TP Hồ Chí Minh tăng hiệu quả trong công tác cải cách hành chính

Để tạo ra những bước chuyển đột phá trong cải cách hành chính (CCHC), TP Hồ Chí Minh đang đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) bằng sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, được người dân, doanh nghiệp (DN) đánh giá cao.

Người dân chờ làm TTHC tại phường Tăng Nhơn Phú B, thành phố Thủ Đức.

Người dân chờ làm TTHC tại phường Tăng Nhơn Phú B, thành phố Thủ Đức.

Thủ tục nhanh, tiết kiệm thời gian

Chị Ngô Ái Mỹ, ngụ ở thành phố Thủ Đức, cho biết mới đây đã đến UBND phường Phước Long B, thành phố Thủ Đức, để giải quyết các TTHC. Chỉ trong vòng vài phút, hồ sơ công chứng của chị đã được giải quyết xong; còn đối với hồ sơ nhà đất, chỉ 1-2 ngày là được trả kết quả. Trong khi trước đây, các TTHC của người dân phải chờ 4 -5 ngày mới được giải quyết.

"Khi đến UBND phường, tôi thấy nơi tiếp dân và giải quyết các TTHC đã được cải cách rất nhiều với tiện nghi đầy đủ hơn như: trang bị máy điều hòa, nước uống, máy lấy số thứ tự... Bên cạnh đó, người dân khi đến làm các hồ sơ TTHC, sau khi hồ sơ được tiếp nhận giải quyết xong, cán bộ phường sẽ gửi thông báo kết quả qua tin nhắn hoặc gọi điện thoại để người dân biết hồ sơ của mình được giải quyết đến đâu. Vì vậy, tôi cảm thấy hài lòng với thái độ phục vụ của cán bộ, công chức UBND phường", chị Ngô Ái Mỹ cho biết thêm.

Tương tự, anh Lê Viết Chiến, ngụ ở Phường 6, quận Tân Bình, cho biết: "Trước kia, khi tôi nộp hồ sơ tại UBND phường, thường phải chờ từ 7 - 10 ngày mới được giải quyết. Tuy nhiên, việc giải quyết TTHC tại phường hiện nay chỉ mất 1-2 ngày là tôi đã nhận được kết quả. Cụ thể mới đây, tôi nộp hồ sơ xác nhận vị trí nhà đất và trong 1 ngày là có kết quả trả lời. Trước khi tiếp nhận hồ sơ, cán bộ còn nhắn tin báo kết quả để tôi chủ động sắp xếp thời gian lên phường, tránh tình trạng chờ đợi như trước đây".

Người dân hài lòng với các TTHC tại TP Hồ Chí Minh vì tiết kiệm thời gian và chi phí.

Người dân hài lòng với các TTHC tại TP Hồ Chí Minh vì tiết kiệm thời gian và chi phí.

Đại diện Sở Nội vụ TP Hồ Chí Minh cho biết, vừa qua TP Hồ Chí Minh đã đạt nhiều kết quả tích cực trong cải cách thể chế hành chính; cải cách thủ tục hành chính; tổ chức bộ máy hành chính; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; cải cách tài chính công; hiện đại hóa hành chính. Tính đến cuối năm 2021, các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn thành phố đã giải quyết hơn 18 triệu hồ sơ; trong đó, có 99,81% hồ sơ giải quyết đúng hạn, chỉ có hơn 32.000 hồ sơ (tỷ lệ 0,1%) quá hạn.

Từ đầu năm 2022, mặc dù ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng TP Hồ Chí Minh đặt ra 10 chỉ tiêu trọng tâm về cải cách hành chính, phấn đấu chỉ số cải cách hành chính của thành phố thuộc nhóm 15 địa phương dẫn đầu cả nước; tỷ lệ giải quyết hồ sơ đúng hạn từ 98% trở lên; giảm tỷ lệ giải quyết hồ sơ trễ hạn ở lĩnh vực đất đai và lĩnh vực đầu tư, khiếu nại, tố cáo xuống còn dưới 4%...

Nêu cao trách nhiệm người đứng đầu

Theo ông Huỳnh Thanh Nhân, Giám đốc Sở Nội vụ TP Hồ Chí Minh, để công tác CCHC đạt được hiệu quả tốt hơn, các sở, ngành, địa phương cần xác định trách nhiệm người đứng đầu; đồng thời, rà soát các nội dung còn hạn chế trong năm 2021, khẩn trương có giải pháp khắc phục trong thời gian sớm nhất và bảo đảm chất lượng từng nội dung để hướng trọng tâm của công tác này mang lại sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp.

Ngoài ra, các cơ quan, đơn vị cũng phải tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra việc thực hiện quy tắc ứng xử; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân sai phạm; kiểm tra đột xuất trách nhiệm người đứng đầu trong chỉ đạo, điều hành công tác và kết quả thực hiện các chỉ tiêu cải cách hành chính. Các khó khăn, vướng mắc, bức xúc của người dân, doanh nghiệp cần được phản ánh kịp thời để có giải pháp khắc phục.

Còn theo ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, quá trình thực hiện CCHC cũng chính là làm sao để người dân và doanh nghiệp thấy được việc giao dịch trực tiếp hay trực tuyến đều giống nhau về pháp lý. Chưa kể, thực hiện trực tuyến còn có nhiều cái lợi như tiết kiệm thời gian, tiết kiệm chi phí... Qua đại dịch vừa rồi, thành phố cũng bộc lộ nhiều vấn đề cần khắc phục trong công tác CCHC. Trong đó, việc đồng bộ nguồn dữ liệu đang là một trở ngại lớn để có thể thực hiện thành công quá trình chuyển đổi số...

Mỗi ngày, các cán bộ tại UBND phường, quận, huyện và thành phố Thủ Đức tiếp nhận hàng ngàn hồ sơ TTHC.

Mỗi ngày, các cán bộ tại UBND phường, quận, huyện và thành phố Thủ Đức tiếp nhận hàng ngàn hồ sơ TTHC.

Vì vậy, để nâng cao chất lượng, hiệu quả cải cách TTHC, khắc phục tồn tại còn tồn đọng trong năm 2021, ông Phan Văn Mãi đã đề nghị cán bộ, công chức, viên chức, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm các giải pháp để hoàn thành mục tiêu của chương trình cải cách TTHC TP Hồ Chí Minh. Trong đó, mỗi địa phương cần gắn công tác cải cách TTHC phải gắn với các giải pháp cụ thể, có tính nhân rộng, áp dụng lâu dài, ứng dụng hiệu quả CNTT; tiếp thu ý kiến đóng góp của người dân tham mưu bổ sung, điều chỉnh các giải pháp phù hợp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

“Cấp ủy, thủ trưởng các đơn vị phải kịp thời nắm rõ nguyên nhân không hài lòng của cá nhân, tổ chức trong quá trình giải quyết TTHC để chấn chỉnh khắc phục. Ngoài ra, mỗi cán bộ, công chức, viên chức phải là một “đại sứ” CCHC, thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ được giao, nhiệt tình, thân thiện, vui vẻ khi tiếp xúc, giải quyết công việc cho người dân…", ông Phan Văn Mãi nói.

Bài, ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/tp-ho-chi-minh/tp-ho-chi-minh-tang-hieu-qua-trong-cong-tac-cai-cach-hanh-chinh-20220406160717420.htm