TP.HCM: Xây dựng sản phẩm đặc trưng vùng sông nước

Lần đầu tiên tại TP.HCM đã diễn ra Lễ hội sông nước quy mô với chuỗi các hoạt động văn hóa, giải trí, nghệ thuật và thể thao đặc sắc cùng nhiều hoạt động trải nghiệm, các chương trình kích cầu thương mại, du lịch phong phú, hấp dẫn nhằm phục vụ người dân và du khách.

Du lịch đường sông TP.HCM ngày càng thu hút du khách trong và ngoài nước

Gìn giữ và quảng bá di sản “Trên bến dưới thuyền”

Diễn ra từ ngày 4-6.8, Lễ hội sông nước TP.HCM lần thứ nhất năm 2023 đã thu hút hàng chục ngàn lượt công chúng và du khách đến trải nghiệm, khám phá. Qua đây, cho thấy sức hút của một sự kiện mang đậm chất văn hóa đô thị sông nước đặc trưng riêng của TP.HCM.

Đến với lễ hội, người dân và du khách có dịp trải nghiệm các chương trình du lịch đường thủy, khám phá không gian văn hóa “Trên bến dưới thuyền” tại Kênh Nhiêu Lộc (quận 1) và Bến Bình Đông (quận 8) với các hoạt động hấp dẫn, tái hiện nếp sống của cộng đồng cư dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định - TP.HCM qua các thời kỳ. Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh, hoạt động “Trên bến dưới thuyền” đã trở thành nếp sống, di sản văn hóa quý báu cần được giữ gìn và quảng bá để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của TP.HCM.

Đặc biệt, Chương trình nghệ thuật với chủ đề “Dòng sông kể chuyện” - điểm nhấn của lễ hội diễn ra tối ngày 6.8 tại Cảng Sài Gòn quy tụ gần 700 diễn viên, nghệ nhân dân gian cùng các nghệ sĩ... đã tái hiện lại sự hình thành qua các thời kỳ Sài Gòn - Gia Định - Chợ Lớn - TP.HCM mang đến cho công chúng và du khách nhiều cảm xúc chân thật, cùng những trải nghiệm thú vị về bản sắc văn hóa, về những điều đặc biệt nhất của TP.HCM qua các thời kỳ.

Theo Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, lịch sử hình thành và phát triển của thành phố trong hơn 300 năm qua có dấu ấn quan trọng của các dòng sông, làm nên đặc trưng riêng có của Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định - TP.HCM, một đô thị ven sông có sự dung hòa giữa văn hóa và kinh tế, giữa truyền thống và hiện đại, giữa bản sắc và hội nhập. Lễ hội không những nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa - lịch sử, xây dựng sản phẩm, sự kiện đặc trưng mà còn góp phần tạo khí thế, động lực phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của thành phố trong giai đoạn mới. Đặc biệt là giai đoạn triển khai thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số sơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM và Nghị quyết số 82/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp đẩy nhanh sự phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững. Ông Mãi khẳng định.

Hướng tới định vị thương hiệu đặc trưng

Sở Du lịch TP.HCM cho biết, đây là lần đầu tiên sự kiện du lịch có gói kích cầu quy mô lớn nhất, với sự phối hợp thực hiện của nhiều đơn vị chủ lực. Cụ thể, có hơn 100 doanh nghiệp công bố 150 chương trình tour, gói, sản phẩm khuyến mãi cùng nhiều quà tặng và dịch vụ ưu đãi cho du khách. Ngoài ra, còn có hàng trăm sản phẩm kích cầu mua sắm với giá ưu đãi nhất từ trước đến nay tại các trung tâm thương mại. Gần 50 chương trình nghệ thuật cũng giảm giá vé và tặng các dịch vụ đi kèm. Các hãng hàng không lớn cũng tung ra thị trường nhiều gói siêu khuyến mãi đến TP.HCM. Nhiều doanh nghiệp lữ hành giảm giá đến hơn 30% các chương trình du lịch nội đô khám phá những công trình kiến trúc, văn hóa lịch sử ngay giữa lòng Thành phố. Gần 30 cơ sở lưu trú giảm 25% giá phòng và dịch vụ nhằm kích cầu, thu hút du khách…

Xác định đây là cơ hội để giới thiệu sản phẩm, dịch vụ đến du khách, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch đường thủy cũng tham gia vào chương trình kích cầu với hàng loạt tour kết nối hành trình trải nghiệm trên sông và các tour tuyến du lịch từ TP.HCM đến các tỉnh miền Tây, miền Đông Nam Bộ. Nhiều chương trình được làm mới để gia tăng trải nghiệm, phù hợp với nhiều đối tượng khách du lịch như gia đình, nhóm bạn mong muốn trải nghiệm kỳ nghỉ dưỡng cùng nhau.

Theo Sở Du lịch TP.HCM, chương trình tham quan du lịch bằng đường thủy đã và đang thu hút sự quan tâm của du khách trong và ngoài nước. Để khai thác tiềm năng và phát triển sản phẩm đặc thù này, ngành du lịch TP.HCM phấn đấu đến năm 2025, sẽ tăng tổng số phương tiện vận chuyển đường thủy đạt 150 ca nô, 250 tàu, thuyền và du thuyền các loại. Hình thành và phát triển các sản phẩm, tour du lịch đường thủy; nâng cao chất lượng và phấn đấu đến năm 2030, đưa du lịch đường thủy trởthành một trong các loại hình, sản phẩm du lịch tạo sự khác biệt của Thành phố.

Lịch sử hình thành và phát triển của thành phố trong hơn 300 năm qua có dấu ấn quan trọng của các dòng sông, làm nên đặc trưng riêng có của Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định - TP.HCM, một đô thị ven sông có sự dung hòa giữa văn hóa và kinh tế, giữa truyền thống và hiện đại, giữa bản sắc và hội nhập. Lễ hội không những nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa - lịch sử, xây dựng sản phẩm, sự kiện đặc trưng mà còn góp phần tạo khí thế, động lực phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của thành phố trong giai đoạn mới. Đặc biệt là giai đoạn triển khai thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số sơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM và Nghị quyết số 82/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp đẩy nhanh sự phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững.

(Chủ tịch UBND TP.HCM PHAN VĂN MÃI)

HOÀNG HẢI

Nguồn Văn hóa: http://baovanhoa.vn/du-lich/artmid/416/articleid/67555/tphcm-xay-dung-san-pham-dac-trung-vung-song-nuoc