TP.HCM ước tính thu 1.552 tỷ đồng/năm phí lòng đường, vỉa hè: Dựa trên cơ sở nào?

Mức phí sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè được đề xuất là từ 20.000 đồng – 100.000 đồng/m2/tháng, tùy theo khu vực. Kết quả khảo sát cho biết có khoảng 48% chủ cửa hàng đồng ý đăng ký và trả phí sử dụng hè phố. Những người không đồng ý cho rằng hè phố trước nhà họ có quyền sử dụng mà không cần đăng ký...

Như Người Đô Thị đã thông tin, tại tờ trình ngày 7.8 gửi UBND TP.HCM đề nghị xây dựng Nghị quyết ban hành mức thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố (vỉa hè) trên địa bàn TP.HCM, Sở Giao thông vận tải TP.HCM đã dự kiến thu được 1.552 tỷ đồng/năm. Một số chuyên gia đô thị và bạn đọc có phản hồi về tòa soạn mong muốn được biết cơ sở nào để Sở Giao thông vận tải TP.HCM ước tính như thế?

Theo tìm hiểu của Người Đô Thị, tại hồ sơ gửi Sở Tư pháp và Sở Tài chính thẩm định dự thảo Nghị quyết của HĐND TP.HCM ban hành mức thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố, Sở Giao thông vận tải TP.HCM đã có cung cấp dự thảo Đề án thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố trên địa bàn TP.HCM.

Từ ngày 1.9.2023 TP.HCM bỏ thủ tục cấp phép sử dụng tạm thời vỉa hè để kinh doanh dịch vụ, buôn bán hàng hóa. Thay vào đó, phải tuân theo danh mục vị trí vỉa hè đủ điều kiện tổ chức kinh doanh dịch vụ, mua bán hàng hóa do UBND cấp huyện ban hành... Ảnh: CTV

Từ ngày 1.9.2023 TP.HCM bỏ thủ tục cấp phép sử dụng tạm thời vỉa hè để kinh doanh dịch vụ, buôn bán hàng hóa. Thay vào đó, phải tuân theo danh mục vị trí vỉa hè đủ điều kiện tổ chức kinh doanh dịch vụ, mua bán hàng hóa do UBND cấp huyện ban hành... Ảnh: CTV

Bình quân 38m đường có 1 hàng rong

Đề án cho biết hiện nay trên địa bàn TP.HCM có 4.869 tuyến đường có bề rộng từ 5m trở lên, trong đó có 3.631 tuyến đường có bề rộng lòng đường nhỏ hơn 7,5m với chiều dài 2.328 km và 1.238 tuyến đường có bề rộng lòng đường từ 7,5m trở lên với chiều dài 1.716km.

Có hơn 1/2 số tuyến đường không có vỉa hè nên dẫn đến xảy ra tình trạng dừng đậu xe dưới lòng đường. Và trong số các tuyến đường còn lại (đường có vỉa hè) thì chỉ có khoảng 27,47% chiều dài phần vỉa hè các tuyến đường có thể xem xét cho phép sử dụng tạm thời phần vỉa hè ngoài mục đích giao thông.

Bên cạnh đó, trong 4.869 tuyến đường thì có 2.598 tuyến đường không có vỉa hè với chiều dài 2.074,64 km và 2.271 tuyến đường có vỉa hè với chiều dài 1.969,36 km. Trong 2.271 tuyến đường có vỉa hè thì có 929 tuyến đường có vỉa hè có bề rộng từ 3m trở lên với chiều dài 673,31 km và 1.342 tuyến đường có vỉa hè có bề rộng dưới 3m với chiều dài khoảng 1.296,05 km.

“Nhiều hè phố tại TP.HCM bị lấn chiếm để sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau, ảnh hưởng đến an toàn giao thông khi khách bộ hành phải đi dưới lòng đường chung với xe cơ giới, cản trở dòng xe lưu thông gây ra tình trạng ùn tắc trên nhiều tuyến đường.

Vệ sinh môi trường dọc các tuyến đường cũng bị ảnh hưởng do tình trạng xả rác của các đối tượng sử dụng. Tình trạng lộn xộn, bất quy tắc khi sử dụng hè phố với nhiều mục đích khác nhau gây mất mỹ quan đô thị, tác động không nhỏ đến cảnh quan chung và hình ảnh của thành phố”, Đề án cho biết.

Nhiều hè phố tại TP.HCM bị lấn chiếm để sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau. Ảnh: CTV

Nhiều hè phố tại TP.HCM bị lấn chiếm để sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau. Ảnh: CTV

Số liệu khảo sát của Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM cho biết, có 92% cửa hàng sử dụng hè phố để đậu xe máy cho khách hàng. Phần lớn cửa hàng sử dụng trong 1m chiều rộng hè phố, tỷ lệ bình quân các buổi trong tuần khoảng 63%; chiều rộng hè phố 1m - 1,5m chiếm khoảng 24%. Chiều rộng hè phố được sử dụng của các cửa hàng có xu hướng tăng theo chiều rộng hè phố.

Bình quân 38m đường có 1 hàng rong. Chiếm tỷ lệ đa số là hàng rong bán đồ ăn/uống (69%). Chiều rộng sử dụng của hàng rong cố định phần lớn là 1,5m và không tăng theo chiều rộng hè phố. Chiều rộng sử dụng hè phố của hàng rong di động đa phần nhỏ hơn hoặc bằng 1m.

Các tuyến đường khảo sát đều có vạch kẻ để quản lý. Trong 4 loại hình sử dụng hè phố đã khảo sát thì đậu xe tự quản trước nhà và cửa hàng trưng bày hàng hóa tuân thủ vạch kẻ tốt nhất. Cửa hàng ăn uống có tỷ lệ tuân thủ vạch kẻ thấp hơn. Cuối cùng là hàng rong có tỷ lệ tuân thủ vạch kẻ thấp nhất. Buổi tối, đặc biệt là tối cuối tuần, tỷ lệ các loại hình tuân thủ vạch kẻ đều thấp hơn các buổi còn lại, đặc biệt là cửa hàng ăn uống và hàng rong.

Vạch sơn trên vỉa hè trung tâm TP.HCM phân định khu vực đỗ xe sát tường, dành một lối thông thoáng cho người đi bộ và không gian cho các hoạt động gần phía lòng đường. Ảnh: Tứ Quý

Vạch sơn trên vỉa hè trung tâm TP.HCM phân định khu vực đỗ xe sát tường, dành một lối thông thoáng cho người đi bộ và không gian cho các hoạt động gần phía lòng đường. Ảnh: Tứ Quý

Kết quả khảo sát qua bảng hỏi ý kiến người sử dụng cho thấy có một tỷ lệ nhỏ người trả lời họ biết trước các đợt kiểm tra của lực lượng quản lý sử dụng hè phố (1,2% số cửa hàng và 2% số hàng rong cố định biết thời điểm kiểm tra) và họ có trả tiền cho Đội quản lý trật tự đô thị (1,9% số cửa hàng và 3% số hàng rong cố định).

Một số người bán hàng rong cố định đang trả phí sử dụng hè phố cao hơn đối tượng khác vì họ phải trả tiền thuê hè phố cho chủ nhà mặt tiền.

Có khoảng 48% chủ cửa hàng đồng ý đăng ký và trả phí sử dụng hè phố. Những người không đồng ý cho rằng hè phố trước nhà họ có quyền sử dụng mà không cần đăng ký. 61% hàng rong cố định và 36% hàng rong di động đồng ý đăng ký sử dụng hè phố. Nhiều người bán hàng rong cố định muốn việc kinh doanh buôn bán được ổn định thông qua đăng ký sử dụng với chính quyền địa phương.

Mức sẵn sàng chi trả của người sử dụng hè phố: Với mức phí >100.000 đồng/m2/tháng chiếm tỷ lệ nhỏ (2,6% cửa hàng và 6,5% hàng rong cố định). Mức phí < 50.000 đồng/m2/tháng (53% cửa hàng và 50% hàng rong cố định). Mức phí 50.000 - 100.000 đồng/m2/tháng (44,4% cửa hàng và 43,5% hàng rong cố định).

Về khu vực khảo sát, Quận 1 có tỷ lệ chọn mức phí 50.000 - 100.000 đồng/m2/tháng cao hơn các khu vực còn lại (79,3% cửa hàng và 61,9% hàng rong cố định của Quận 1 chọn mức phí này). Gò Vấp là khu vực có cửa hàng và hàng rong chọn mức phí < 50.000 đồng/m2/tháng nhiều nhất (96,2% cửa hàng và 100% hàng rong).

Bình Tân - quận nội thành phát triển có vị trí xa hơn Gò Vấp nhưng lại có tỷ lệ chọn mức phí 50.000 - 100.000 đồng/m2/tháng cao hơn Gò Vấp, đặc biệt là hàng rong cố định (38,5% hàng rong cố định ở Bình Tân chọn mức phí này so với 0% hàng rong cố định ở Gò Vấp). Kết quả điều tra, khảo sát mức phí cũng cho thấy nên căn cứ trên diện tích sử dụng (m2).

Quận 1 có tỷ lệ chọn mức phí 50.000 - 100.000 đồng/m2/tháng cao hơn các khu vực còn lại. Trong ảnh: Một đoạn vỉa hè trên đường Nguyễn Du (gần Nhà thờ Đức Bà) bị lấn chiếm toàn bộ khoảng 5m vỉa hè để buôn bán, khiến du khách đi bộ phải luồn lách. Ảnh: Tứ Quý

Quận 1 có tỷ lệ chọn mức phí 50.000 - 100.000 đồng/m2/tháng cao hơn các khu vực còn lại. Trong ảnh: Một đoạn vỉa hè trên đường Nguyễn Du (gần Nhà thờ Đức Bà) bị lấn chiếm toàn bộ khoảng 5m vỉa hè để buôn bán, khiến du khách đi bộ phải luồn lách. Ảnh: Tứ Quý

Mức phí đề xuất từ 20.000 đồng – 100.000 đồng/m2/tháng

Trên cơ sở so sánh mức thu của Hà Nội và Đà Nẵng, kết hợp phương pháp xây dựng mức thu theo giá đất hàng năm do UBND TP.HCM ban hành và tỷ lệ phần trăm tính tiền thuê đất theo khu vực, Sở Giao thông vận tải đề xuất mức thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố như sau:

Trong đó:

Khu vực 1: Quận 1, Quận 3, Quận 4, Quận 5, Quận 10, quận Phú Nhuận, Khu A Khu đô thị mới Nam Thành phố, Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Khu vực 2: Quận 2 (cũ; trừ Khu đô thị mới Thủ Thiêm), Quận 6, Quận 7 (trừ Khu A Khu đô thị mới Nam Thành phố), Quận 11, quận Bình Thạnh, quận Tân Bình, quận Bình Tân.

Khu vực 3: Quận 8, Quận 9 (cũ), Quận 12, quận Thủ Đức (cũ), quận Tân Phú, quận Gò vấp;

Khu vực 4: huyện Bình Chánh, huyện Hóc Môn, huyện Nhà Bè, huyện Củ Chi.

Khu vực 5: huyện Cần Giờ.

Các tuyến đường trung tâm: Khu vực 1 có 109 tuyến đường; Khu vực 2 có 219 tuyến đường; Khu vực 3 có 65 tuyến đường; Khu vực 4 có 41 tuyến đường; Khu vực 5 có 7 tuyến đường.

Các tuyến đường còn lại: Khu vực 1 có 269 tuyến đường; Khu vực 2 có 179 tuyến đường; Khu vực 3 có 76 tuyến đường; Khu vực 4 có 104 tuyến đường; Khu vực 5 có 7 tuyến đường.

Hệ số k là hệ số điều chỉnh giá đất theo Quyết định số 05 ngày 17.1.2023 của UBND TP.HCM quy định về hệ số điều chỉnh giá đất năm 2023 trên địa bàn thành phố.

Nếu số ngày sử dụng hè phố dưới ½ tháng thì tính tròn nửa tháng, trên ½ tháng thì tính tròn 1 tháng. Mức thu phí làm tròn đến chục ngàn đồng để thuận tiện cho công tác thu phí. Các mức thu phí thấp hơn 20.000 đồng/m2/tháng thì lấy mức tối thiểu 20.000 đồng/m2/tháng.

Đối với trường hợp sử dụng tạm thời lòng đường để đỗ xe ô tô: mức thu phí thực hiện theo Nghị quyết số 01 ngày 16.3.2018 của HĐND TP.HCM:

Trong đó, một lượt xe là một lần xe vào, xe ra tại vị trí đỗ xe. Một lượt tối đa không quá 1 giờ (60 phút), quá thời gian 60 phút thu thêm các lượt tiếp theo.
Nếu phát sinh thêm các tuyến đường được phép đỗ xe trên lòng đường thuộc địa bàn các khu vực 1 và 2, sẽ áp dụng mức phí nêu trên, trường hợp phát sinh các tuyến đường thuộc các quận không nằm trong các khu vực nêu trên, sẽ áp dụng mức thu phí của khu vực 2.

“Thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố là hết sức cần thiết trên địa bàn TP.HCM nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân trong việc sử dụng một phần công năng của lòng đường, hè phố được hiệu quả, đúng mục đích; bảo đảm an toàn giao thông, vệ sinh môi trường và mỹ quan đô thị, đồng thời bổ sung nguồn thu cho ngân sách Thành phố để góp phần duy tu bảo trì các tuyến đường trên địa bàn Thành phố.

Kiến nghị UBND Thành phố xem xét trình HĐND Thành phố thông qua để sớm ban hành thực hiện trong tháng 1 năm 2024” – Đề án cho biết.

Minh Hoàng – Phạm Tuấn

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/tp-hcm-uoc-tinh-thu-1-552-ty-dong-nam-phi-long-duong-via-he-dua-tren-co-so-nao-40578.html