TP Hồ Chí Minh: Thêm một bệnh viện tuyến quận, huyện được cấp mã đào tạo liên tục
Ngày 19/5, đại diện Bộ Y tế đã trao cho Bệnh viện Lê Văn Thịnh (thành phố Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) chứng nhận mã số đào tạo liên tục. Đây là bệnh viện tuyến quận, huyện thứ 2 tại TP Hồ Chí Minh và là một trong số ít bệnh viện tuyến quận, huyện trên cả nước đạt được chứng nhận này.
Ông Nguyễn Ngô Quang, Phó Cục trưởng Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo - Bộ Y tế cho biết, qua thẩm định, Bệnh viện Lê Văn Thịnh đã đạt 5 tiêu chí cơ bản để được cấp mã số đào tạo liên tục gồm: cơ sở vật chất, chương trình đào tạo, tài liệu đào tạo, đội ngũ giảng viên và công tác điều hành. Theo ông Quang, việc các cơ sở được cấp mã số đào tạo liên tục đóng vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao năng lực hành nghề của nhân viên y tế và đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao của người dân.
“Bệnh viện Lê Văn Thịnh có 800 nhân viên y tế cần được tham gia các lớp đào tạo thường xuyên để có thể tái cấp chứng chỉ hành nghề theo quy định của Luật Khám, chữa bệnh mới được thông qua. Nếu như bệnh viện không tự đào tạo được thì nhân viên y tế phải đi đến những cơ sở cấp cao hơn để được đào tạo liên tục, vừa tốn kém tiền bạc, thời gian, vừa làm giảm hiệu suất làm việc tại cơ sở y tế”, ông Nguyễn Ngô Quang nhấn mạnh.
Do đó, Bộ Y tế khuyến khích các bệnh viện, không chỉ tuyến trung ương mà cả tuyến tỉnh, thành phố và thậm chí tuyến quận, huyện phấn đấu đạt các tiêu chí để được cấp mã số đào tạo liên tục. Hiện nay, Bệnh viện Lê Văn Thịnh là một trong số ít bệnh viện tuyến quận, huyện trong cả nước được cấp mã số đào tạo y khoa liên tục. Đây là tiền đề để Bộ Y tế nhân rộng mô hình ra nhiều cơ sở y tế khác cả nước, đặc biệt là ở tuyến quận, huyện. Tuy vậy, ông Nguyễn Ngô Quang cũng khẳng định, việc cấp mã đào tạo được kiểm soát rất chặt nhằm tránh việc biến tướng ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo.
Cùng với việc đạt chứng nhận được cấp mã số đào tạo liên tục, trong Lễ Kỷ niệm 15 năm thành lập chiều 19/5, Bệnh viện Lê Văn Thịnh công bố đã làm chủ được 11.332 kỹ thuật y khoa; trong đó có nhiều kỹ thuật cao như phẫu thuật nội soi cắt u trong ổ bụng, phẫu thuật nội soi cắt túi mật, điều trị các bệnh lý gan mật, nối mật - ruột, tái tạo dây chằng, thay khớp gối, khớp háng, phẫu thuật ngoại thần kinh…
Bệnh viện Lê Văn Thịnh tiền thân là Bệnh viện Quận 2, được thành lập năm 2008, là một trong 2 bệnh viện tuyến quận, huyện đạt hạng 1 trực thuộc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh. Sau 15 năm hoạt động, Bệnh viện Lê Văn Thịnh có hơn 800 nhân viên y tế, 550 giường điều trị nội trú và chuyên khoa sâu. Bệnh viện được coi cũng là mô hình thu nhỏ của các bệnh viện tuyến cuối với sự ra đời của nhiều phòng khám vệ tinh có sự hỗ trợ từ nhiều chuyên gia là Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sĩ đến từ Bệnh viện Đại học Y dược, Bệnh viện Ung bướu, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, Bệnh viện Mắt, Bệnh viện Nhi đồng 2 Thành phố Hồ Chí Minh... Hiện nay, Bệnh viện Lê Văn Thịnh là cơ sở thực hành của nhiều trường đại học, gồm Đại học Y dược, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch và Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh.
Nhân dịp này, bác sĩ Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba vì có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống COVID-19 và trong công tác chăm sóc sức khỏe người dân.