu bay Boeing B727-220 bị bỏ rơi tại sân bay Nội Bài.

Tàu bay Boeing B727-220 bị bỏ rơi tại sân bay Nội Bài.

Dù không còn khả năng bay, nhưng chiếc Boeing B727-200 vẫn giữ nguyên nhiều cấu trúc quan trọng như khung sườn, khoang hành khách, buồng lái, hệ thống càng hạ cánh, động cơ… đủ điều kiện sử dụng làm mô hình thực hành cho các chuyên ngành: kỹ thuật hàng không, điện - điện tử, an ninh hàng không, tiếp viên, điều hành bay, thương mại mặt đất…

Học viện Hàng không Việt Nam khẳng định có đủ năng lực tài chính để tiếp nhận và khai thác tài sản này mà không cần sử dụng ngân sách Nhà nước. Việc này được Cục Hàng không đánh giá là giải pháp thiết thực, hiện đại, phù hợp với thực tiễn đào tạo, giúp tránh lãng phí và giải quyết dứt điểm tình trạng 'bỏ rơi' máy bay suốt gần 20 năm qua.

Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu chấn chỉnh tình trạng phi công 'bay quá tốc độ'.

Thành Long

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/may-bay-phoi-nang-mua-hon-6600-ngay-tai-noi-bai-hoc-vien-hang-khong-xin-nhan-ve-lam-giao-cu-169250710184020913.htm