TP Hồ Chí Minh: Bàn giải pháp thực hiện 'bình dân học vụ số'

Trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ, TP Hồ Chí Minh đạt nhiều kết quả tích cực nhưng vẫn đối mặt khoảng cách số và hạn chế về năng lực số của người dân, doanh nghiệp nhỏ. Vì vậy, 'bình dân học vụ số' là giải pháp cấp bách hiện nay để phổ cập kỹ năng số cho toàn dân.

Ngày 22/4, tại tọa đàm “Giải pháp thực hiện phong trào Bình dân học vụ số” trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam TP Hồ Chí Minh phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) TP Hồ Chí Minh tổ chức, ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở KH&CN TP Hồ Chí Minh cho biết, trong bối cảnh chuyển đổi số diễn ra ngày càng sâu rộng, TP Hồ Chí Minh đã đạt nhiều kết quả tích cực như hạ tầng số hiện đại, dịch vụ công trực tuyến ngày càng tiện lợi và hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phát triển mạnh mẽ.

Tuy nhiên, khoảng cách số giữa các nhóm dân cư, năng lực số còn hạn chế của người dân và doanh nghiệp nhỏ, cùng với thách thức về an ninh mạng vẫn là những vấn đề cần quan tâm. Theo ông Thắng, việc triển khai phong trào “Bình dân học vụ số” là giải pháp cấp bách và mang tính chiến lược nhằm phổ cập kỹ năng số cho toàn dân, góp phần xây dựng xã hội số toàn diện, bao trùm.

Ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở KH&CN TP Hồ Chí Minh phát biểu tại tọa đàm.

Ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở KH&CN TP Hồ Chí Minh phát biểu tại tọa đàm.

Cũng theo ông Thắng, phong trào “Bình dân học vụ số” không chỉ nhằm “xóa mù” công nghệ mà còn hướng đến phổ cập kỹ năng số cơ bản cho người dân, giúp họ tự tin tham gia không gian số, sử dụng hiệu quả các dịch vụ công, bảo vệ bản thân trên môi trường mạng và thậm chí tạo điều kiện phát triển kinh tế cá nhân. Tọa đàm lần này là dịp để các đơn vị liên quan cùng thống nhất mục tiêu, cơ chế phối hợp và giải pháp triển khai nhằm thúc đẩy phong trào “Bình dân học vụ số” lan tỏa sâu rộng, hiệu quả và thực sự đi vào đời sống.

Theo nhiều chuyên gia, phong trào chỉ có thể thành công khi có sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng. Trong đó, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh giữ vai trò nòng cốt trong việc huy động sức dân, đẩy mạnh tuyên truyền và giám sát thực chất quá trình thực hiện. Sở KH&CN là đơn vị tham mưu nội dung đào tạo, cập nhật công nghệ mới, kết nối chuyên gia và các tổ chức hỗ trợ. Các tổ chức chính trị - xã hội như Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Công đoàn… là lực lượng triển khai tại cơ sở, đảm nhiệm vai trò phổ cập kỹ năng số một cách gần gũi, dễ hiểu và phù hợp với từng nhóm dân cư.

Ngoài ra, để phong trào phát triển bền vững, cần xây dựng cơ chế truyền thông hiệu quả, hệ thống theo dõi, đánh giá minh bạch và các công cụ duy trì sự phối hợp liên ngành. Chỉ khi các giải pháp được triển khai đồng bộ, sát thực tiễn, “Bình dân học vụ số” mới có thể lan tỏa mạnh mẽ, đóng góp vào quá trình xây dựng xã hội số và công dân số.

Các chuyên gia hiến kế giải pháp thực hiện "bình dân học vụ số" tại tọa đàm.

Các chuyên gia hiến kế giải pháp thực hiện "bình dân học vụ số" tại tọa đàm.

Bên cạnh đó, TP Hồ Chí Minh cần nghiên cứu áp dụng những hình thức triển khai sáng tạo như lớp học lưu động, tài liệu kỹ năng số cơ bản dưới dạng video, infographic hoặc ứng dụng di động nhằm phù hợp với nhiều độ tuổi, trình độ. Đồng thời, huy động nguồn lực xã hội hóa từ doanh nghiệp công nghệ, startup, tổ chức phi chính phủ trong việc hỗ trợ đào tạo, tài trợ thiết bị và nền tảng.

Tại tọa đàm, bà Chu Thị Vân Khánh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Phường 2, Quận 5 nhận định: "“Bình dân học vụ” từng là phong trào mang ý nghĩa lịch sử trong việc xóa mù chữ, nâng cao dân trí. Ngày nay, trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, “bình dân học vụ số” là nỗ lực đưa kiến thức và kỹ năng số đến với mọi người dân, đặc biệt là người lớn tuổi, lao động phổ thông và các nhóm yếu thế trong xã hội".

Bà Chu Thị Vân Khánh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường 2, Quận 5 phát biểu ý kiến tại tọa đàm.

Bà Chu Thị Vân Khánh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường 2, Quận 5 phát biểu ý kiến tại tọa đàm.

Theo bà Chu Thị Vân Khánh, việc phổ cập kỹ năng sử dụng thiết bị số, ứng dụng công nghệ vào đời sống hàng ngày là nhiệm vụ trọng tâm mà địa phương chú trọng triển khai. Để thực hiện mục tiêu này, phường đã tổ chức nhiều chương trình tập huấn, hướng dẫn người dân sử dụng điện thoại thông minh, truy cập internet an toàn, tiếp cận dịch vụ công trực tuyến và ngân hàng số.

“Tôi tin rằng, với sự chung tay của cả hệ thống chính trị và sự hưởng ứng tích cực từ người dân, phong trào "Bình dân học vụ số" sẽ trở thành một làn sóng mới, góp phần thu hẹp khoảng cách số, thúc đẩy phát triển bền vững và toàn diện cho cộng đồng”, bà Vân Khánh nhấn mạnh.

Phó Bí thư Thường trực Thành Đoàn TP Hồ Chí Minh Trương Minh Tước Nguyên phát biểu ý kiến tại tọa đàm.

Phó Bí thư Thường trực Thành Đoàn TP Hồ Chí Minh Trương Minh Tước Nguyên phát biểu ý kiến tại tọa đàm.

Tại tọa đàm, ông Trương Minh Tước Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Thành Đoàn TP Hồ Chí Minh chia sẻ: “"Bình dân học vụ số" không chỉ là một chương trình mà còn là một sứ mệnh xây dựng một xã hội số toàn diện, nơi mỗi người dân đều có thể tiếp cận, làm chủ công nghệ và không bị bỏ lại phía sau trong tiến trình chuyển đổi số. Với vai trò là lực lượng xung kích của thành phố, Thành Đoàn xác định rằng tuổi trẻ TP Hồ Chí Minh cần đi đầu trong việc lan tỏa tri thức số, đưa công nghệ đến gần hơn với người dân”.

Ông Tước Nguyên cũng bày tỏ mong muốn Sở KH&CN TP Hồ Chí Minh có hướng dẫn cụ thể để đoàn viên, thanh niên, sinh viên tình nguyện có thể đồng hành cùng người dân trong hành trình hội nhập số.

Lễ ký kết ghi nhớ hợp tác giữa MTTQ TP Hồ Chí Minh và Sở KH&CN TP Hồ Chí Minh.

Lễ ký kết ghi nhớ hợp tác giữa MTTQ TP Hồ Chí Minh và Sở KH&CN TP Hồ Chí Minh.

Trong khuôn khổ tọa đàm, MTTQ TP Hồ Chí Minh và Sở KH&CN TP Hồ Chí Minh đã ký kết ghi nhớ hợp tác triển khai phong trào “bình dân học vụ số”, hướng đến phổ cập kỹ năng số cơ bản cho người dân, đặc biệt là các nhóm yếu thế, góp phần thúc đẩy chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.

Theo nội dung hợp tác, MTTQ TP Hồ Chí Minh sẽ đảm nhiệm công tác tuyên truyền, vận động chuyên gia, xây dựng tiêu chí thi đua, khen thưởng và giám sát chính sách. Sở KH&CN sẽ thiết kế tài liệu truyền thông, tổ chức “Ngày hội toàn dân học tập số”, triển khai lớp học kỹ năng số, học liệu trực tuyến và tích hợp nội dung số vào thi đua công vụ.

Bản ghi nhớ cũng xác định hai hoạt động trọng điểm gồm tọa đàm chuyên đề (22/4/2025) và lễ phát động phong trào trước ngày 20/5/2025. Hai bên sẽ họp định kỳ 3 tháng/lần để đánh giá, điều chỉnh nội dung triển khai. Bản ghi nhớ có hiệu lực từ ngày ký và chỉ sửa đổi khi có sự thống nhất bằng văn bản.

Tin, ảnh: An Hiếu/Báo Tin tức và Dân tộc

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/tp-ho-chi-minh/tp-ho-chi-minh-ban-giai-phap-thuc-hien-binh-dan-hoc-vu-so-20250422131947662.htm