TP Hồ Chí Minh: Cao điểm bảo đảm an toàn thực phẩm ngày Tết

Trong những ngày giáp Tết này, nhu cầu mua sắm và sử dụng thực phẩm của người dân thành phố Hồ Chí Minh tăng lên từng ngày. Chính vì vậy, công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm cũng được đặt lên hàng đầu để người dân đón cái Tết vui tươi, an toàn.

Du khách ăn uống tại khu ẩm thực trước chợ Bến Thành.

Du khách ăn uống tại khu ẩm thực trước chợ Bến Thành.

Đặt niềm tin vào nơi sản xuất, buôn bán

Những ngày cận Tết này, nhiều con đường, góc phố, khu vui chơi giải trí tại thành phố Hồ Chí Minh sôi nổi các lễ hội, sự kiện, khu ẩm thực để phục vụ người dân, du khách trải nghiệm, vui xuân đón Tết.

Ghi nhận tại các gian hàng ẩm thực được tổ chức trước cổng chính chợ Bến Thành (quận 1) cho thấy, giới trẻ và khách du lịch nước ngoài là thực khách chính. Tại đây có bán nhiều loại thức ăn của các vùng miền, đặc biệt là thức ăn chế biến nhanh. Nhiều thực khách đến đây chủ yếu đặt niềm tin vào người bán, chứ không thể truy xuất được nguồn gốc nguyên liệu, sản phẩm.

Chị Lâm Thị Như Lan (ở phường 25, quận Bình Thạnh) cho biết: “Tôi đến đây với mục đích được thưởng thức nhiều món ngon, món lạ cùng với bạn bè để tất niên trong những ngày giáp Tết nên vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm chỉ biết phó thác cho người bán và niềm tin vào chính mình”.

Rau được các nhân viên Mega Market An Phú (thành phố Thủ Đức) kiểm tra kỹ lưỡng trước khi bán cho khách hàng.

Rau được các nhân viên Mega Market An Phú (thành phố Thủ Đức) kiểm tra kỹ lưỡng trước khi bán cho khách hàng.

Thời điểm này, ghi nhận tại các chợ truyền thống cũng như các kênh phân phối hiện đại như siêu thị, trung tâm thương mại… trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, lượng người đến mua sắm rất đông. Đây là giai đoạn mua sắm cao điểm, nhiều siêu thị trên địa bàn thành phố mở cửa tới 23-24h.

Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thành phố Hồ Chí Minh Phan Thị Việt Thu cho rằng, những ngày cận và trong Tết, nhu cầu mua sắm và tiêu dùng thực phẩm sẽ tăng lên, do đó vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm cần được chú trọng hơn bao giờ hết. Theo bà Thu, hiện nay, ngay cả những doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, sản xuất quy mô lớn cũng “lợi dụng” khẩu hiệu “nhà làm” để tạo tâm lý tin tưởng của người tiêu dùng.

“Nếu người tiêu dùng mua sản phẩm từ các đơn vị không đăng ký nhãn mác công nghiệp, không đăng ký chất lượng mà chỉ sản xuất thời vụ, phải xem xét kỹ lưỡng nguồn gốc, xuất xứ, có uy tín để bảo đảm vệ sinh thực phẩm. Giải pháp an toàn hơn thì chọn những sản phẩm có thương hiệu của các nhà sản xuất có đăng ký kinh doanh, để khi xảy ra sự cố về an toàn thực phẩm còn có cơ sở khiếu nại”, bà Thu cho hay.

Chia sẻ về kinh nghiệm sử dụng thực phẩm gắn nhãn “nhà làm”, chị Bùi Minh Châu (ở phường Cát Lái, thành phố Thủ Đức) cho hay: “Gia đình tôi thỉnh thoảng vẫn mua thực phẩm gắn mác “nhà làm”, và dịp Tết này cũng vậy. Chúng tôi vẫn tin tưởng loại thực phẩm này không chứa chất bảo quản và chế biến đa dạng khẩu vị, phù hợp từng gia đình. Tuy nhiên, đối với loại thực phẩm này, tôi thường sử dụng ngay sau khi mua, để bảo đảm tươi ngon và không quá hạn sử dụng”.

Đoàn lãnh đạo UBND thành phố Hồ Chí Minh kiểm tra quầy thịt lợn tươi tại Mega Market An Phú (thành phố Thủ Đức) ngày 6-2.

Đoàn lãnh đạo UBND thành phố Hồ Chí Minh kiểm tra quầy thịt lợn tươi tại Mega Market An Phú (thành phố Thủ Đức) ngày 6-2.

Cơ quan chức năng giám sát chặt

Theo Sở An toàn thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh, hiện nay, không chỉ có các kênh mua sắm quen thuộc là chợ truyền thống, siêu thị, trung tâm thương mại, sàn thương mại điện tử, mà còn xuất hiện các kênh mua sắm mới như các trang, hội, nhóm trên mạng xã hội, các app đồ ăn… Chính vì vậy, công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm càng khó khăn hơn, đặc biệt vào những ngày trước, trong và sau Tết.

Việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm để người dân có cái Tết vui tươi, an toàn được các cấp, các ngành thành phố Hồ Chí Minh quan tâm hơn bao giờ hết. Đây là cao điểm thành phố thực hiện các giải pháp cho nhiệm vụ này.

Những ngày cận Tết, các đoàn kiểm tra chuyên ngành, liên ngành thành phố tập trung kiểm tra những doanh nghiệp sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm, các chợ đầu mối, siêu thị, trung tâm thương mại, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống. Đặc biệt, kiểm tra những cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm được sử dụng nhiều trong dịp Tết Nguyên đán như thịt và các sản phẩm từ thịt, bia, rượu, đồ uống có cồn, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo, rau, củ, quả, phụ gia thực phẩm, thực phẩm đông lạnh nhập khẩu... và các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống.

Kiểm tra cách trữ đông đúng cách đối với cá tươi tại Mega Market An Phú (thành phố Thủ Đức) ngày 6-2.

Kiểm tra cách trữ đông đúng cách đối với cá tươi tại Mega Market An Phú (thành phố Thủ Đức) ngày 6-2.

Giám đốc Sở An toàn thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh Phạm Khánh Phong Lan cho biết, công tác kiểm tra này có trọng tâm, trọng điểm, tập trung kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Bên cạnh đó, chú trọng kiểm soát các đầu mối sản xuất, nhập khẩu, chợ đầu mối, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ truyền thống, cơ sở giết mổ, vận chuyển thực phẩm; đồng thời, kiểm soát chặt chẽ hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng không bảo đảm chất lượng, hết hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Hiện, Sở An toàn thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh đang giám sát chặt chẽ để bảo đảm an toàn thực phẩm tại 5 lễ hội, sự kiện phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, gồm: Chợ hoa Xuân “Trên bến, dưới thuyền”; Lễ hội Tết Việt; Chương trình “Gia đình gắn kết - Làm nên Tết diệu kỳ; Hội hoa Xuân lần thứ 44 và Chợ hoa Tết Giáp Thìn năm 2024.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/tp-ho-chi-minh-cao-diem-bao-dam-an-toan-thuc-pham-ngay-tet-657896.html