TP. Hồ Chí Minh: Tuyến buýt đường sông hoạt động 7 năm nhưng nhiều bến đón trả khách chưa được giao thuê đất, chưa chịu thuế

Dù đã hoạt động 7 năm nhưng 4 bến đón trả khách của tuyến buýt đường sông Bạch Đằng – Linh Đông vẫn chưa xong các thủ tục giao thuê đất; chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính sử dụng đất, mặt nước; chưa thẩm định thiết kế xây dựng.

Buýt đường sông tuyến Bạch Đằng - Linh Đông đang chạy từ hướng cầu Sài Gòn về bến Bạch Đằng (Q.1). Ảnh: Quang Phương.

Buýt đường sông tuyến Bạch Đằng - Linh Đông đang chạy từ hướng cầu Sài Gòn về bến Bạch Đằng (Q.1). Ảnh: Quang Phương.

Ngày 11.6, UBND TP. Hồ Chí Minh có Văn bản số 3218/UBND-DA liên quan đến tuyến vận tải hành khách công cộng bằng đường thủy theo hình thức đối tác công tư (Hợp đồng BOO: xây dựng – sở hữu – kinh doanh). Đó là tuyến buýt đường sông Bạch Đằng – Linh Đông dài 10,8km do Công ty TNHH Thường Nhật (Công ty Thường Nhật) làm chủ đầu tư.

Theo tài liệu, tuyến buýt đường sông: Bạch Đằng - Linh Đông đã hoạt động 7 năm (từ tháng 5.2017 đến nay) theo Quyết định số 5080/QĐ-UBND ngày 12.10.2015 và Hợp đồng số 2683/HĐ-SGTVT ngày 31.5.2017 (hợp đồng BOO số 2683/HĐ-SGTVT). Tuyến Bạch Đằng – Linh Đông có lộ trình từ bến Bạch Đằng (Quận 1) theo sông Sài Gòn qua kênh Thanh Đa và ra lại sông Sài Gòn đến khu vực phường Linh Đông (TP. Thủ Đức) tại vị trí giáp bến khách ngang sông Bình Quới và ngược lại; có 9 bến đón trả khách, đã đầu tư 5/9 bến (Bạch Đằng, Bình An, Thanh Đa, Hiệp Bình Chánh, Linh Đông), quy mô 5 phương tiện, có sức chở 60 hành khách. Đến nay đã đầu tư 4/5 phương tiện, sức chở 75 hành khách với tổng kinh phí 22,6 tỷ đồng.

UBND TP. Hồ Chí Minh đề nghị Công ty Thường Nhật khẩn trương lập hồ sơ sử dụng đất, mặt nước tại các bến thủy nội địa đang khai thác hoạt động của thuộc dự án, gửi Sở Tài chính để được hướng dẫn thủ tục thực hiện nghĩa vụ tài chính, nộp tiền sử dụng đất, mặt nước theo đúng quy định, hoàn thành trong tháng 6.2024.

Dù hoạt động 7 năm nhưng đến nay 4 bến đón trả khách của tuyến buýt đường sông tuyến Bạch Đằng - Linh Đông chưa được giao thuê đất. Trong ảnh là bến Bình An (TP. Thủ Đức). Ảnh: Quang Phương.

Dù hoạt động 7 năm nhưng đến nay 4 bến đón trả khách của tuyến buýt đường sông tuyến Bạch Đằng - Linh Đông chưa được giao thuê đất. Trong ảnh là bến Bình An (TP. Thủ Đức). Ảnh: Quang Phương.

Giao Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) khẩn trương hướng dẫn Công ty Thương Nhật hoàn thiện hồ sơ để thực hiện thủ tục giao, thuê đất đối với 4 bến thuộc dự án (Bình An, Thảo Điền, Hiệp Bình Chánh, Linh Đông) đã được đăng ký vào kế hoạch sử dụng đất hằng năm, phù hợp với quy hoạch điều chỉnh xây dựng tỷ lệ 1/2000 đã được phê duyệt.

Giao Sở Tài chính tham mưu, đề xuất UBND Thành phố về áp dụng đơn giá thuê mặt nước của dự án theo đúng quy định hiện hành.

Giao Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh, Chi cục Thuế TP. Thủ Đức, Chi cục Thuế các quận, huyện có liên quan xác định số tiền thuê đất, số tiền thuê mặt nước của dự án, có văn bản thông báo cho Công ty Thường Nhật để thực hiện nghĩa vụ nộp thuế theo đúng quy định; đồng thời giám sát, kiểm tra việc chấp hành nghĩa vụ về thuế của đơn vị trong quá trình thực hiện dự án.

Do còn vướng thủ tục giao thuê đất nên các hạng mục xây dựng chưa được Sở Xây dựng thẩm định thiết kế xây dựng. Trong ảnh là bến Linh Đông (TP. Thủ Đức). Ảnh: Quang Phương.

Do còn vướng thủ tục giao thuê đất nên các hạng mục xây dựng chưa được Sở Xây dựng thẩm định thiết kế xây dựng. Trong ảnh là bến Linh Đông (TP. Thủ Đức). Ảnh: Quang Phương.

Trước đó, ngày 17.5.2024, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) đã có Văn bản số 6245/SGTVT-QLĐT liên quan đến hoạt động của Dự án trên. Theo Văn bản của Sở GTVT, nhà đầu tư đã lập hồ sơ cập nhật quy hoạch các bến thủy nội địa của dự án.

Đến nay, có 4 bến trên địa bàn TP. Thủ Đức đã được UBND thành phố phê duyệt điều chỉnh quy hoạch tỷ lệ 1/2000 (bến: Bình An, Thảo Điền, Hiệp Bình Chánh và Linh Đông); các bến thủy nội địa đến nay nhà đầu tư chưa được giao/thuê đất. 5 bến (đã đầu tư xây dựng) chỉ được Sở GTVT thỏa thuận tạm vị trí, quy mô xây dựng bến để vận hành, phục vụ hành khách. Nhà đầu tư đã đầu tư 4 phương tiện có sức chở 75 khách/phương tiện trong năm 2017 với tổng kinh phí 22,6 tỷ đồng (theo số liệu báo cáo của chủ đầu tư nhưng chưa cung cấp chứng từ xác định giá trị đầu tư thuộc dự án).

Cũng theo Văn bản của Sở GTVT, đến nay nhà đầu tư chưa được giao/thuê đất nên các công trình xây dựng khu bến trung tâm và các bến khác dọc tuyến chưa được Sở Xây dựng thẩm định thiết kế xây dựng.

Các bến đón trả khách của tuyến buýt đường sông Bạch Đằng - Linh Đông đã hoạt động 7 năm. Ảnh: Quang Phương.

Các bến đón trả khách của tuyến buýt đường sông Bạch Đằng - Linh Đông đã hoạt động 7 năm. Ảnh: Quang Phương.

Về việc thực hiện theo Hợp đồng BOO số 2683/HĐ-SGTVT, Văn bản của Sở GTVT cho biết, tổng mức đầu tư của dự án là hơn 124 tỷ đồng. Nhà đầu tư thu xếp nguồn vốn hợp pháp để thực hiện theo hợp đồng BOO nói trên: vốn chủ sở hữu hơn 25 tỷ đồng (20%) vốn vay là hơn 102 tỷ đồng (80%). Đến thời điểm hiện tại, nhà đầu tư đã thanh, quyết toán số tiền hơn 46 tỷ đồng (chủ yếu là quyết toán các gói thầu đã hoàn thành đưa vào sử dụng). Tổng số gói thầu đã thực hiện là 14 gói thầu, trong đó: gói thầu tư vấn (1 gói), xây lắp (12 gói), gói thầu mua sắm (1 gói).

Văn bản của Sở GTVT cho biết, theo khoản 5 Điều 1 Quyết định số 5080/QĐ-UBND tiến độ thi công xây dựng công trình và đưa vào khai thác vận hành từ năm 2015 đến 2016.

Tuy nhiên, hiện nay, dự án vẫn chưa hoàn thành do chậm trong việc cập nhật quy hoạch, giao thuê đất và ảnh hưởng của địa dịch Covid-19. Bên cạnh đó là do thay đổi thiết kế, điều chỉnh mức đầu tư (từ hơn 124 tỷ đồng lên hơn 296 tỷ đồng theo tờ trình năm 2022 của Công ty Thường Nhật)…

Quang Phương

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kiem-tra-giam-sat/tp-ho-chi-minh-tuyen-buyt-duong-song-hoat-dong-7-nam-nhung-nhieu-ben-don-tra-khach-chua-duoc-giao-thue-dat-chua-chiu-thue-i375417/