TP.HCM trình 5 dự án đầu tư theo hình thức BOT
Các dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13; Quốc lộ 1; Quốc lộ 22; trục Bắc – Nam và cầu đường Bình Tiên là 5 dự án thực hiện theo hợp đồng BOT được UBND TP.HCM trình HĐND Thành phố thông qua.
Tại kỳ họp thứ 11 (kỳ họp chuyên đề) của HĐND TP.HCM diễn ra vào sáng 19/9, UBND Thành phố đã trình danh mục dự án Đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa công trình đường bộ hiện hữu được áp dụng loại hợp đồng xây dựng – vận hành – chuyển giao (BOT).
Việc lựa chọn các dự án cấp bách dựa trên 4 tiêu chí chấm điểm gồm: phù hợp quy hoạch được phê duyệt với loại đường phố đô thị, đường trên cao để kết nối đồng bộ; phù hợp với định hướng phát triển không gian kinh tế - xã hội, định hướng phát triển hệ thống đô thị và nông thôn quốc gia; giải quyết các điểm nghẽn kết nối với các cửa ngõ và các đầu mối giao thông quan trọng; có khả năng huy động nguồn vốn đầu tư khối tư nhân vào dự án BOT.
Từ các cơ sở lựa chọn dự án nêu trên, đã xác định được 5 dự án trước mắt cần tập trung đầu tư trong giai đoạn 2023 - 2030.
Đầu tiên là Dự án mở rộng Quốc lộ 13 (từ cầu Bình Triệu đến ranh tỉnh Bình Dương) dài 5,9 km sẽ được mở rộng lên 53 – 60 m với tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 6.800 tỷ đồng. Trong đó, tỷ lệ góp vốn từ nhà đầu tư là 50% tổng mức đầu tư.
Dự án thứ hai là mở rộng Quốc lộ 1 (từ đường Kinh Dương Vương đến ranh tỉnh Long An) dài 9,6 km, sẽ được mở rộng lê từ 52 – 60 m với tổng mức đầu tư gần 12.900 tỷ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 7.700 tỷ đồng. Dự án này cũng được đề xuất ngân sách nhà nước tham gia với tỷ lệ 50% và doanh nghiệp đầu tư dự án 50%.
Dự án thứ ba là mở rộng Quốc lộ 22 (từ nút giao An Sương đến đường Vành đai 3) dài 9,1 km sẽ mở rộng lên 60 m với tổng mức đầu tư lên gần 7.200 tỷ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng dự kiến là 2.400 tỷ đồng. Dự án này cũng được đề xuất ngân sách nhà nước tham gia với tỷ lệ 50% và doanh nghiệp đầu tư dự án 50%.
Dự án thứ tư là dự án cầu đường Bình Tiên Tiên (từ đường Phạm Văn Chí đến đường Nguyễn Văn Linh) dài 3,2 km có mặt cắt ngang rộng 30 – 40 m, với tổng mức đàu tư hơn 6.200 tỷ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng hơn 3.300 tỷ đồng. Dự án này được đề xuất ngân sách nhà nước tham gia với tỷ lệ 54% và doanh nghiệp tham gia 46%.
Dự án cuối cùng là trục đường Bắc – Nam đoạn từ đường Nguyễn Văn Linh đến cao tốc Bến lúc Long Thành dài 8 km, được đề xuất mở rộng 60 m. Tuy nhiên, chưa có thông tin về tổng mức đầu tư dự kiến của dự án này.
Như vậy, so với danh mục đề xuất trước đó của Sở Giao thông – Vận tải TP.HCM, quy mô đầu tư của hai dự án đã thay đổi. Cụ thể là dự án mở rộng Quốc lộ 13 (theo đề xuất trước đó là 4,6 km) và dự án nâng cấp đường trục Bắc - Nam, đoạn từ đường Nguyễn Văn Linh đến cao tốc Bến lúc Long Thành (theo đề xuất trước đó là 7,5 km).
Theo đánh giá của UBND Thành phố, cơ sở hạ tầng giao thông đóng vai trò quan trọng đối với tăng trưởng và phát triển kinh tế. Thành phố đã triển khai nhiều dự án phát triển giao thông theo hình thức đối tác công tư (PPP), trong đó có việc áp dụng loại hợp đồng BOT như một phương thức cấp vốn và phát triển các dự án.
Dự án áp dụng loại hợp đồng BOT có thể giải quyết được yêu cầu về vốn đầu tư trong điều kiện nguồn Ngân sách Thành phố còn hạn chế để thực hiện các dự án đầu tư công (Ngân sách Thành phố hiện chỉ đáp ứng 28% nhu cầu đầu tư ngành giao thông).
Vì vậy, nhu cầu thực hiện dự án đầu tư theo hợp đồng BOT cho công trình giao thông đường bộ hiện hữu, phù hợp quy hoạch được duyệt đối với loại đường phố chính đô thị, đường trên cao rất cấp thiết.
Tuy nhiên, để hạn chế việc đầu tư dàn trải ảnh hưởng đến chi phí xã hội của người dân và doanh nghiệp, việc xây dựng cơ sở lựa chọn và đề xuất danh mục dự án đầu tư theo hợp đồng BOT trên đường hiện hữu để trình HĐND Thành phố xem xét, ban hành danh mục dự án, làm cơ sơ sở thực hiện đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa công trình đường bộ hiện hữu theo cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố của Nghị quyết số 98/2023/QH15 và thuận lợi để người dân giám sát là rất cần thiết.
Do đó, UBND Thành phố kiến nghị HĐND Thành phố xem xét, ban hành danh mục dự án Đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa công trình đường bộ hiện hữu được áp dụng loại Hợp đồng BOT cần tập trung đầu tư trong giai đoạn 2023 - 2030 và bố trí bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021- 2025 (dự kiến 8.360 tỷ đồng), kế hoạch đầu tư công năm 2023 để thực hiện chuẩn bị đầu tư (dự kiến 5 tỷ đồng).
UBND Thành phố cũng cho rằng, trên cơ sở lựa chọn dự án nêu trên, trong thời gian thực hiện Nghị quyết số 98, Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư và các Sở ngành liên quan tiếp tục rà soát, đánh giá tình hình giao thông và khả năng cân đối nguốn vốn ngân sách.
Đồng thời, tiếp nhận đề xuất dự án của các doanh nghiệp (nếu có) để định kỳ 6 tháng tổng hợp báo cáo UBND thành phố trình HĐND Thành phố ban hành danh mục dự án để làm cơ sở thực hiện.
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/tphcm-trinh-5-du-an-dau-tu-theo-hinh-thuc-bot-d198902.html