Một công xưởng có 28.000 công nhân phải đóng cửa lập tức, vì sử dụng lao động trẻ em

Theo chuyên gia, áp lực từ nhà đầu tư và người tiêu dùng đối với minh bạch ESG ngày càng lớn. Do đó, nhiều doanh nghiệp thiếu đạo đức kinh doanh sẽ bị đào thải. Có trường hợp công xưởng may 28.000 công nhân phải đóng cửa vì sử dụng lao động trẻ em.

Công xưởng may mặc với 28.000 công nhân phải đóng cửa vì sử dụng lao động trẻ em

Tại Diễn đàn ESG Việt Nam lần thứ nhất với chủ đề "Chiến lược phát triển bền vững trong kỷ nguyên mới" do báo Dân trí tổ chức vào chiều 23/4, bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho biết: Việt Nam hiện nay đang hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu và đối mặt với nhiều thách thức về môi trường, xã hội và quản trị.

Trong bối cảnh đó, ESG (Môi trường, Xã hội và Quản trị) đã trở thành một xu hướng tất yếu trên toàn thế giới, là thước đo quan trọng cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp và quốc gia. Các nhà đầu tư, người tiêu dùng và cộng đồng ngày càng quan tâm đến 3 yếu tố trên trong các quyết định của mình.

Bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ Nội vụ. (Ảnh: SP)

Bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ Nội vụ. (Ảnh: SP)

Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà khẳng định, Chính phủ Việt Nam luôn coi phát triển bền vững là mục tiêu xuyên suốt trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội và đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách để khuyến khích doanh nghiệp thực hiện ESG, bảo vệ môi trường, đảm bảo an sinh xã hội và nâng cao năng lực quản trị.

"Doanh nghiệp nào thực hiện tốt các tiêu chuẩn ESG sẽ có lợi thế cạnh tranh, thu hút đầu tư và tạo dựng được uy tín bền vững", Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh.

Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Tiến Huy, Giám đốc Văn phòng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định: Hiện nay, một số xu hướng toàn cầu đang tác động mạnh mẽ đến chiến lược phát triển bền vững và việc thực thi ESG của doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Tiến Huy, Giám đốc Văn phòng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững. (Ảnh: PO)

Ông Nguyễn Tiến Huy, Giám đốc Văn phòng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững. (Ảnh: PO)

Đầu tiên là biến đổi khí hậu và các rủi ro môi trường ngày càng gia tăng. Thời tiết cực đoan, nước biển dâng, và khan hiếm tài nguyên thiên nhiên buộc doanh nghiệp phải thay đổi cách vận hành, hướng đến mô hình kinh tế tuần hoàn, sử dụng năng lượng tái tạo và giảm phát thải carbon để đáp ứng các cam kết phát triển xanh.

Thứ 2, áp lực từ nhà đầu tư và người tiêu dùng đối với minh bạch ESG ngày càng lớn. Các quỹ đầu tư toàn cầu đang chuyển dịch dòng vốn vào các doanh nghiệp có báo cáo ESG tốt, đồng thời người tiêu dùng ưa chuộng sản phẩm thân thiện với môi trường và có đạo đức kinh doanh rõ ràng.

“Trong một đêm, một công xưởng may mặc với 28.000 công nhân phải đóng cửa vì họ sử dụng lao động trẻ em”, ông Huy tiết lộ.

Bên cạnh đó, sự gia tăng của công nghệ số và chuyển đổi số cũng là một xu hướng then chốt. Công nghệ giúp doanh nghiệp thu thập, phân tích, khai phá, trình bày, đo lường và công bố dữ liệu ESG hiệu quả hơn, đồng thời hỗ trợ đổi mới mô hình kinh doanh theo hướng bền vững.

Ngoài ra, khung chính sách và tiêu chuẩn quốc tế về ESG cũng đang hoàn thiện nhanh chóng, đòi hỏi doanh nghiệp không chỉ tuân thủ trong nước mà còn phải đáp ứng yêu cầu toàn cầu, đặc biệt nếu muốn mở rộng ra thị trường quốc tế.

“Trong bối cảnh đó, ESG không còn là lựa chọn mang tính hình thức mà trở thành một phần chiến lược cốt lõi trong quản trị rủi ro, nâng cao giá trị thương hiệu và đảm bảo tăng trưởng dài hạn cho doanh nghiệp. Những doanh nghiệp tiên phong tích hợp ESG vào chiến lược kinh doanh sẽ có lợi thế cạnh tranh lớn và thích ứng tốt hơn trong tương lai đầy biến động”, ông Huy nói.

ESG không phải "mốt"

Thực tế cho thấy, rất nhiều doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp “nội” đã rất chú trọng phát triển doanh nghiệp gắn với ESG.

Ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng giám đốc FPT chia sẻ về việc thực thi ESG và những kết quả doanh nghiệp đạt được. ESG không phải "mốt" mà là căn bản của việc phát triển bền vững trong mỗi doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng giám đốc FPT. (Ảnh: ST)

Ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng giám đốc FPT. (Ảnh: ST)

Theo ông Khoa, vận dụng ESG vào việc xây dựng chiến lược rất quan trọng vì nó tạo ra sự bền vững, tạo "sức đề kháng" cho doanh nghiệp chống lại những thay đổi nhanh của thời cuộc. Đặc biệt, đưa ESG vào hoạt động cốt lõi sẽ nâng cao hoạt động, mở rộng tăng trưởng bền vững, tạo môi trường tốt, thu hút lao động trẻ.

“Các bạn trẻ hiện nay rất quan tâm đến môi trường. Hiện nay, chúng tôi có 90.000 nhân viên và gần 45.000 nhân viên trong đó thuộc thế hệ gen Z", ông cho biết.

Tuy nhiên, để các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa đẩy mạnh thực thi ESG, ông Khoa kiến nghị Chính phủ ban hành các khung pháp lý và chuẩn ESG quốc gia. Đại diện FPT cho biết sẵn sàng đồng hành để chuẩn hóa các bộ chỉ số ESG phù hợp với Việt Nam và tiệm cận quốc tế.

Song song đó, ông đề xuất thúc đẩy tài chính xanh, vốn ưu đãi cho doanh nghiệp triển khai ESG, giảm gánh nặng tài chính cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Bên cạnh đó, vị này cho rằng cần hình thành mạng lưới ESG nội địa do doanh nghiệp dẫn dắt.

Đồng thời, theo ông, cần xây dựng hệ sinh thái ESG quốc gia, tích hợp ESG vào sản phẩm dịch vụ, đưa ESG vào trong giáo dục, nâng cao nhận thức về ESG.

"ESG không phải là món trang sức, không phải là trào lưu mà là lợi thế", ông Khoa nói.

Việt Vũ

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/mot-cong-xuong-co-28-000-cong-nhan-phai-dong-cua-lap-tuc-vi-su-dung-lao-dong-tre-em-10288070.html