TP Hồ Chí Minh lập các Tổ phản ứng nhanh phòng, chống dịch sởi tại trường học
Mỗi Tổ phản ứng nhanh gồm 2-3 thành viên từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố (HCDC) và 1 thành viên từ các bệnh viện như Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, Nhi đồng 1, Nhi đồng 2 hoặc Nhi đồng Thành phố.
Trước nguy cơ dịch sởi có thể bùng phát và lây lan ở các trường học trên địa bàn, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định thành lập 12 Tổ phản ứng nhanh nhằm xử lý các ổ dịch xuất hiện trong trường học cho đến khi chiến dịch tiêm vaccine đạt mức bao phủ trên 95% trẻ từ 1-10 tuổi.
Đây là biện pháp cấp bách giúp giải quyết hiệu quả các ổ dịch sởi bùng phát tại trường học, nơi tập trung đông học sinh dễ có nguy cơ lây nhiễm cao. Theo đó, mỗi Tổ phản ứng nhanh gồm 2-3 thành viên từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố (HCDC) và 1 thành viên từ các bệnh viện như Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, Nhi đồng 1, Nhi đồng 2 hoặc Nhi đồng Thành phố.
Nhiệm vụ của các Tổ phản ứng nhanh là giám sát tình hình dịch bệnh, triển khai các hoạt động đáp ứng, theo dõi ổ dịch; hướng dẫn trường học, trạm y tế địa phương triển khai các biện pháp phòng, chống dịch sởi.
Khi phát hiện có trường hợp mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh sởi, nhân sự phụ trách y tế của trường phải báo cáo ngay cho Trưởng Trạm y tế trên địa bàn.
Trưởng Trạm y tế ghi nhận, đánh giá và cử nhân sự đến hiện trường để phối hợp xử lý, đồng thời, điều tra sơ bộ tình hình. Nếu phát hiện có ổ dịch tại trường, Trưởng Trạm y tế báo cáo ngay cho Trung tâm y tế, sau đó kích hoạt Tổ phản ứng nhanh để đến trường học phối hợp cùng y tế địa phương giám sát, xử lý ổ dịch.
Để đảm bảo hiệu quả, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị các Sở Giáo dục và Đào tạo, Lao động-Thương binh và Xã hội chỉ đạo các cơ sở trực thuộc tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng, chống dịch sởi. Khi phát hiện có trường hợp mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh sởi, các cơ sở phải báo cáo ngay cho trạm y tế địa phương để nhận được hỗ trợ kịp thời.
Số liệu báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, từ khi học sinh bước vào năm học mới đến nay, trên địa bàn đã ghi nhận 5 ổ dịch sởi (có từ 2 ca bệnh trở lên) tại các trường Tiểu học.
Trong khi đó, hiện thành phố mới chỉ tiêm vaccine phòng sởi cho khoảng 30% trẻ từ 1-5 tuổi. Như vậy, còn khoảng 70% trẻ từ 1-5 tuổi và gần như toàn bộ nhóm trẻ từ 6-10 tuổi chưa được tiêm đầy đủ vaccine sởi. Do đó, nguy cơ dịch sởi sẽ tiếp tục bùng phát và lây lan rất cao.
Ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh nhận định bên cạnh việc đẩy nhanh chiến dịch tiêm vaccine sởi tại trường học, việc thành lập Tổ phản ứng nhanh là một giải pháp quan trọng trong chiến lược ứng phó dịch sởi của thành phố nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng và môi trường học tập an toàn cho trẻ trong bối cảnh dịch sởi vẫn đang diễn biến phức tạp./.