TP. Hồ Chí Minh: 7 tháng, 100 dự án có tỷ lệ giải ngân bằng 0
Sáng 4.8, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi đã chủ trì phiên họp định kỳ về tình hình kinh tế - xã hội tháng bảy và 7 tháng đầu năm 2022, triển khai nhiệm vụ giải pháp tháng 8. 2022. Theo báo cáo của UBND TP, đến cuối tháng 7. 2022, tổng số vốn đã giải ngân là hơn 8.400 tỷ đồng, mới đạt 26% tổng kế hoạch vốn được giao (32.000 tỷ đồng).
Nhiều dự án trọng điểm khát “vốn” vì chậm giải ngân
Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP. Hồ Chí Minh Lê Trương Hải Hiếu cho biết, qua giám sát đầu tư công tại TP. Hồ Chí Minh, có nhiều dự án đáp ứng đủ các tiêu chí vốn lại không đủ điều kiện triển khai thực hiện. “Có những công trình mà TP mong muốn thực hiện nhưng kết quả giải ngân quá chậm. Giám sát cho thấy có 100 dự án tỷ lệ giải ngân bằng 0, tỉ lệ giải ngân của các dự án do Ban Quản lý dự án (BQLDA) đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp gần như thất bại, 12 dự án có tỷ lệ giải ngân dưới 10%”, ông Hiếu nói.
Các dự án được HĐND 16 quận thông qua trước tháng 6.2022 đều ách tắc, các dự án này quy mô không lớn nhưng đều rất sát với thực tiễn và nhu cầu của người dân. Ông Hải Hiếu đề nghị các sở, ngành và UBND TP làm việc trực tiếp với chủ đầu tư để giải quyết các vấn đề về giải phóng mặt bằng, thủ tục, tài chính, quyết toán…
Theo Giám đốc Kho bạc Nhà nước TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Hoàng Hải, có những án được bố trí vốn lớn, khoảng trên 200 tỷ đồng nhưng tỷ lệ giải ngân thấp, dưới 10%, tập trung tại BQLDA đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp. Cụ thể, dự án tỷ lệ giải ngân bằng 0 có dự án xây mới Bệnh viện Nhi đồng TP được bố trí vốn 1.000 tỷ đồng, dự án cụm y tế Tân Kiên, Bình Chánh được đầu tư 277 tỷ đồng, dự án triển lãm Quy hoạch TP là 350 tỷ đồng…
Dự án tỷ lệ giải ngân dưới 10% có công trình hầm chui nút giao Nguyễn Văn Linh – Nguyễn Hữu Thọ được bố trí vốn 200 tỷ đồng, chỉ mới giải ngân được 9 tỷ đồng (4,5%); Dự án nút giao An Phú được bố trí 375 tỷ đồng chỉ mới giải ngân dược 15 tỷ đồng (4%); Dự án Vệ sinh môi trường giai đoạn 2 được bố trí 1.990 tỷ đồng, chỉ mới giải ngân được 3 tỷ đồng (0,1%); Dự án Kênh Tham Lương – Bến Cát được bố trí 1.039 tỷ đồng, chỉ mới giải ngân được 237 triệu đồng…
Hàng tháng, hàng quý, Kho bạc Nhà nước đều nhắc nhở các chủ đầu tư bằng văn bản, yêu cầu thực hiện thanh toán từng phần theo quy định. Hồ sơ gửi đến Kho bạc đều được giải quyết 100% đúng hẹn, tuy nhiên hồ sơ hoàn thành đến nay gửi về rất ít.
Nguyên nhân ách tắc do thẩm định tại cấp quận, huyện
Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh Trần Văn Bảy cho biết, đến nay Sở Tài nguyên và Môi trường đã giải quyết dứt điểm toàn bộ các hồ sơ thẩm định giá của quận, huyện. Bảy tháng đầu năm nay, TP đã thông qua 52 dự án về giá bồi thường, không còn hồ sơ tồn đọng. Về nguyên nhân tỷ lệ giải ngân thấp, do việc thẩm định giá bồi thường chậm trễ, chủ yếu tại các quận, huyện.
Sau khi TP có quyết định phê duyệt dự án, địa phương phải triển khai các bước cần thiết để tiến hành bồi thường, tái định cư. Tuy nhiên, việc chậm bồi thường, tái định cư dẫn đến việc chênh lệch giữa giá tại thời điểm bồi thường với giá thẩm định gây bức xúc cho người dân. Thực tế, không thể thẩm định lại vì giá tại thời điểm thẩm định hoàn toàn đúng và không có cơ sở pháp lý để thẩm định lại.
Bên cạnh đó, còn có một số nguyên nhân khác như, thiếu nền tái định cư do người dân không chịu tái định cư bằng căn hộ. Có những khu đất nông nghiệp ở ngoại thành xác minh nguồn gốc còn khó khăn gây kéo dài, một số địa phương nhầm lẫn giữa giá bồi thường và chính sách bồi thường, chất lượng các đơn vị tư vấn ở TP không đồng đều, ngại tham gia thẩm định vì thù lao thấp mà trách nhiệm lớn.
Ông Trần Văn Bảy đề nghị Sở Tài chính TP quan tâm cơ cầu tổ chức, chức năng nhiệm vụ của các Ban bồi thường giải phóng mặt bằng ở quận, huyện. Tránh khoán việc vận động người dân cho Ban bồi thường này mà phải cơ cấu, sắp xếp để đạt hiệu quả đồng thuận cao hơn.