TP Hồ Chí Minh: Tập trung đạo tào đội ngũ lý luận phê bình văn học và nghệ thuật trẻ

Ngày 6/9, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật TP Hồ Chí Minh đã tổ chức tọa đàm với chủ đề 'Lý luận phê bình Văn học nghệ thuật từ Đổi mới (1989) đến nay – những vấn đề cần giải quyết'.

Nhà báo Thanh Hiệp, Trưởng Ban Lý luận phê bình, Hội Sân khấu Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại tọa đàm ngày 6/9.

Nhà báo Thanh Hiệp, Trưởng Ban Lý luận phê bình, Hội Sân khấu Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại tọa đàm ngày 6/9.

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã trình bày tham luận, ý kiến tập trung vào các nội dung: Thành tựu và hạn chế của công tác lý luận phê bình văn học nghệ thuật từ Đổi mới (1986) đến nay; các vấn đề lý luận phê bình văn học nghệ thuật hiện nay cần được quan tâm đi sâu; tình hình đội ngũ lý luận phê bình văn học nghệ thuật hiện nay; phương thức đào tạo, tập hợp lực lượng lý luận phê bình văn học nghệ thuật theo nhu cầu của các chuyên ngành để đem lại hiệu quả cao…

Ông Nguyễn Trung, đại diện Hội Âm nhạc Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, qua 38 năm đổi mới, âm nhạc TP Hồ Chí Minh nói riêng và Việt Nam nói chung đã trải qua nhiều biến đổi, nhưng vẫn giữ được bản sắc riêng và trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của con người trong xã hội mới. Các nghiên cứu lý luận ngày càng được mở rộng về chiều sâu, từ âm nhạc cổ điển đến các thể loại đương đại.

"Tuy nhiên, đời sống văn học, nghệ thuật hiện nay chưa tương xứng với vị thế, tầm vóc và những đổi thay nhanh chóng của đất nước. Số lượng các tác phẩm lớn, có giá trị cao đáp ứng nhu cầu phát triển xã hội còn khiêm tốn; lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật chưa bắt kịp với yêu cầu định hướng sáng tác, sáng tạo phục vụ nâng cao chất lượng đời sống tinh thần của người dân và thực hiện các nhiệm vụ chính trị trọng tâm", ông Nguyễn Trung nói.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Thọ Truyền, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP Hồ Chí Minh, ngày nay lý luận phê bình văn học, nghệ thuật (văn học, âm nhạc, điện ảnh, múa, mỹ thuật, sân khấu, nhiếp ảnh…) có chức năng thẩm định, đánh giá tác giả, tác phẩm, phát hiện các giá trị mới cũng như các hạn chế trong lĩnh vực sáng tác, góp phần tham gia vào sự phát triển, định hướng của văn học nghệ thuật. Tuy nhiên, hoạt động lý luận phê bình văn học, nghệ thuật chưa phát huy được tác dụng tích cực đối với đời sống văn học, nghệ thuật; một số ngành nghệ thuật còn thiếu vắng lực lượng chuyên gia về lý luận.

Ngoài ra, công tác lý luận phê bình văn học tại TP Hồ Chí Minh vẫn còn lạc hậu về nhiều mặt, chưa giải đáp được nhiều vấn đề đời sống, xa rời với thực tiễn sáng tác, có biểu hiện kém năng động, chưa bắt kịp với yêu cầu định hướng sáng tạo phục vụ nâng cao đời sống tinh thần và thực hiện các nhiệm vụ chính trị trọng tâm. Đội ngũ cho hoạt động này còn ít, nguồn lực trẻ không nhiều và khả năng chuyên môn còn thấp, những người làm phê bình chân chính và thực thụ rất ít, từ đó thiếu đi tính hệ thống, tính chuẩn mực dẫn đến phê bình không đúng… đối với các tác phẩm văn học nghê thuật.

Vừa qua, hoạt động phê bình văn học, nghệ thuật đã góp phần phát hiện, giới thiệu đến với công chúng nhiều tác giả, tác phẩm văn học, nghệ thuật hay.

Vừa qua, hoạt động phê bình văn học, nghệ thuật đã góp phần phát hiện, giới thiệu đến với công chúng nhiều tác giả, tác phẩm văn học, nghệ thuật hay.

Để phát triển hoạt động phê bình lý luận văn học, bà Nguyễn Thị Mỹ Liêm, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Mỹ Liêm, Phó Chủ tịch Hội Âm nhạc TP Hồ Chí Minh cho rằng, trước tiên cần bắt đầu từ khâu đào tạo, bởi nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ được cung cấp bằng con đường đào tạo chuyên sâu... Các đơn vị, cơ sở có thể phối hợp với các trường đại học để đào tạo đội ngũ phê bình trẻ, chuyên nghiệp, có trình độ chuyên môn chất lượng cao.

Ngoài ra, Thành phố cũng có thể đặt hàng cho việc nghiên cứu, biên soạn chương trình, nội dung lý luận phê bình văn học trong thời kỳ đổi mới để phù hợp hơn với sự phát triển và thay đổi nhanh chóng của nhiều loại hình văn học, nghệ thuật mới. Hơn nữa, các cơ quan quản lý nhà nước, các hội chuyên ngành cần có cơ chế hỗ trợ các nhà lý luận, phê bình phát triển chuyên môn, có điều kiện thực hành trong thực tiễn...

Trong khi đó, theo nhà báo Thanh Hiệp, Trưởng Ban Lý luận phê bình, Hội Sân khấu TP Hồ Chí Minh, muốn phát triển đội ngũ lý luận phê bình văn học chuyên môn cao, trước tiên cần quan tâm bồi dưỡng đội ngũ lý luận phê bình văn học trẻ. Việc bồi dưỡng đội ngũ này cần quan tâm vào việc đào tạo chuyên sâu về tư chất, năng khiếu cảm thụ, kiến thức và năng lực, cá tính của người cầm bút. Nếu đào tạo thiếu những phẩm chất này, có khi cả đời cũng khó trở thành nhà lý luận phê bình văn học chân chính.

Tin, ảnh: Ngân Tuyền/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/doi-song-van-hoa/tp-ho-chi-minh-tap-trung-dao-tao-doi-nguly-luan-phe-binh-van-hoc-va-nghe-thuat-tre-20240906163434337.htm