TP Hồ Chí Minh sau sáp nhập: Siêu đô thị gần 14 triệu dân
Sau khi sáp nhập với Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu, TP.HCM mở ra kỳ vọng về một trung tâm kinh tế, cảng biển và công nghiệp tầm khu vực.
Sau khi Hội đồng nhân dân TP.HCM tán thành chủ trương hợp nhất với tỉnh Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu, một siêu đô thị mới của vùng Đông Nam Bộ đang thành hình – một thực thể đô thị có quy mô và tiềm lực đủ sức cạnh tranh với các trung tâm lớn trong khu vực như Bangkok, Singapore hay Thượng Hải.

Sau sáp nhập, TP.HCM mới sẽ có diện tích lên tới 6.770,3 km² – lớn gấp hơn 3 lần hiện tại và vượt qua cả Thượng Hải (6.340 km²), Singapore (728 km²) hay Kuala Lumpur (2.243 km²). Dân số cũng tăng vọt, đạt 13,7 triệu người – vượt Jakarta (10,5 triệu), Kuala Lumpur (8,2 triệu), gần bằng Bangkok (14,6 triệu) và chỉ đứng sau Thượng Hải (27 triệu) trong số các siêu đô thị châu Á.
Về quy mô kinh tế, tổng GRDP của TP.HCM sau sáp nhập ước đạt khoảng 2,71 triệu tỷ đồng (tương đương 121,1 tỷ USD), chiếm gần 24% GDP cả nước. Con số này đưa TP.HCM mới vượt qua Jakarta và Kuala Lumpur, tiệm cận Bangkok (130 tỷ USD), dù vẫn còn một khoảng cách so với Singapore (500 tỷ USD) hay Thượng Hải (700 tỷ USD).

Điểm nổi bật của TP.HCM mới là mô hình đô thị "đa lõi", được hình thành từ thế mạnh riêng biệt của ba vùng: TP.HCM là trung tâm tài chính – thương mại; Bình Dương là đầu tàu công nghiệp – công nghệ cao; còn Bà Rịa - Vũng Tàu giữ vai trò then chốt về cảng biển và năng lượng.
Mạng lưới công nghiệp hiện tại của cả ba địa phương đã có tổng cộng 61 khu công nghiệp và khu chế xuất, với tổng diện tích hơn 24.800ha. Trong đó, Bình Dương nổi bật với các khu công nghệ cao, thành phố thông minh và loạt dự án đầu tư nước ngoài hàng tỷ USD như tổ hợp LEGO, Tokyu, VSIP… Trong khi đó, Bà Rịa - Vũng Tàu đang trở thành trung tâm năng lượng mới của cả nước với điện gió ngoài khơi, khí hóa lỏng và cụm cảng nước sâu Cái Mép – Thị Vải – nơi duy nhất ở Việt Nam có thể đón tàu trọng tải lớn kết nối trực tiếp châu Âu, Bắc Mỹ.

TP.HCM mới sẽ sở hữu mạng lưới logistics và hạ tầng cảng biển hàng đầu khu vực. Bên cạnh cảng Cát Lái – cửa ngõ xuất nhập khẩu chính của miền Nam, siêu cảng Cần Giờ đang được kỳ vọng trở thành bước ngoặt lớn. Với công suất dự kiến lên tới 17 triệu TEU/năm, cảng này sẽ nâng tổng công suất logistics toàn vùng lên hơn 32,7 triệu TEU – sánh ngang với các cảng trung chuyển lớn nhất châu Á.
Song song đó là mạng lưới hạ tầng giao thông được mở rộng mạnh mẽ: sân bay Tân Sơn Nhất đang được mở rộng, ga T3 sắp hoàn thiện, các tuyến metro nối liền Bình Dương, TP.HCM, Đồng Nai được đẩy nhanh; cao tốc TP.HCM – Mộc Bài, Long Thành – Dầu Giây, Bến Lức – Long Thành... tạo thành trục kết nối kinh tế – dân cư hiệu quả.

TP.HCM mới sẽ bao gồm 168 đơn vị hành chính cấp xã (102 từ TP.HCM hiện tại, 36 từ Bình Dương và 30 từ Bà Rịa – Vũng Tàu). Các bộ máy như HĐND, UBND các cấp sẽ được sáp nhập, tinh gọn theo đúng tinh thần Nghị quyết số 60 của Trung ương. Hệ thống sở ngành cũng được tái cấu trúc, với 15 đơn vị cấp sở và tương đương, giúp tăng hiệu quả quản trị.
Tổng thu ngân sách Nhà nước năm 2024 của cả ba địa phương đạt gần 678.000 tỷ đồng – cho thấy sức mạnh tài chính đáng kể để đầu tư cho tương lai. Hơn 22.000 cán bộ công chức và 132.000 viên chức sẽ tiếp tục hoạt động trong bộ máy hành chính mới.
Không chỉ là bước đi hành chính, việc hợp nhất ba địa phương được xem là một cuộc cải cách sâu rộng, hướng đến mục tiêu dài hạn: đưa TP.HCM trở thành một "siêu đô thị biển" đúng nghĩa – trung tâm sản xuất, logistics, tài chính, thương mại, dịch vụ biển của Đông Nam Á.
Việc kết nối vùng biển sâu của Bà Rịa - Vũng Tàu với năng lực công nghiệp – đô thị của Bình Dương và trung tâm tài chính – sáng tạo của TP.HCM sẽ tạo thành một "chuỗi đô thị - công nghiệp - cảng biển - dịch vụ" liên hoàn. Đây chính là mô hình phát triển mà các siêu đô thị như Thượng Hải, Singapore hay Bangkok đã áp dụng thành công.
Một trung tâm mới của châu Á đang hình thành, không chỉ mang khát vọng hội nhập và phát triển bền vững, mà còn thể hiện quyết tâm mạnh mẽ trong việc cải tổ mô hình đô thị hóa và tăng trưởng kinh tế quốc gia. TP.HCM mới, sau sáp nhập, đang tiến một bước dài để trở thành trái tim kinh tế của Đông Nam Á – một biểu tượng mới cho Việt Nam hiện đại, sáng tạo và toàn cầu.