TP Hồ Chí Minh: Dịch sởi tiếp tục gia tăng, lo thiếu thuốc điều trị
Sáng 29/8, Đoàn công tác của Bộ Y tế do Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương làm Trưởng đoàn đã kiểm tra, làm việc về công tác phân luồng, thu dung, điều trị bệnh sởi tại Bệnh viện Nhi đồng 1 Thành phố Hồ Chí Minh.
Báo cáo với Đoàn công tác, bác sĩ Ngô Ngọc Quang Minh, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, từ đầu năm 2024 đến nay, Bệnh viện tiếp nhận 368 ca bệnh sởi điều trị nội trú, tăng cao hơn rất nhiều so với năm 2023. Đặc biệt, số ca bệnh nhập viện tăng nhanh trong tháng Tám. Trong đó, 2/3 bệnh nhi đến từ các tỉnh, thành phố khác; 1/3 là bệnh nhi của Thành phố Hồ Chí Minh. Trong tổng số 368 ca nhập viện có 42 trường hợp biến chứng nặng (chiếm 11,4%). Điều đáng nói, các ca bệnh sởi này đều mới chỉ tiêm 1 mũi vaccine sởi hoặc chưa tiêm mũi nào. Phần lớn các ca bệnh nặng là những trẻ có sẵn bệnh nền khác.
Lường trước sự gia tăng của dịch sởi, Bệnh viện Nhi đồng 1 đã chuẩn bị sẵn sàng các kịch bản ứng phó khi có ca bệnh gia tăng trong thời gian tới. Bệnh viện đã chuẩn bị sẵn thuốc, vật tư y tế, nhân lực, khu vực cách ly điều trị. Hiện tại, bệnh viện thực hiện việc sàng lọc và phân luồng ca nghi sởi ngay tại cổng khoa khám bệnh để sớm ngăn chặn việc lây nhiễm chéo. Đơn vị đã chủ động mua vaccine sởi để tiêm phòng cho bệnh nhi điều trị nội trú và nhân viên y tế, đảm bảo các nhân viên y tế không lây nhiễm cho bệnh nhi.
Các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1 dự báo, dịch sởi tiếp tục gia tăng trong thời gian tới. Để hạn chế nguy cơ tử vong cho bệnh nhi mắc sởi, các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1 đề xuất Bộ Y tế cập nhật phác đồ điều trị bệnh sởi mới, phù hợp hơn với tình hình thực tế lâm sàng; đồng thời hỗ trợ đảm bảo nguồn cung ứng ổn định về thuốc, vật tư y tế chống dịch như Immunoglobulin (IVIG) và thuốc dùng cho cấp cứu như Dopamine.
Hiện, Bệnh viện Nhi đồng 1 vẫn đủ thuốc IVIG nhưng cần phải dự trù cho tình huống dịch bệnh lan rộng hơn. Trong khi đó, thuốc Dopamine phục vụ nhu cầu cấp cứu, hồi sức cấp cứu trong điều trị sốt xuất quyết, sởi, tay chân miệng hiện đã hết, đang chờ doanh nghiệp làm thủ tục nhập khẩu. Bệnh viện Nhi đồng 1 đã phải sử dụng một số thuốc thay thế, tuy nhiên hiệu quả không được như Dopamine.
Ngoài ra, theo lãnh đạo Bệnh viện Nhi đồng 1, Bộ Y tế cần có biện pháp tăng cường năng lực của hệ thống y tế tuyến dưới nhằm hạn chế việc chuyển bệnh ồ ạt lên tuyến trên, nguy cơ quá tải là rất lớn trong trường hợp dịch bùng phát.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế ghi nhận nỗ lực của đội ngũ y, bác sĩ trong công tác sàng lọc, phân luồng, thu dung điều trị bệnh sởi không chỉ cho Thành phố Hồ Chí Minh mà cả khu vực phía Nam. Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị Bệnh viện Nhi đồng 1 tiếp tục tăng cường công tác thu dung, điều trị bệnh nhi mắc bệnh sởi, giảm các trường hợp chuyển nặng và tử vong; kiểm soát lây nhiễm chéo trong bệnh viện bằng cách phân luồng, lọc bệnh hợp lý.
Về vấn đề thuốc điều trị và cung ứng vaccine phòng bệnh sởi, Thứ trưởng Bộ Y tế yêu cầu Cục Quản lý Dược tìm hiểu công tác nhập khẩu thuốc của các doanh nghiệp, đảm bảo cung ứng đủ cho các bệnh viện, không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc, thiếu vaccine.