TP.HCM và các địa phương: Bài toán khó thu hút người tài trong tinh gọn bộ máy

Trong công cuộc tinh gọn bộ máy, TP.HCM cũng như nhiều địa phương gặp khó trong thu hút, giữ chân người tài.

Xoay quanh câu chuyện tinh gọn bộ máy, TS Nguyễn Thị Thiện Trí, Trường ĐH Luật TP.HCM, cho rằng TP.HCM và nhiều địa phương đang gặp bài toán khó trong công tác nhân sự, đặc biệt là giữ chân người tài khi phải tinh gọn bộ máy.

 Người dân đến làm thủ tục tại Trung tâm hành chính công TP Thủ Đức, TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG

Người dân đến làm thủ tục tại Trung tâm hành chính công TP Thủ Đức, TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG

Những hiệu quả đạt được khi tinh gọn bộ máy

. Phóng viên: Tinh thần cải cách, tinh gọn bộ máy theo Nghị quyết 18 đang được các địa phương quyết liệt thực hiện. Vậy điều này tạo đà ra sao trong đổi mới cách thức quản lý nhà nước hiện nay, thưa bà?

+ TS Nguyễn Thị Thiện Trí: Tinh thần của Nghị quyết 18 là tinh thần của cuộc cách mạng về đổi mới bộ máy nhà nước như một điều cấp bách. Việc thực hiện Nghị quyết 18 ở thời điểm này là một cơ hội nhưng đi kèm đó cũng có nhiều thách thức mà để giải quyết thì không chỉ từ nguồn lực bên ngoài mà còn cần cả tính toán thấu đáo bên trong.

Khi thực hiện quyết liệt, nghiêm túc sẽ giảm đầu mối bên ngoài và giảm tổ chức, nhân sự bên trong.

Đó là trạng thái gọn nhẹ tất yếu phải đạt được trong mô hình chính quyền đô thị và trong xu hướng xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Khi bộ máy được tối giản, chúng ta chỉ cần tập trung vào chức năng quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực.

Việc tinh gọn bộ máy nhà nước cũng là một hệ quả cho thấy sự thành công và hiệu quả của chức năng quản lý nhà nước ngành, lĩnh vực. Nhà nước mạnh là Nhà nước tạo ra sự độc lập cho xã hội chứ không phải bao bọc xã hội trong khung thể chế mình đặt ra.

Tổ chức lại bộ máy là một trong quá trình đổi mới

. Câu chuyện cán bộ trong cách mạng tinh gọn lần này được cho là bài toán khó. Ngoài ra còn là việc giữ chân, phát huy được khả năng của những người giỏi, bố trí công việc mới phù hợp với nguyện vọng và năng lực tốt nhất của người lao động.

+ Để tinh gọn đạt hiệu quả cao cần thống nhất rằng tổ chức bộ máy nhân sự là phương tiện, là hành trình trong quá trình đổi mới chứ không phải là đích đến. Việc thu gọn bộ máy là kết quả tất yếu khi thu hẹp phạm vi, quy mô quản lý nhà nước.

Tinh gọn bộ máy không phải và không bao giờ cần có sự hy sinh của ai đó, của cơ quan nào đó khi có cơ sở khoa học, khách quan. Khi chức năng quản lý nhà nước được thu hẹp một cách khoa học, có sự tính toán và triển khai như một chính sách lâu dài với tầm nhìn chiến lược thì mỗi bước đi của lộ trình tinh gọn đều tương thích với phạm vi quản lý nhà nước.

Khi nói về sự hy sinh trong công cuộc tinh gọn thì đó là sự hy sinh vì đại cuộc của những người làm ra chính sách, đến người triển khai, thực hiện, giữ gìn và phát huy tinh thần, mục tiêu cuối cùng của chính sách. Đó là sự hy sinh lớn, cần những bản lĩnh lớn, vững vàng và không bỏ cuộc, không lợi ích cục bộ.

Tinh thần của Nghị quyết 18 là không được bàn lùi, vấn đề được đặt ra trước mắt là cần làm gì để kiểm soát được những rủi ro, giảm thiểu xáo trộn một cách tốt nhất có thể.

 TS Nguyễn Thị Thiện Trí, Trường ĐH Luật TP.HCM.

TS Nguyễn Thị Thiện Trí, Trường ĐH Luật TP.HCM.

Áp lực về nhân sự trong câu chuyện tinh gọn

. Với một siêu đô thị như TP.HCM, bài toán nhân sự luôn là một thách thức lớn.

+ Câu chuyện nhân sự địa phương, ai đi ai ở trong bối cảnh tinh gọn hiện nay là chuyện lớn, là bài toán khó.

Thực tế hiện nay TP.HCM hay nhiều địa phương khác vẫn đang xoay sở cho công tác nhân sự, với cuộc tinh gọn này, áp lực đó lại càng nặng gánh hơn. Công cuộc sàng lọc nhân sự vốn là bài toán khó nhưng nay điều này càng khó hơn khi việc thu hút và giữ chân người tài chưa phải là cơ chế hiệu quả.

Ai có năng lực thì sẽ được ở lại nhưng liệu người tài có lựa chọn ở lại trong cơ chế làm việc với nhiều trách nhiệm, áp lực, trong khi chính sách giữ chân, chính sách phát triển chưa thực sự hấp dẫn.

Những người tài lựa chọn ở lại trong cơ chế hiện nay, với họ, trong so sánh với môi trường làm việc của khu vực tư nhân thì đó chính là một sự lựa chọn ít nhiều có sự hy sinh.

Đặc biệt, khi nhân sự giảm đi nhưng việc không giảm, thậm chí có thể phát sinh thêm thì với người ở lại, rõ ràng đó là một cố gắng lớn. Khi một cuộc sắp xếp nhắc nhiều tới sự hy sinh, nhiều trăn trở thì chính là một thách thức không hề nhỏ.

Với tình hình hiện nay, công tác tư tưởng vẫn là quan trọng nhất, để người đi không tâm tư, người ở lại là sự xứng đáng và cần có những chính sách tốt để giữ chân và phát triển nhân sự ở lại, vì họ xứng đáng với sự ở lại đó. Tất nhiên, để làm được điều này, tinh thần vì cái chung phải được phát huy cao nhất trong toàn hệ thống chính trị địa phương.

Lấy thực tiễn làm căn cứ

. Vậy các địa phương, trong đó có TP.HCM có thể chọn hướng đi ra sao trong lộ trình tinh gọn này?

+ Tôi cho rằng rất cần sự chia sẻ, thấu hiểu, lắng nghe, chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời của Trung ương với các địa phương nói chung và với TP.HCM lúc này. Đây là điều cần thiết nhằm tháo gỡ, động viên các địa phương, không chỉ trong quá trình triển khai Nghị quyết 18 mà còn vì mục tiêu của nghị quyết.

Quan trọng hơn là cần hướng đến tầm nhìn, những cải cách tiếp theo với tầm vóc lớn hơn. Đó là những cải cách được xây dựng theo nguyên lý “từ dưới lên”, là những cải cách lấy thực tiễn địa phương làm chuẩn, làm thước đo cho các quyết sách vĩ mô, chiến lược của Trung ương.

Cuối cùng, khi TP.HCM hay các địa phương khác cần có một cách làm hợp lý, hạn chế gây xáo trộn thì mọi cách làm đều cần đứng dưới góc độ người dân để tham chiếu và xác lập, đứng ở vị trí của đối tượng của quản lý nhà nước để đưa ra quyết sách khách quan, từ nhu cầu thực tiễn.

Từ lý luận và thực tiễn quản lý nhà nước đều cho thấy, không một quyết sách nào khi được hình thành từ lợi ích của dân lại không thành công, không đạt hiệu quả cao về chính trị - kinh tế - xã hội.

. Những việc cần đặt ra, dự liệu trong thời gian thực hiện tinh gọn bộ máy trên quy mô lớn trong bối cảnh hiện nay là gì, thưa bà?

+ Thứ nhất, Trung ương cần thể chế hóa nhanh chóng, kịp thời tinh thần của Nghị quyết 18, nhất là với những nội dung chưa rõ ràng, hay những nội dung cần nhiều hơn sự cụ thể để việc triển khai được hiệu quả, nhanh chóng.

Đây là điều kiện tiên quyết để việc công cuộc tinh gọn được thực hiện nề nếp, có trật tự, nhanh chóng, trơn tru, có kết quả.

Thứ hai, với những việc cần giải quyết ở địa phương, thuộc phạm vi địa phương và phát sinh ở địa phương, Trung ương cần phân quyền về cho địa phương tự sắp xếp sao cho phù hợp với tình hình và nhu cầu của địa phương.

Trong tình hình việc triển khai quá gấp rút, các con số chỉ tiêu sẽ là một gánh nặng lớn cho địa phương, nguy cơ cao sẽ tạo ra những KPI cơ học, không đúng tinh thần của cải cách.

. Xin cảm ơn bà.

THANH TUYỀN

Nguồn PLO: https://plo.vn/tphcm-va-cac-dia-phuong-bai-toan-kho-thu-hut-nguoi-tai-trong-tinh-gon-bo-may-post827536.html