TP. Hồ Chí Minh: Chạy đua giải ngân đầu tư công để giữ tăng trưởng kinh tế
6 tháng đầu năm, cả nước mới giải ngân được 27,86% vốn đầu tư công, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2021, dù được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ liên tục chỉ đạo, đôn đốc, nhắc nhở. TP. Hồ Chí Minh là một trong 6 địa phương có giải ngân dưới 20%. Thành phố tiếp tục duy trì rà soát, kiểm tra tiến độ lắng nghe và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của các đơn vị để đảm bảo dự án triển khai đúng thời gian.
Áp lực cho TP. Hồ Chí Minh
TS. Nguyễn Hoàng Bảo - Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh cho rằng, khó trông đợi vào yếu tố bên ngoài, phải thúc đẩy đầu tư công để giữ mục tiêu tăng trưởng cho các tháng còn lại của năm 2022. "Chỉ có thúc đẩy triển khai đầu tư công mới đảm bảo sức chống chịu từ nội lực nền kinh tế trong bối cảnh hiện nay" - ông Bảo nhấn mạnh.
Ngay từ đầu năm, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 43 về các gói hỗ trợ phục hồi kinh tế, xã hội trị giá 350.000 tỷ đồng. Trong đó, đầu tư công chiếm đến 1/3 trong tổng nguồn tiền hỗ trợ, gần 150.000 tỷ đồng. Thế nhưng, kết quả giải ngân nửa đầu năm thấp hơn so với cùng kỳ năm 2021.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 6 tháng đầu năm, còn 25 bộ, ngành có tỷ lệ giải ngân dưới 10%. Thậm chí có 4 cơ quan trung ương đến nay vẫn chưa giải ngân được đồng vốn nào.
TP. Hồ Chí Minh là một trong 6 địa phương có giải ngân dưới 20%. Tính đến hết tháng 6, Kho bạc Nhà nước TP. Hồ Chí Minh xác nhận tổng số vốn giải ngân hơn 6.200 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 19,5% trong khi kế hoạch đầu tư công năm 2022 của thành phố là hơn 44.987 tỷ đồng.
TP. Hồ Chí Minh chạy đua giải ngân vốn đầu tư công.
Cái khó nhất hiện nay vẫn nằm ở khâu đền bù giải phóng mặt bằng. Ngoài ra, giá nguyên vật liệu, chi phí vận chuyển tăng cao dẫn đến việc nhà thầu có xu hướng thi công cầm chừng để chờ hướng dẫn bù trượt giá.
Để đạt mục tiêu giải ngân trên 95% vốn đầu tư công của năm nay là áp lực rất lớn cho TP. Hồ Chí Minh. Bà Lê Thị Huỳnh Mai - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh cho biết, từ cuối tháng 4, UBND thành phố đã ban hành chương trình hành động về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2022. Thành phố yêu cầu các chủ đầu tư phải có tiến độ rõ ràng, khẩn trương rà soát lại tất cả các điều kiện triển khai kế hoạch vốn năm 2022 với các dự án đã được giao.
TP. Hồ Chí Minh rà soát việc phân bổ kế hoạch vốn cho các dự án phù hợp với tiến độ. Cụ thể, thành phố chủ động điều chuyển kế hoạch vốn năm 2022 để tập trung bố trí cho các dự án có khả năng giải ngân cao. Đồng thời rà soát, nếu có dự án đầu tư công đã hoàn thiện hồ sơ, có thể giải ngân trong năm nay, UBND TP. Hồ Chí Minh sẽ xem xét, quyết định.
Thành phố tiếp tục duy trì rà soát, kiểm tra tiến độ giải ngân các dự án đầu tư công định kỳ hàng tháng để đánh giá kết quả giải ngân kế hoạch đầu tư công, lắng nghe và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của các đơn vị để đảm bảo dự án triển khai đúng thời gian.
Dồn lực cho dự án vành đai 3
Một trong những dự án đầu tư công được TP. Hồ Chí Minh tập trung ưu tiên triển khai ngay là dự án vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh vừa được Quốc hội thông qua. Thời gian triển khai dự án là tháng 6/2023, tức là chỉ còn chưa đầy 1 năm.
TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức hội nghị với các sở, ngành, TP. Thủ Đức và các quận huyện để thống nhất hệ thống văn bản liên quan đến dự án vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh. Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi khẳng định, thành phố đặt quyết tâm khẩn trương tất cả các công việc, chọn tư vấn lập dự án, phê duyệt dự án, chuẩn bị tổ chức đấu thầu, chọn nhà thầu, song song đó là tính toán giải phóng mặt bằng, nguồn vốn và các điều kiện khác để sẵn sàng khởi công vào tháng 6/2023.
Chuẩn bị vật tư, vật liệu cho các dự án
Vấn đề vật liệu xây dựng, rút kinh nghiệm từ các dự án lớn như cao tốc Bắc - Nam, TP. Hồ Chí Minh bắt đầu tư vấn, khảo sát kỹ các mỏ vật tư, vật liệu của vùng để xem xét, đánh giá và điều phối cả về cơ chế quản lý giá, báo giá đến chân công trường. Đây là những vấn đề phải ưu tiên thực hiện ngay để đảm bảo tiến độ dự án.
Ông Trần Quang Lâm - Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP. Hồ Chí Minh thông tin, các địa phương như huyện Hóc Môn, TP. Thủ Đức tập trung ưu tiên một số khu vực thuận lợi bàn giao mặt bằng, phấn đấu thực hiện cho bằng được mốc khởi công vào tháng 6/2023.
Cụ thể, TP. Thủ Đức tính toán có 818 hộ và tổ chức cần phải bồi thường và di dời, có hơn 200 hộ có nhu cầu tái định cư thì TP. Thủ Đức đã chuẩn bị đủ nền tái định cư cho người dân. Ông Hoàng Tùng - Chủ tịch UBND TP. Thủ Đức cho biết, Thủ Đức đăng ký khởi công trước 4km trên tổng số 14,5km dự án đi qua địa bàn, phần còn lại sẽ được bàn giao theo đúng tiến độ yêu cầu.
Để bảo đảm tiến độ dự án, UBND TP. Thủ Đức kiến nghị UBND TP. Hồ Chí Minh tạm ứng một phần kinh phí cho các địa phương thực hiện trước việc đo vẽ, lập điều chỉnh quy hoạch…
Riêng Ban quản lý các công trình giao thông thành phố (Ban Giao thông) được giao chủ đầu tư hai dự án thành phần với tổng mức đầu tư 48.000 tỷ đồng. Như vậy, từ nay đến 2026, giải ngân mỗi năm khoảng 8.000 tỷ đồng. Riêng giai đoạn 2023 -2024 là giai đoạn cao điểm bồi thường giải phóng mặt bằng thì phải giải ngân 12.000 tỷ đồng/năm, trong khi hiện nay mỗi năm Ban giao thông giải ngân khoảng 3.000 - 4.000 tỷ đồng/năm. Khối này công việc dự kiến tăng lên gấp đến 3 lần, do vậy ông Trần Quang Lâm đã kiến nghị khẩn trương tăng cường năng lực cho đơn vị này.