TP Hồ Chí Minh: Nhiều kỳ vọng phát triển nhanh đường sắt đô thị

Ngày 19-2, nhiều chuyên gia đã chia sẻ những kỳ vọng về việc thành phố sẽ nhanh chóng phát triển được hệ thống đường sắt đô thị sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

TS.KTS Ngô Viết Nam Sơn. Ảnh: Nhân vật cung cấp

TS.KTS Ngô Viết Nam Sơn. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Nhận định về sự kiện ý nghĩa này, TS.KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, việc Quốc hội thông qua Nghị quyết về phát triển đường sắt đô thị tại hai thành phố lớn nhất cả nước một lần nữa khẳng định các chủ trương, đường lối của Đảng đúng đắn và kịp thời được Quốc hội thể chế hóa thành chính sách, Nghị quyết để đưa vào thực tiễn cuộc sống, góp phần phát triển đất nước.

Cụ thể, các cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị sẽ giúp thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh "tự chủ" và chủ động hơn trong quá trình phát triển hệ thống đường sắt khối lượng lớn, hiện đại đã được đề ra.

Trong đó, riêng thành phố Hồ Chí Minh, theo Nghị quyết sẽ hình thành 10 tuyến metro. Từ đó, giúp bứt phá trong phát triển hệ thống giao thông công cộng, góp phần hạn chế xe cá nhân, quá tải hạ tầng giao thông đô thị và ùn tắc giao thông.

"Đặc biệt, với cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt trên sẽ là nền tảng để nước ta phát triển ngành công nghiệp metro, qua đó nhân rộng các tuyến metro ra cả nước, đưa chúng ta làm chủ công nghệ làm các tuyến metro từ sản xuất thiết bị, xây dựng, lắp ráp, vận hành,... và xa hơn nữa là xuất khẩu thiết bị, máy móc sang các nước", TS.KTS Ngô Viết Nam Sơn bày tỏ về tương lai tươi sáng cho hệ thống đường sắt đô thị Việt Nam.

PGS.TS Nguyễn Bá Hoàng - nguyên Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Đại học Giao thông Vận tải thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Nhân vật cung cấp

PGS.TS Nguyễn Bá Hoàng - nguyên Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Đại học Giao thông Vận tải thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Về phương thức huy động vốn, PGS.TS Nguyễn Bá Hoàng, nguyên Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Đại học Giao thông Vận tải thành phố Hồ Chí Minh đánh giá cao và rất hoan nghênh việc Quốc hội thông qua Nghị quyết đặc thù, đặc biệt trên. Trong đó cho phép thành phố Hồ Chí Minh được huy động nguồn vốn từ nhiều nguồn để có thể chủ động nguồn vốn phát triển hệ thống metro theo đúng tiến độ đề ra.

Kinh nghiệm từ tuyến metro số 1 cho thấy việc phụ thuộc quá lớn vào nguồn vốn ODA, cùng với một số vướng mắc trong đền bù, giải phóng mặt bằng, cơ chế, chính sách,... đã khiến tuyến này thực hiện kéo dài trong 17 năm, đội vốn lên khoảng 2,5 lần.

Nghị quyết mới được thông qua cho phép huy động nhiều nguồn vốn, trong đó cho phép các tập đoàn, công ty tư nhân trong nước trực tiếp tham gia đầu tư xây dựng các tuyến metro. Nhờ đó, các địa phương có nguồn vốn dồi dào và chủ động để làm metro, góp phần xây dựng hệ thống metro nhanh hơn, đúng tiến độ đề ra, khẳng định sự làm chủ công nghệ làm metro của người Việt.

Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh Lê Hoàng Châu. Ảnh: NLĐ

Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh Lê Hoàng Châu. Ảnh: NLĐ

Lấy ví dụ cụ thể về sự thành công trong việc tổ chức vận hành cũng như thu hút người dân tham gia đi lại trên tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) sau khi chính thức hoạt động cuối năm 2024, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh Lê Hoàng Châu khẳng định, hệ thống metro sẽ là "trái tim" trong quá trình đột phá phát triển hạ tầng giao thông đô thị thành phố Hồ Chí Minh.

Do đó, Nghị quyết trên sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ đầu tư, sớm đưa vào vận hành, khai thác đồng bộ, hệ thống đường sắt đô thị tại hai thành phố lớn, tạo bước đột phá trong phát triển, hiện đại hóa kết cấu hạ tầng giao thông, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Theo quy hoạch, thành phố Hồ Chí Minh có các tuyến đường sắt đô thị sau:

- Tuyến 1: Suối Tiên - Bến Thành - An Hạ.

- Tuyến 2: Củ Chi - Quốc lộ 22 - An Sương - Bến Thành - Thủ Thiêm.

- Tuyến 3: Hiệp Bình Phước - Bình Triệu - Ngã 6 Cộng Hòa - Tân Kiên - An Hạ.

- Tuyến 4: Đông Thạnh (Hóc Môn) - sân bay Tân Sơn Nhất - Bến Thành - Nguyễn Hữu Thọ - Khu đô thị Hiệp Phước.

- Tuyến 5: Long Trường - Xa lộ Hà Nội - cầu Sài Gòn - Bảy Hiền - Đề-pô Đa Phước.

- Tuyến số 6: Vành đai trong.

- Tuyến 7: Tân Kiên - đường Nguyễn Văn Linh - Thủ Thiêm - Thảo Điền - Thanh Đa - Khu Công nghệ cao - Vinhomes Grand Park 8.

- Tuyến 8: Đa Phước - Phạm Hùng - Ngô Gia Tự - ga Sài Gòn - Công viên phần mềm Quang Trung - Hóc Môn - Bình Mỹ (Củ Chi).

- Tuyến 9: An Hạ - Vĩnh Lộc - Ga Sài Gòn - Bình Triệu.

- Tuyến 10: Vành đai ngoài.

Hà Tuấn

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/tp-ho-chi-minh-nhieu-ky-vong-phat-trien-nhanh-duong-sat-do-thi-693634.html