TP. Hồ Chí Minh: Tăng hiệu quả công tác chống chuyển giá
Chuyển giá đối với các doanh nghiệp có giao dịch liên kết là lĩnh vực phức tạp và hiện chưa có nước nào ngăn chặn tuyệt đối được, nên cần xem việc ứng phó là một cuộc đấu tranh lâu dài trên cơ sở pháp lý và bằng chứng thuyết phục; bảo đảm hài hòa, cân đối lợi ích quốc gia, lợi ích doanh nghiệp, môi trường đầu tư.
Nhiều dấu hiệu nhận biết
Theo kinh nghiệm chống chuyển giá từ một cán bộ chuyên quản của Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh, một số dấu hiệu sai phạm thường gặp khi thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp có giao dịch liên kết như lỗ liên tục nhiều năm nhưng vẫn mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh và doanh thu ngày càng tăng; giá bán bằng hoặc thấp hơn giá vốn; mua nguyên vật liệu từ công ty mẹ cao hơn giá thị trường...
Dấu hiệu kế nữa là chuyển giá thông qua góp vốn của bên nước ngoài là tài sản, máy móc thiết bị, chuyển giao công nghệ định giá quá cao. Chuyển giá thông qua các hợp đồng cung cấp dịch vụ nhưng thực tế không phát sinh; thanh toán các khoản phí dịch vụ như tiếp thị, quảng cáo, quản lý tư vấn, hỗ trợ, hoa hồng; chi trả các khoản về nhãn hiệu, bản quyền, phí giấy phép không chứng minh được tính hợp lý.
Chuyển giá thông qua trả lãi vay cao hơn lãi suất cho vay của ngân hàng thương mại; các loại chi phí công ty mẹ phân bổ cho công ty con trong tập đoàn thường không chứng minh dịch vụ đã được cung cấp; thực hiện một số công việc cho công ty liên kết, nhưng không tính phí; giao dịch nhiều với các công ty có thuế suất ưu đãi hay đặt trụ sở tại các thiên đường thuế; các công ty có lợi nhuận trong giai đoạn ưu đãi nhưng giảm dần trong giai đoạn hết ưu đãi…
Theo thống kê, TP. Hồ Chí Minh có khoảng 9.173 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phải kê khai nộp tờ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp hoạt động trong nhiều lĩnh vực, ngành nghề. Trong số này, gần 40% doanh nghiệp khai lỗ, thậm chí có doanh nghiệp khai lỗ nhiều năm nhưng vẫn mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh và mở rộng đầu tư khắp nơi.
Trong năm 2023, Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh đã tiến hành 412 cuộc thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp có giao dịch liên kết với tổng số thuế truy thu và phạt 596 tỷ đồng, giảm lỗ là 4.884 tỷ đồng và giảm khấu trừ thuế giá trị gia tăng 40 tỷ đồng. Trong đó, 67 cuộc thanh tra, kiểm tra ấn định tỷ suất lợi nhuận; 53 cuộc thanh tra, kiểm tra vừa ấn định tỷ suất lợi nhuận, vừa điều chỉnh chi phí lãi vay và 292 cuộc thanh tra, kiểm tra chỉ điều chỉnh chi phí lãi vay.
Cuộc đấu tranh lâu dài
Nhìn chung, công tác quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết và thanh tra, kiểm tra chống chuyển giá trong giai đoạn vừa qua cũng đã đạt được kết quả rất đáng ghi nhận, có những bước tiến quan trọng trong việc áp dụng các quy định pháp luật vào lĩnh vực giao dịch liên kết, góp phần tăng thu cho ngân sách nhà nước.
Về lý thuyết, hoạt động chuyển giá thường được các tập đoàn kinh tế đa quốc gia áp dụng để tối thiểu hóa nghĩa vụ thuế, tạo nguồn lực tài chính phục vụ cho kế hoạch kinh doanh của tập đoàn. Chính vì vậy mà từ lâu hành vi chuyển giá đã được cơ quan thuế các nước trên thế giới quan tâm.
Tuy nhiên hiện nay, hành vi chuyển giá không chỉ diễn ra giữa các tập đoàn kinh tế đa quốc gia, mà còn diễn ra giữa các doanh nghiệp có giao dịch liên liên kết trong nội địa. Cụ thể là một doanh nghiệp có thể thành lập thêm các công ty thành viên, hoặc liên kết với các doanh nghiệp khác có quan hệ lợi ích chung để chuyển lợi nhuận đến nơi được ưu đãi thuế, từ đó giảm thiểu số thuế phải nộp.
Thực tế cho thấy, hoạt động chuyển giá của các doanh nghiệp có giao dịch liên kết không phải là vấn đề mới, nhưng là vấn đề phức tạp nhất trong lĩnh vực thuế. Hiện trên thế giới chưa có một nước nào có thể ngăn chặn tuyệt đối chuyển giá, mà chỉ có thể hạn chế vấn đề này.
Do vậy, cần xem việc ứng phó với chuyển giá là một cuộc đấu tranh lâu dài, bền bỉ trên cơ sở pháp lý và bằng chứng thuyết phục. Việc xây dựng một lộ trình thích hợp để kiểm soát hoạt động chuyển giá, cũng như việc quản lý, tăng cường thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết là rất cần thiết, bảo đảm hài hòa, cân đối lợi ích quốc gia, lợi ích doanh nghiệp, môi trường đầu tư.
Để cải thiện khung hành lang pháp lý về quản lý thuế đối với các doanh nghiệp có giao dịch liên kết, Chính phủ, Bộ Tài chính đã có các Nghị định, Thông tư quy định, hướng dẫn như Thông tư 117/2005/TT-BTC ngày 19/12/2005; Thông tư 66/2010/TT-BTC ngày 22/4/2010; Nghị định 20/2017/NĐ-CP ngày 24/2/2017; Thông tư 41/2017/TT-BTC ngày 28/4/2017; Nghị định 68/2020/NĐ-CP ngày 24/6/2020 và hiện tại đang áp dụng là Nghị định 132/2020/NĐ-CP ngày 5/11/2020.