TP. Hồ Chí Minh: Bố trí 17 tuyến xe buýt kết nối với Metro Bến Thành-Suối Tiên
Các tuyến xe buýt điện sẽ được đưa vào hoạt động sớm hơn ngày tuyến Metro số 1 chạy chính thức để việc vận hành được trơn tru và cũng để người dân làm quen dần.
Tuyến đường sắt đô thị (Metro) số 1 Bến Thành-Suối Tiên tại Thành phố Hồ Chí Minh dự kiến sẽ vận hành vào ngày 22/12 tới đây.
Nhằm tạo thuận lợi cho hành khách đi tuyến Metro số 1, Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh sẽ bố trí 17 tuyến xe buýt kết nối với các ga metro, tương ứng 150 phương tiện.
Các tuyến buýt này vận hành dọc theo hành lang Metro Bến Thành-Suối Tiên và đón hành khách từ các đường lân cận đến nhà ga gần nhất.
Đây là thông tin được ông Ngô Hải Đường, Trưởng phòng Quản lý vận tải đường bộ (Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh) cung cấp tại cuộc họp về các vấn đề kinh tế-xã hội do Ban Tuyên giáo Thành ủy phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức chiều 12/12.
Theo ông Ngô Hải Đường, Dự án xây dựng Metro số 1 Thành phố Hồ Chí Minh, tuyến Bến Thành-Suối Tiên đã hoàn thành 100% công tác thi công xây dựng và hoàn thành công tác chạy thử vào tháng 11/2024.
Hiện nay, Ban Quản lý Đường sắt đô thị thành phố đang tập trung hoàn thiện các thủ tục cuối cùng liên quan đến việc cấp giấy chứng nhận an toàn hệ thống, giấy phép môi trường; nghiệm thu hoàn thành đưa vào sử dụng công trình để vận hành khai thác thương mại vào ngày 22/12.
Nhằm đảm bảo hiệu quả hoạt động của tuyến Metro số 1 khi đưa vào vận hành thương mại, Sở Giao thông Vận tải đã xây dựng kế hoạch và triển khai nhiều phương án tích hợp với các loại hình giao thông khác bao gồm metro, xe buýt, xe đạp công cộng, xe điện 4 bánh và xe buýt sông.
Về mạng lưới xe buýt, Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng Thành phố Hồ Chí Minh đã xây dựng kế hoạch tổ chức kết nối các nhà ga Metro số 1. Dự kiến ngừng hoạt động 2 tuyến xe buýt 52 và 60-4, điều chỉnh 14 tuyến, và mở mới 17 tuyến xe buýt kết nối Metro.
Đồng thời, dự án tăng cường khả năng tiếp cận đã hoàn thành lắp đặt 162 trụ dừng, 61 nhà chờ, và các bãi giữ xe 2 bánh cho khách đi tàu tại các ga như Văn Thánh, Thảo Điền, Bình Thái, Rạch Chiếc, và Phước Long.
Dự kiến, 17 tuyến xe buýt điện phục vụ cho Metro sẽ đi vào hoạt động cuối tháng 12/2024, kết nối các ga Metro với khu dân cư, bến xe, khu công nghệ cao, trung tâm thương mại, và trường đại học.
Các tuyến xe buýt điện sẽ được đưa vào hoạt động sớm hơn ngày tuyến Metro số 1 chạy chính thức để việc vận hành được trơn tru và cũng để người dân làm quen dần.
Về hệ thống trạm sạc xe buýt điện, Công ty Phương Trang (đơn vị trúng thầu khai thác 17 tuyến buýt gom) đã xây dựng 2 trạm sạc tại bãi xe của đơn vị ở thành phố Thủ Đức với số lượng 23 trụ sạc, công suất 180kW và 240kW.
Đối với xe đạp công cộng, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng đã phối hợp với Công ty cổ phần Tập đoàn Trí Nam sắp xếp lại 45 trạm xe đạp công cộng tại Quận 1; bố trí quanh các nhà ga ngầm Metro và trang bị thêm xe đạp gắn động cơ điện nhằm tăng tiện ích cho hành khách.
Đối với xe điện 4 bánh có gắn động cơ, hiện nay Trung tâm Quản lý giao thông công cộng đã xây dựng xong phương án để kết nối với 3 ga ngầm tuyến Metro số 1 là ga Bến Thành, ga Nhà hát thành phố và Ba Son và ga Cảng hàng không Tân Sơn Nhất.
Theo đó, tại 3 khu vực ga ngầm trên, xe điện bốn bánh sẽ hoạt động theo mô hình chuyến xe chia sẻ, linh động về lộ trình và thời gian, dựa trên nhu cầu của người dân để giảm chi phí đi lại; giá vé hoạt động từ 5.000-10.000 đồng/lượt.
Bên cạnh đó, Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh cũng đang có kế hoạch xây dựng phương án kết nối tuyến buýt đường sông vào khu vực nhà ga Ba Son và Tân Cảng.
Hệ thống giao thông công cộng của thành phố bao gồm Metro số 1, xe buýt, xe buýt sông và xe hai tầng thoáng nóc đã được tích hợp trên ứng dụng Gobus, giúp hành khách dễ dàng tra cứu thông tin và lựa chọn lộ trình thuận tiện.
Theo Trưởng phòng Quản lý vận tải đường bộ, tuyến Metro số 1 dự kiến sẽ mang lại những thay đổi tích cực và sâu rộng cho giao thông tại Thành phố Hồ Chí Minh. Theo đó, các tuyến đường chính như Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Tôn Đức Thắng, Nguyễn Hữu Cảnh, Võ Nguyên Giáp sẽ giảm tải đáng kể lưu lượng giao thông đường bộ, đặc biệt trong giờ cao điểm, nhờ sự chia sẻ của phương tiện giao thông công cộng.
Hoạt động của xe buýt cũng được điều chỉnh để tránh trùng lắp lộ trình với tuyến Metro, đồng thời tối ưu hóa thời gian và hiệu quả hoạt động. Điều này sẽ giảm đáng kể việc sử dụng phương tiện cá nhân, góp phần giảm ùn tắc, tai nạn giao thông và nâng cao hiệu quả vận tải trong thành phố.
Tuyến Metro số 1 không chỉ vận hành độc lập mà còn kết nối chặt chẽ với các phương tiện khác như xe buýt, xe điện, và xe buýt đường sông, tạo thành một mạng lưới giao thông đồng bộ, thuận tiện và hiện đại.
Với tính nhanh chóng, tiện lợi và chi phí hợp lý, tuyến Metro được kỳ vọng sẽ thúc đẩy người dân chuyển từ phương tiện cá nhân sang giao thông công cộng, thay đổi thói quen đi lại và ý thức về bảo vệ môi trường.
Ngoài ra, tuyến Metro số 1 còn đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển bền vững đô thị.
Việc giảm lượng phương tiện cá nhân sẽ cải thiện đáng kể chất lượng không khí, giảm tiếng ồn, và giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Tuyến metro cũng sẽ thúc đẩy mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD), giúp nâng cao giá trị sử dụng đất, thay đổi diện mạo đô thị, và thúc đẩy các ngành kinh tế, du lịch phát triển xung quanh khu vực nhà ga.
Sự xuất hiện của tuyến Metro số 1 được đánh giá không chỉ mang đến giải pháp giảm ùn tắc giao thông mà còn tạo động lực phát triển giao thông công cộng bền vững, nâng cao chất lượng sống và diện mạo đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Đây là bước đi quan trọng hướng tới một hệ thống giao thông hiện đại, hiệu quả và thân thiện với môi trường./.