TP. Hồ Chí Minh: Tháo gỡ vướng mắc pháp lý để đẩy nhanh cấp sổ hồng cho người dân
Trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh hiện có hàng chục nghìn căn hộ, nhà phố đã được đưa vào sử dụng nhiều năm qua, nhưng người mua nhà vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất (sổ hồng). Thành phố đang tập trung tháo gỡ khó khăn, ách tắc trong việc cấp sổ hồng nhằm đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của người dân, doanh nghiệp.
Nhiều nguyên nhân vướng mắc
Theo thống kê, đến thời điểm hiện nay, TP. Hồ Chí Minh đã cấp sổ hồng cho khoảng hơn 110.000 căn hộ (trên tổng số 191.348 căn). Hiện còn 81.332 căn chưa cấp. Trong số này có 5.386 căn chưa được cấp sổ hồng do chủ đầu tư chưa hoàn tất nghĩa vụ tài chính bổ sung.
Có 10.019 căn không được cấp do thuộc loại hình bất động sản mới như: officetel, shop house… Ngoài ra, có 17.515 căn không đủ điều kiện cấp do chủ đầu tư điều chỉnh thiết kế, quy mô căn hộ, cơ cấu sử dụng đất…
Theo Văn phòng đăng ký đất đai TP. Hồ Chí Minh, năm 2022 số lượng hồ sơ nộp xin cấp giấy chứng nhận tăng đột biến so với năm 2021, từ 28.835 hồ sơ lên 38.144 hồ sơ. Đặc biệt nổi lên một số vướng mắc trong công tác giải quyết hồ sơ ảnh hưởng đến tiến độ cấp sổ hồng.
Cụ thể, số lượng hồ sơ một lần nộp tương đối lớn (từ 50 - 300 hồ sơ) trong khi quy định thời gian giải quyết một hồ sơ không quá 15 ngày làm việc. Ngoài ra, máy móc, trang thiết bị để xử lý hồ sơ đã cũ, cấu hình yếu, nhân sự làm công tác chuyên môn còn mỏng dẫn đến không đáp ứng được việc đảm bảo tiến độ.
Nhiều dự án chưa được cơ quan có thẩm quyền cho ý kiến về việc thực hiện nghĩa vụ nhà ở xã hội. Một số dự án bị thanh tra, kiểm toán, đề nghị cung cấp hồ sơ cho cơ quan công an… dẫn đến tạm dừng các thủ tục hành chính về đất đai.
Báo cáo tại buổi giám sát chuyên đề về cấp sổ hồng do Chủ tịch HĐND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Lệ làm trưởng đoàn mới đây, ông Huỳnh Thanh Khiết - Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh cho biết, một trong những nguyên nhân khiến công tác cấp sổ hồng tại các dự án nhà ở trên địa bàn thành phố thời gian qua bị chậm, do quy định việc xác định nghĩa vụ tài chính bổ sung của cơ quan nhà nước có thẩm quyền buộc chủ đầu tư phải hoàn thành nghĩa vụ tài chính bổ sung theo Nghị định 148 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai.
Cùng với đó là việc thực hiện nghĩa vụ tài chính về thuế và lệ phí của chủ đầu tư và người mua nhà chậm. Một số vấn đề còn chưa có quy định trong các văn bản pháp luật về đất đai dẫn đến lúng túng, chưa thống nhất trong cách xử lý.
Theo ông Khiết, trước kia chủ đầu tư hoàn thành nghĩa vụ tài chính đến đâu cấp sổ đến đó, nhưng Nghị định 148 buộc chủ đầu tư phải hoàn thành nghĩa vụ tài chính bổ sung mới tiến hành xem xét cấp sổ hồng cho người mua nhà. Trong khi đó quá trình triển khai, dự án có thể được điều chỉnh quy hoạch tăng thêm diện tích sàn xây dựng so với giấy chứng nhận trước đó…
Riêng phần nghĩa vụ tài chính phát sinh chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với tổng số tiền phải thực hiện, nhiều dự án bị kéo dài nhiều năm bởi quy định trên, dẫn đến quyền lợi người mua nhà cũng bị ảnh hưởng, thiệt hại theo.
Để Sở TN-MT cấp sổ hồng cho người mua nhà, dự án phải có sự xác nhận đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính (chủ yếu là nghĩa vụ tài chính phát sinh) của cấp có thẩm quyền. Trong khi trách nhiệm của từng cấp có thẩm quyền trong việc xác định hoàn thành nghĩa vụ tài chính và nghĩa vụ tài chính phát sinh lại chưa được quy định cụ thể, chi tiết trong các văn bản hướng dẫn.
Cần xác định rõ trách nhiệm từng sở ngành
Tại buổi giám sát chuyên đề mới đây về công tác cấp sổ hồng, Chủ tịch HĐND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Lệ cho rằng, mặc dù quy định vẫn còn có sự bất hợp lý, nhưng việc phối hợp giữa các sở ngành trong cấp sổ hồng chưa chặt chẽ, cần phải khắc phục trong thời gian tới, đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin để xử lý công việc; bảo đảm quyền lợi chính đáng cho người mua nhà cũng như tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, đẩy nhanh công tác cấp sổ hồng để tăng nguồn thu ngân sách cho thành phố, đảm bảo quy định pháp luật, tránh thất thu ngân sách.
Theo Chủ tịch HĐND thành phố, việc chậm trễ trong việc cấp sổ cho người mua nhà cần phải chỉ ra trách nhiệm cụ thể của từng sở ngành. Những vướng mắc khó khăn trong công tác này cần có lộ trình giải quyết sớm.
Một trong những giải pháp trước mắt để tháo gỡ những vướng mắc trong công tác cấp sổ hồng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Toàn Thắng đề xuất, đối với các dự án bị chủ đầu tư thế chấp sổ đỏ tại ngân hàng, Sở TN-MT sẽ hướng dẫn các sở ngành liên quan, ngân hàng và chủ đầu tư xóa thế chấp quyền sử dụng đất.
Trường hợp chủ đầu tư không thực hiện xóa thế chấp, Sở TN-MT sẽ có văn bản thông báo đến cư dân, đề nghị cư dân nộp đơn khởi kiện chủ đầu tư tại tòa án để được xem xét giải quyết theo quy định.
Giải pháp tiếp theo, đối với dự án đã nghiệm thu hoàn thành công trình xây dựng đưa vào sử dụng, có vi phạm xây dựng một phần, đề xuất cấp sổ hồng đối với phần đúng phép, phần sai phép xử lý theo quy định trước khi cấp sổ. Đối với công trình xây dựng chưa nghiệm thu, đề nghị nghiệm thu công trình đưa vào sử dụng đúng quy định trước khi cấp sổ hồng.
Về vấn đề “nghĩa vụ tài chính phát sinh”, qua thống kê TP. Hồ Chí Minh có 39 dự án với tổng số 26.959 căn đang gặp vướng mắc, Sở TN-MT đã trình UBND TP. Hồ Chí Minh đề án “tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác xác định giá đất cụ thể trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh"; trong đó, có đề xuất các giải pháp để thực hiện những nội dung vướng mắc bất cập nêu trên.