Tp Hồ Chí Minh tổ chức Hội chợ - Triển lãm Giống, Nông nghiệp công nghệ cao
Hội chợ Triển lãm Giống Nông nghiệp công nghệ cao Tp Hồ Chí Minh lần thứ IX năm 2023 sẽ diễn ra trong 5 ngày, từ ngày 21 – 25/6 tại Công viên Bình Phú, Quận 6.
Ngày 15/6, tại cuộc họp cung cấp thông tin về các vấn đề kinh tế - xã hội và công tác phòng, chống dịch trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, nhiều nội dung liên quan đến công tác tổ chức Hội chợ - Triển lãm Giống, Nông nghiệp công nghệ cao lần thứ IX năm 2023 của Thành phố; kết quả điều tra, xử lý ngộ độc nghi do độc tố Clostridium Botulium tại thành phố Thủ Đức; vụ bạo hành cụ bà 85 tuổi tại Quán trọ Trăng Khuyết (Quận 12); tình trạng sạt lở bờ sông, kênh, rạch trên địa bàn được đại diện các cơ quan chức năng thông tin.
Ông Phạm Quang Hợi, Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, Hội chợ Triển lãm Giống Nông nghiệp công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ IX năm 2023 do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thành phố phối hợp với UBND Quận 6 tổ chức, diễn ra trong 5 ngày, từ ngày 21 – 25/6 tại Công viên Bình Phú (Quận 6, Thành phố Hồ Chí Minh).
Điểm nhấn của hội chợ là không gian triển lãm những thành tựu về giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản, nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sinh học; các sản phẩm OCOP, sản phẩm vật tư nông nghiệp, sản phẩm chủ lực, tiềm năng cùng các mô hình nông nghiệp đạt hiệu quả của ngành nông nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố.
Trong khuôn khổ Hội chợ còn có khu vực gian hàng giới thiệu các mô hình sản xuất cá cảnh đạt hiệu quả kinh tế cao, giới thiệu quảng bá thương hiệu cho những giống cá cảnh tiêu biểu trên địa bàn Thành phố và các địa phương khu vực Nam Bộ.
Hội chợ còn mang đến khu vực gian hàng giới thiệu các sản phẩm nghiên cứu khoa học và chuyển giao khoa học công nghệ, ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp; các mô hình, giải pháp, máy móc, thiết bị và công nghệ tiên tiến, hiện đại, công nghệ sinh học, công nghệ bảo quản, chế biến sau thu hoạch; mô hình ứng dụng giống mới; sản phẩm của công ty khởi nghiệp lĩnh vực nông nghiệp; khuyến mại các sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp tiềm năng, đặc trưng do UBND Quận 6 tổ chức.
Ông Phạm Quang Hợi thông tin thêm, hội chợ cũng là dịp để ngành nông nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, nhà vườn tham gia trưng bày, triển lãm các sản phẩm giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản chất lượng cao tại Hội chợ để quảng bá thương hiệu đến người dân Thành phố, các địa phương trên cả nước và du khách quốc tế; tạo điều kiện gặp gỡ giữa các hợp tác xã, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp với các nhà đầu tư, các kênh phân phối để trao đổi, thảo luận việc tiêu thụ các sản phẩm nông sản Thành phố theo hình thức tiêu thụ trực tuyến trên sàn thương mại điện tử; đồng thời, phổ biến một số chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp.
Qua đó, khẳng định vai trò Thành phố Hồ Chí Minh là cầu nối hiệu quả, kênh xúc tiến thương mại quan trọng trong lĩnh vực nông nghiệp của các vùng trong cả nước.
Về kết quả điều tra, xử lý ngộ độc nghi do độc tố Clostridium Botulium tại thành phố Thủ Đức, ông Nguyễn Văn Khuôn, Trưởng phòng Y tế thành phố Thủ Đức cho biết, trường hợp ngộ độc đầu tiên xảy ra ngày 13/5 gồm 4 người ở phường Long Thạnh Mỹ mua một cây chả giò ăn với bánh mì, hôm sau có triệu chứng ngộ độc. Trường hợp thứ 2 là ăn bún mắm nấu ở gia đình, trong 4 người ăn thì 1 người ngộ độc và tử vong.
Trường hợp thứ 3 là hai thanh niên làm nghề vá xe dọc quốc lộ mua giò chả ăn với bánh mì, đến ngày hôm sau thì cả hai người cùng bị ngộ độc, phải nhập viện. Các lực lượng cảnh sát môi trường, cảnh sát kinh tế, ban quản lý an toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh đã cùng vào cuộc xác minh. Tuy nhiên, kết quả xét nghiệm đều âm tính và không tìm được mối liên quan giữa các vụ ngộ độc thực phẩm này, trước mắt chỉ có thể nhận định nguồn gốc thức ăn không đảm bảo vệ sinh là nguyên nhân dẫn đến 3 vụ ngộ độc Botulinum.
Bên cạnh đó, cơ quan chức năng thành phố Thủ Đức cũng đã điều tra, xác minh và đình chỉ hoạt động 2 cơ sở sản xuất giò chả liên quan tại phường Trường Thọ. Hai cơ sở này không có biển hiệu, chủ cơ sở mua thịt từ các khu chợ nhỏ lẻ về làm giò chả.
Trước mắt, các cơ sở này sẽ bị xử phạt về hành vi không có giấy đăng ký kinh doanh, không có giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm; niêm phong bốn tủ thực phẩm của hai cơ sở này, lấy mẫu đi xét nghiệm để truy xuất nguồn thực phẩm. Về việc liên đới đến các vụ ngộ độc, Phòng Y tế thành phố Thủ Đức đang chờ kết quả của cơ quan cảnh sát điều tra để có biện pháp xử lý cuối cùng.
Về hướng xử lý tiếp theo, ông Nguyễn Văn Khuôn thông tin, UBND thành phố Thủ Đức chỉ đạo tiếp tục theo sát diễn biến sức khỏe của các trường hợp người dân bị ngộ độc còn nằm viện. Đối với 2 cơ sở sản xuất chả lụa tại phường Trường Thọ, UBND thành phố Thủ Đức chỉ đạo Công an thành phố tiếp tục điều tra theo nghiệp vụ chuyên môn và phối hợp chặt chẽ với Đoàn kiểm tra Liên ngành An toàn thực phẩm thành phố Thủ Đức tham mưu xử lý vi phạm (nếu có) theo quy định.
Trung tâm Y tế thành phố Thủ Đức cũng tăng cường các bài phát thanh tuyên truyền về tác hại của độc tố Clostridium Botulinum; tuyên truyền phòng, chống ngộ độc thực phẩm cho người dân, các mối nguy hại khi sử dụng thực phẩm không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, trôi nổi trên thị trường.
Liên quan đến vụ việc cụ già neo đơn bị quản lý đánh đập tại Quán trọ Trăng khuyết (Chi nhánh của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Quỹ Từ thiện và Bảo trợ xã hội Trăng Khuyết), ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Quỹ Từ thiện và Bảo trợ xã hội Trăng Khuyết (phường Phạm Ngũ Lão, Quận 1) được Phòng Đăng ký kinh doanh (Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố) cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số 0316582322, trong đó có ngành nghề hoạt động là: nuôi dưỡng, điều dưỡng, trợ giúp xã hội không tập trung đối với người già và người khuyết tật… Ngoài trụ sở chính, công ty này có 5 chi nhánh tại các quận 8, Bình Thạnh, Tân Bình và huyện Hóc Môn.
Theo ông Nguyễn Văn Lâm, Công ty hoạt động trong lĩnh vực bảo trợ xã hội, do đó phải thực hiện thủ tục, hồ sơ để các cơ quan có thẩm quyền cấp phép hoạt động theo Nghị định số 103/2017/NĐ-CP ngày 12/9/2017 của Chính phủ. Trước đó, vào ngày 22/4/2022, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh cùng Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội các quận 8, 12 và huyện Hóc Môn đã tiến hành kiểm tra thực tế tại các chi nhánh, cơ sở thuộc công ty.
Qua kiểm tra, cơ quan chức năng xác định, các cơ sở chưa có giấy phép hoạt động; về các điều kiện cơ sở vật chất và nhân lực, tiêu chuẩn trợ giúp xã hội, kinh phí chăm sóc, nuôi dưỡng chưa đúng quy định. Đơn vị chức năng đã yêu cầu Công ty đăng ký thành lập mới các cơ sở bảo trợ xã hội theo Nghị định số 103/2017/NĐ-CP và Thông tư số 33/2017/NĐ-CP; chuẩn bị hồ sơ theo quy định gửi Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội địa phương hoặc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Thành phố để thẩm định cấp giấy phép hoạt động theo quy định.
Về việc trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh hiện có 32 vị trí sạt lở bờ sông, kênh, rạch nguy hiểm, ông Trần Nhân Nghĩa, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thành phố) cho biết, nhằm chủ động ứng phó trước tình hình sạt lở bờ sông, kênh, rạch trên địa bàn Thành phố, thời gian qua, UBND Thành phố đã tổ chức triển khai nhiều giải pháp để hạn chế nguy cơ sạt lở như: tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, xử lý các hành vi lấn chiếm hành lang sông, kênh, rạch; từng bước giải tỏa các khu vực lấn chiếm hành lang sông, kênh, rạch đã tồn tại từ trước và có giải pháp công trình, phi công trình để tạo mỹ quan đô thị, hạn chế sạt lở bờ; tổ chức cắm biển cảnh báo các vị trí có nguy cơ sạt lở để người dân được biết và có phương án phòng tránh; thường xuyên tuyên truyền, vận động nhân dân không lấn chiếm hành lang sông, kênh, rạch; sắp xếp, bố trí lại dân cư tại khu vực nguy cơ sạt lở cao đến nơi định cư an toàn.
Đối với 32 vị trí sạt lở bờ sông, kênh, rạch nguy hiểm, ông Trần Nhân Nghĩa cho biết, đến nay có 23/32 vị trí đã có chủ trương đầu tư dự án kè chống sạt lở. Thành phố thường xuyên chỉ đạo chủ đầu tư đang triển khai thực hiện các dự án kè chống sạt lở đẩy nhanh tiến độ lập, thẩm định, phê duyệt và sớm triển khai thi công các dự án kè phòng, chống sạt lở thuộc thẩm quyền của địa phương, đơn vị làm chủ đầu tư, sớm hoàn thành đưa vào sử dụng để phát huy hiệu quả phòng, chống sạt lở bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân trong các khu vực bị ảnh hưởng của sạt lở.
Thành phố cũng yêu cầu các địa phương đẩy nhanh tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng của các dự án công trình kè chống sạt lở bảo vệ khu dân cư trong thời gian ngắn nhất để sớm có mặt bằng phục vụ thi công hoàn thành dứt điểm các dự án trên địa bàn nhằm phát huy hiệu quả phòng chống sạt lở, bảo vệ an toàn khu dân cư./.