TP Hồ Chí Minh cần khoảng 153.500 - 161.500 chỗ làm việc trong 6 tháng cuối năm

Ngày 8/7, Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP Hồ Chí Minh (Falmi) cho biết, nhu cầu nhân lực 6 tháng cuối năm 2024 dự kiến cần khoảng từ 153.500 - 161.500 chỗ làm việc, tập trung ở các nhóm ngành công nghiệp trọng điểm và dịch vụ chủ yếu.

Sàn giao dịch việc làm trực tiếp tại số 153 Xô Viết Nghệ Tĩnh, phường 17, quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh. Ảnh tư liệu: Thanh Vũ/TTXVN

Sàn giao dịch việc làm trực tiếp tại số 153 Xô Viết Nghệ Tĩnh, phường 17, quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh. Ảnh tư liệu: Thanh Vũ/TTXVN

Cụ thể, nhu cầu nhân lực ở khu vực thương mại - dịch vụ cần từ 102.600 - 108.000 chỗ làm việc, chiếm 66,89% tổng nhu cầu nhân lực. Khu vực công nghiệp - xây dựng cần từ 50.700 - 53.300 chỗ làm việc, chiếm 33,03%. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản cần khoảng 130 chỗ làm việc, chiếm 0,08%.

Ở nhóm ngành công nghiệp trọng điểm, nhu cầu nhân lực cần khoảng từ 23.900 – 25.210 chỗ làm việc, chiếm 15,61%. Trong đó, ngành cơ khí chiếm 6,79%; sản xuất hàng điện tử chiếm 3,09%; chế biến lương thực, thực phẩm, đồ uống chiếm 3,73%; hóa dược - cao su và plastic chiếm 1,99%.

Ở nhóm ngành dịch vụ chủ yếu, nhu cầu nhân lực cần khoảng từ 92.100 – 96.900 chỗ làm việc, chiếm 60,04%. Trong đó, ngành bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ chiếm 25,38%; vận tải, kho bãi chiếm 2,09%; dịch vụ lưu trú và ăn uống chiếm 3,84%; thông tin và truyền thông chiếm 5,18%; tài chính, ngân hàng và bảo hiểm chiếm 5,33%; hoạt động kinh doanh bất động sản chiếm 9,93%; hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ chiếm 5,61%; giáo dục và đào tạo chiếm 1,85%; y tế và hoạt động trợ giúp xã hội chiếm 0,83%.

Trong 6 tháng cuối năm 2024, Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động Thành phố Hồ Chí Minh cũng dự báo nhu cầu nhân lực ở lao động qua đào tạo cần từ 134.620 - 141.636 chỗ làm việc, chiếm 87,7% tổng nhu cầu nhân lực. Trong đó, trình độ đại học trở lên chiếm 19,54%; cao đẳng chiếm 23,16%; trung cấp chiếm 21,72%; sơ cấp chiếm 23,28%. Nhu cầu tuyển dụng ở trình độ lao động phổ thông cần từ 18.800 - 19.856 chỗ làm việc, chiếm khá thấp với 12,3% tổng cầu nhân lực.

Để đảm bảo nguồn cung - cầu lao động thúc đẩy sản xuất kinh doanh trong 6 tháng cuối năm 2024, bà Nguyễn Hoàng Hiếu, Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, các doanh nghiệp cần xây dựng kế hoạch đào tạo nhân lực gắn với từng ngành, trình độ cụ thể, phù hợp với mục tiêu phát triển của doanh nghiệp và yêu cầu của thị trường. Doanh nghiệp cũng cần hợp tác chặt chẽ với các cơ sở giáo dục để đào tạo, nâng cao kỹ năng chuyên môn, kỹ năng mềm như giao tiếp, làm việc nhóm và quản lý thời gian cho người lao động.

Đối với người lao động, ngoài kiến thức chuyên môn, cần trang bị kỹ năng nghề gắn với vị trí làm việc và cần có thái độ làm việc tích cực để đảm bảo hoàn thành tốt công việc, phát triển trong tương lai. Ngoài ra, cần phát triển chương trình đào tạo phù hợp, đánh giá thường xuyên bằng các công cụ hỗ trợ, doanh nghiệp có thể đảm bảo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng tốt yêu cầu công việc và góp phần vào sự phát triển bền vững.

Bà Nguyễn Hoàng Hiếu cũng đề nghị Trung tâm Dịch vụ việc làm Thành phố tăng cường các sàn giao dịch việc làm, ngày hội tuyển dụng. Trong đó, Trung tâm tập trung kết nối lao động thuộc các ngành, nghề mà doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng cao trong 6 tháng cuối. Đó là bán buôn và bán lẻ; hoạt động kinh doanh bất động sản; cơ khí; hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ; chế biến lương thực, thực phẩm, đồ uống; tài chính, ngân hàng và bảo hiểm; thông tin và truyền thông…

Thanh Vũ (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/xa-hoi/tp-ho-chi-minh-can-khoang-153500-161500-cho-lam-viec-trong-6-thang-cuoi-nam-20240708140550736.htm