TP Hồ Chí Minh tăng cường giám sát dịch bệnh sau Tết Ất Tỵ

Chiều 3/2, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã thông tin về công tác khám chữa bệnh và tình hình dịch bệnh trên địa bàn TP Hồ Chí Minh trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2025.

Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế và UBND TP Hồ Chí Minh về việc tăng cường công tác y tế đảm bảo đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ, toàn ngành y tế Thành phố đã chủ động xây dựng kế hoạch, tổ chức lực lượng, phương tiện ứng trực 24/24 giờ trong thời gian nghỉ Tết, đảm bảo xử lý kịp thời các tình huống phát sinh trong suốt thời gian nghỉ Tết được diễn ra xuyên suốt, hiệu quả tại các tuyến.

Bệnh nhi mắc sởi điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1.

Bệnh nhi mắc sởi điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1.

Cụ thể, 100% trung tâm y tế có giường bệnh, trạm y tế phường, xã, thị trấn trên địa bàn tổ chức trực 24/24 và 110/135 bệnh viện trên địa bàn thành phố trực 24/24 để đảm bảo công tác tiếp nhận, cấp cứu cho người bệnh khi có nhu cầu (trừ một số bệnh viện tư nhân chuyên khoa thẩm mỹ, mắt không hoạt động trong những ngày nghỉ Tết).

Bên cạnh đó, các bệnh viện duy trì hoạt động cập nhật dữ liệu của ứng dụng tra cứu thuốc cấp cứu để sẵn sàng chia sẻ thuốc giữa các bệnh viện khi có nhu cầu, góp phần đảm bảo công tác cấp cứu người bệnh được thông suốt giữa các tuyến, không bị gián đoạn trong suốt các ngày nghỉ Tết.

Kết quả cho thấy tổng số lượt khám, chữa bệnh tại các bệnh viện giảm khoảng 33% so với cùng kỳ năm 2024 (năm 2025 là 61.454 lượt và năm 2024 là 93.505 lượt); số lượt nhập viện điều trị nội trú giảm 15% (năm 2025 là 13.071, năm 2024 là 15.231 lượt); số ca tử vong nội viện là 69 ca, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2024 (72 ca).

Số lượt đến khám và cấp cứu do tai nạn giao thông giảm 32% (năm 2025 là 1.782 lượt, năm 2024 là 2.617 lượt). Số lượt khám, cấp cứu do pháo nổ, pháo hoa, vật liệu nổ tự chế cũng giảm gần 50% so với cùng kỳ. Trong những ngày nghỉ Tết Nguyên đán, TP Hồ Chí Minh không ghi nhận trường hợp ngộ độc thực phẩm hàng loạt.

Tình hình dịch bệnh trên địa bàn Thành phố trong dịp Tết Nguyên đán, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, dịch bệnh truyền nhiễm không có dấu hiệu tăng bất thường so với những ngày trước nghỉ Tết. Qua thống kê, trong tuần nghỉ Tết, số ca nghi và mắc sởi tại Thành phố là 227 ca; sốt xuất huyết là 159 ca, tay chân miệng ghi nhận 103 ca và 2 ca COVID-19.

Theo nhận định của Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, tình hình y tế trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 có nhiều chuyển biến tích cực so với cùng kỳ. Bên cạnh trở lại nhịp hoạt động bình thường của tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh ngay sau kỳ nghỉ Tết, ngành y tế TP Hồ Chí Minh tế tiếp tục tăng cường giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh khi người dân trở lại thành phố sau kỳ nghỉ Tết dài ngày.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch Liên Chi hội Truyền nhiễm TP Hồ Chí Minh cho rằng, thời tiết giao mùa đông xuân sau Tết là điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh thủy đậu, sởi phát triển và gây bệnh. Các bệnh có khả năng cao bùng phát thành các vụ dịch, số nhiễm mới tăng nhanh chóng. Mầm bệnh có thể thuận lợi lây truyền khi người dân đi làm trở lại, tham gia lễ hội và tiếp xúc nhiều người sau Tết.

Bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC, cho biết thủy đậu và sởi thuộc nhóm bệnh do virus, tốc độ lây nhiễm nhanh. Trước đây, các bệnh này ít gặp ở người lớn, hiện tỷ lệ người lớn mắc tăng lên và lây nhiễm cho trẻ nhỏ, trong đó có những trẻ dưới 9 tháng chưa đủ tuổi tiêm ngừa. Ngoài hai bệnh trên, thời tiết sau Tết thuận lợi cho mầm bệnh lây lan các dịch bệnh như cúm, phế cầu, bạch hầu, ho gà, não mô cầu, sốt xuất huyết

Bác sĩ Bạch Thị Chính khuyến cáo, ngoài tiêm vaccine, người dân cần chủ động phòng bệnh bằng các biện pháp như đeo khẩu trang khi đến nơi đông người, vệ sinh tay sạch sẽ, vệ sinh mũi và họng hàng ngày; nâng cao sức khỏe tổng thể thông qua dinh dưỡng, tập thể dục hàng ngày cũng giúp tăng hiệu quả phòng bệnh.

Tin, ảnh:: Đan Phương/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/y-te/tp-ho-chi-minh-tang-cuong-giam-sat-dich-benh-sau-tet-at-ty-20250203184828900.htm