TP Hồ Chí Minh: Nhiều tuyến đường ùn ứ, bến xe, sân bay đông đúc
Đợt nghỉ lễ 30-4 và 1-5, người dân được nghỉ 5 ngày liên tục, dự báo lượng hành khách và phương tiện hoạt động tại các đầu mối giao thông tại thành phố Hồ Chí Minh tăng so với cùng kỳ lễ năm 2024.

Bến xe Miền Đông mới đông đúc hành khách vào chiều 30-4. Ảnh: H.Phạm
Cửa ngõ, bến xe đông đúc...
Chiều 30-4, người dân các nơi từ thành phố Hồ Chí Minh đổ về miền Tây nghỉ lễ tăng đột biến khiến một số khu vực trên các tuyến Quốc lộ 1, Quốc lộ 50… xảy ra kẹt xe.
Ghi nhận trên tuyến Quốc lộ 1, đoạn từ huyện Bến Lức đến thành phố Tân An (tỉnh Long An), lượng xe tăng đáng kể khiến các phương tiện phải nối đuôi nhau di chuyển chậm. Trong đó, đoạn Quốc lộ 1 qua địa bàn tỉnh Long An xảy ra kẹt xe kéo dài, người dân phải mệt mỏi nhích từng chút một cả nửa giờ mới qua được cầu Bến Lức.
Tại Bến xe Miền Đông mới (thành phố Thủ Đức), theo dự báo về số lượng hành khách và phương tiện hoạt động trong ngày 30-4 đạt 450 xe xuất bến, tăng khoảng 6% so với cùng kỳ năm ngoái; với 10.000 hành khách. Trong khi đó, ngày cao điểm đi lại nhiều nhất trong dịp lễ này là ngày 29-4, số lượng xe qua bến đạt 532 xe, tăng 33%, khách đạt 13.606, tăng 43% so với cùng kỳ năm 2024.

Tại Bến xe Miền Đông cũ, ngày 30-4 được dự báo là ngày cao điểm nhất hành khách đi lại trong dịp lễ này. Ảnh: H.Phạm
Phó Giám đốc Bến xe Miền Đông mới Nguyễn Lâm Hải cho biết, dịp này, tổng lượng khách qua bến trong các ngày nghỉ lễ dự kiến có hơn 47.000 lượt, tăng xấp xỉ 10% so với cùng kỳ năm 2024, với tổng số 2.350 chuyến xuất bến. Nhiều nhà xe đã điều chỉnh tăng giá vé tối đa 40% nhằm bù đắp chi phí và giải tỏa hành khách.
Tại Bến xe Miền Đông cũ (quận Bình Thạnh), hôm nay (30-4) được dự báo là ngày cao điểm nhất trong việc đi lại của người dân. Cụ thể, lượng xe dự kiến sẽ đạt 550 xe, lượng khách đạt 16.210 lượt, đều tăng khoảng 10% so với cùng kỳ năm ngoái.
Để đảm bảo đầy đủ phương tiện phục vụ nhu cầu đi lại của hành khách trong cao điểm lễ, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Bến xe Miền Đông Đỗ Phú Đạt cho hay, bến xe yêu cầu các đơn vị vận tải tăng cường phục vụ các tuyến trọng điểm để giải tỏa khách, tăng cường cho các tuyến đường thiếu xe do lượng khách tăng đột biến, tránh ứ đọng khách tại bến.
Về giá cước, Bến xe Miền Đông khuyến khích các đơn vị vận tải không thực hiện điều chỉnh tăng trong dịp lễ này. Trường hợp có kê khai điều chỉnh tăng giá cước để đảm bảo đủ chi phí khi quay đầu, tăng không quá 40% giá vé so với ngày thường.
Còn theo Công ty CP Bến xe miền Tây (quận Bình Tân), sản lượng xe và hành khách xuất bến tăng hơn 5% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, ngày cao điểm là ngày 30-4, dự báo hành khách xuất bến có thể đạt 61.500 khách/ngày và lượng xe xuất bến đạt 2.120 xe/ngày, so với ngày thường sản lượng khách tăng hơn 119% và sản lượng xe tăng hơn 63%.
Bến xe cũng đã đề xuất xét cấp 120 phù hiệu xe chạy tuyến cố định tăng cường (60 phù hiệu với tuyến cự ly dưới 300km và 60 phù hiệu tuyến trên 300km) để cấp cho các xe tăng cường giải tỏa hành khách; hỗ trợ tăng cường xe buýt cho bến xe nhằm kịp thời giải tỏa hành khách các ngày cao điểm.
Nhà ga, sân bay tăng cường phương tiện
Tại ga Sài Gòn (quận 3), nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách trong dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tổ chức chạy tàu khách Khu đoạn cố định hằng ngày 7 đôi tàu, trong đó tại ga Sài Gòn là 3 đôi tàu, gồm: SE22/21 (thành phố Hồ Chí Minh - Đà Nẵng), SNT2/1 (thành phố Hồ Chí Minh - Nha Trang), SPT2/1 (thành phố Hồ Chí Minh - Phan Thiết).
Ngoài ra, ngành Đường sắt tổ chức chạy thêm 32 chuyến tàu khu đoạn khác có mật độ hành khách đông như: Sài Gòn đi Phan Thiết, Nha Trang, Quy Nhơn, Đà Nẵng...
Trong đó, chặng thành phố Hồ Chí Minh đi Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang, Phan Thiết, chạy tổng cộng thêm 26 chuyến tàu.

Một số tuyến đường cửa ngõ thành phố Hồ Chí Minh ùn ứ trong ngày 30-4. Ảnh: H.Phạm
Đặc biệt, để bày tỏ lòng tri ân sâu sắc đối với những người có công với cách mạng, ngành Đường sắt giảm 40% giá vé tàu cho hành khách đi tàu là thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, bệnh binh, cựu chiến binh, thân nhân người có công với cách mạng. Thời gian áp dụng, hành khách mua vé đi tàu các ngày từ 24-4 đến ngày 9-5.
Trong khi đó, tại sân bay Tân Sơn Nhất, ngày 30-4, dự kiến phục vụ hơn 115.000 lượt khách, với 767 chuyến bay cất, hạ cánh.
Trong đó, riêng ga quốc nội ghi nhận trên 60.000 lượt đi và đến, còn lại là khách quốc tế. Trước đó, ngày 29-4, con số còn cao hơn với hơn 120.000 lượt khách.
Cảng HKQT Tân Sơn Nhất cho biết, những ngày cao điểm lễ, để đảm bảo lịch trình di chuyển thuận lợi, hành khách lưu ý chuyến bay, đường bay khai thác của các hãng hàng không.
Hiện nay, chỉ có Vietnam Airlines đang khai thác tại nhà ga T3 và nhà ga T1, T2; Vietjet Air vẫn ở nhà ga T1, hành khách cần lưu ý để tránh nhầm lẫn. Ngoài ra, khuyến cáo hành khách nên đến sân bay trước từ 2 đến 3 giờ, làm thủ tục check-in online để không phải chờ đợi, chậm trễ chuyến.
Trước đó, từ ngày 19-4, nhà ga hành khách T3 sân bay Tân Sơn Nhất chính thức đi vào vận hành, đồng thời kích hoạt hệ thống nhận diện sinh trắc học tích hợp với VNeID, cho phép hành khách di chuyển xuyên suốt hành trình mà không cần xuất trình giấy tờ.