TP Hồ Chí Minh có khoảng 9 - 10% số cửa hàng tạm hết xăng, dầu
Đây là trả lời của bà Nguyễn Thị Kim Ngọc - Phó Giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh tại buổi họp báo do Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP Hồ Chí Minh tổ chức vào chiều 27/10.
Theo bà Nguyễn Thị Kim Ngọc, TP Hồ Chí Minh có 550 cửa hàng xăng dầu (CHXD), hiện tại có 3 CHXD đang tạm ngưng kinh doanh để sửa chữa cửa; 1 CHXD ngưng kinh doanh. Từ ngày 1/10 đến nay, có tình trạng một số CHXD gián đoạn bán hàng do tạm hết xăng hoặc dầu, nhưng vẫn mở cửa hoạt động kinh doanh. Từ ngày 23/10 - 27/10, trung bình có từ 9 - 10% số lượng CHXD tạm hết xăng dầu.
Qua kiểm tra, nắm tình hình, phản ánh từ các đơn vị kinh doanh xăng dầu, một số doanh nghiệp (DN) đầu mối, thương nhân cung cấp xăng dầu chưa đảm bảo việc cung cấp đủ số lượng xăng, dầu hoặc cung cấp thiếu hụt ở một số thời điểm dẫn đến tình trạng một số CHXD thiếu hàng cục bộ, chưa cung ứng đầy đủ theo yêu cầu của khách hàng.
Cũng theo bà Ngọc, các CHXD tại một số khu vực vùng ven thường thiếu xăng dầu vì đa phần các CHXD này thuộc sở hữu của các DN nhỏ, không kinh doanh theo chuỗi, kênh bán lẻ. Các DN này có những hạn chế về năng lực bồn, bể chứa, trang thiết bị, phương tiện vận chuyển xăng dầu… nên trong điều kiện nguồn cung xăng dầu còn khó khăn thì có những thời điểm chưa thể tiếp hàng kịp thời đến CHXD để phục vụ người dân.
“Để hỗ trợ DN bán lẻ, Sở Công thương thực hiện các giải pháp như: Đề nghị các hệ thống kinh doanh xăng dầu quy mô lớn, có năng lực cung ứng dồi dào trên địa bàn TP tăng thời gian hoạt động CHXD, giúp kéo dài thời gian phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân, chia sẻ với những hệ thống, CHXD nhỏ lẻ hạn chế năng lực cung ứng. Sở Công thương cũng tiếp tục làm việc cụ thể với từng thương nhân đầu mối cung ứng xăng dầu (Petrolimex, Saigon Petro, PVOil…), đề nghị có phương án bổ sung nguồn cung cho thị trường. Hiện, các đơn vị đang cố gắng tìm nguồn cung ứng cho thị trường. Đồng thời, Sở rà soát và đề nghị các đầu mối có lượng hàng lớn phân bổ hợp lý cho hệ thống bán lẻ. Sở cũng kết nối DN tìm kiếm nguồn cung từ các thương nhân đầu mối khác để đảm bảo cung ứng đủ xăng, dầu cho hệ thống phân phối của mình; vận động các DN cố gắng tối ưu chi phí vận hành, giúp duy trì mạng lưới phục vụ xăng dầu cho người dân sống trong khu vực hoạt động”, Phó Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Thị Kim Ngọc nói.
Cũng theo bà Kim Ngọc, trong phạm vi thẩm quyền được giao, để bảo đảm nguồn cung xăng, dầu tại TP trong giai đoạn từ nay tới cuối năm, Sở Công thương tiếp tục tập trung một số nhiệm vụ, giải pháp. Cụ thể, tiếp tục theo dõi, bám sát và nắm chặt tình hình thị trường cung – cầu xăng, dầu trên địa bàn. Tiếp tục tham mưu, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ các vấn đề TP đang gặp khó khăn, vướng mắc và đề xuất biện pháp giải quyết.
Cục Quản lý thị trường và các đơn vị liên quan tăng cường công tác kiểm tra, chỉ đạo việc đảm bảo cung ứng, phân phối và bán lẻ xăng dầu của các DN trên địa bàn; xử lý nghiêm, kịp thời theo quy định các hành vi vi phạm nhằm đảm bảo nguồn cung xăng dầu ổn định, thông suốt, đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của người dân. Bên cạnh đó, phối hợp UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện giám sát chặt chẽ việc kinh doanh xăng dầu tại các CHXD bán lẻ trên địa bàn, bảo đảm việc bán hàng không bị gián đoạn, nhất là trước chu kỳ điều chỉnh giá xăng, dầu..
Tại buổi họp, một số phóng viên đặt câu hỏi ở TP Hồ Chí Minh có tình trạng buôn lậu xăng dầu hay không? Bà Kim Ngọc cho biết sẽ kiểm tra lại, còn thượng tá Lê Mạnh Hà - Phó trưởng Phòng Tham mưu Công an TP Hồ Chí Minh khẳng định, tình trạng buôn lậu xăng dầu thường diễn ra ở khu vực miền Tây Nam Bộ và khu vực giáp với Campuchia, còn tại TP Hồ Chí Minh tiêu thụ là chính.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/tp-ho-chi-minh-co-khoang-9-10-so-cua-hang-tam-het-xang-dau.html