TP Thủ Đức: Xuyên tết thực hiện các thủ tục giải phóng mặt bằng dự án Vành đai 2
Theo Chủ tịch UBND TP Thủ Đức Hoàng Tùng, rút kinh nghiệm từ dự án Vành đai 3, TP Thủ Đức sẽ thực hiện chuyển đổi số toàn diện, từ đầu và sẽ được quản lý hoàn toàn trên nền tảng số đảm bảo chính xác cũng như tiết kiệm thời gian, nâng cao năng suất lao động trong công tác bồi thường.
Ngày 3-2, UBND TP Thủ Đức tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư để phục vụ đầu tư xây dựng đường Vành đai 2 TPHCM trên địa bàn TP Thủ Đức và trao quà đến các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn bị thu hồi đất trong dự án đường Vành đai 3.
2 mốc thời gian quan trọng
Tại hội nghị, Trưởng Ban bồi thường giải phóng mặt bằng TP Thủ Đức Võ Trí Dũng cho biết, dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 2 có tổng chiều dài khoảng 6,024km, diện tích thu hồi 61,51ha đi qua địa bàn 6 phường tại TP Thủ Đức, gồm: Tăng Nhơn Phú B, Phước Long A, Phước Long B, Bình Thọ, Trường Thọ và Linh Đông, với khoảng 935 trường hợp bị ảnh hưởng.
Dự án đầu tư xây dựng khép kín đường Vành đai 2 TPHCM trên địa bàn TP Thủ Đức được triển khai trong bối cảnh TP Thủ Đức nắm bắt và triển khai nhanh Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM. Đây cơ hội lớn cho TP Thủ Đức từng bước hoàn thiện tổ chức bộ máy tinh gọn – hiệu lực – hiệu quả; đồng thời phát huy các tiềm năng, thế mạnh, khơi thông điểm nghẽn trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành để đẩy nhanh quá trình phát triển.
UBND TP Thủ Đức cũng đã chỉ đạo các phòng ban liên quan thực hiện số hóa hồ sơ bồi thường. Dự kiến phấn đấu hoàn tất các công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đảm bảo đến ngày 30-11-2024 sẽ bàn giao 70% mặt bằng cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM để khởi công thực hiện dự án đúng tiến độ.
Thông tin thêm tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức Hoàng Tùng khẳng định, TP Thủ Đức sẽ nỗ lực hết sức mình, trước hết là công tác bồi thường giải phóng mặt bằng có 2 mốc thời gian hết sức quan trọng là tháng 11-2024 và tháng 3-2025.
Theo ông Hoàng Tùng, TP Thủ Đức đã lên kế hoạch thực hiện chi tiết công tác giải phóng mặt bằng. Ngoài ra, TP Thủ Đức cũng thành lập Ban chỉ đạo về thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng dự án Vành đai 2, trong đó Bí thư Thành ủy TP Thủ Đức làm Trưởng Ban chỉ đạo, sẽ lãnh đạo, chỉ đạo với quyết tâm cao nhất và giám sát liên tục trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng.
“Đối với TP Thủ Đức, năm 2023, dự án Vành đai 3 là quan trọng nhất thì năm 2024 và 2025, dự án Vành đai 2 là dự án hết sức quan trọng đối với thành phố”, ông Hoàng Tùng khẳng định và phân tích, nếu Vành đai 3 là kết nối, động lực phát triển kinh tế vùng thì Vành đai 2 không những kết nối vùng mà quan trọng hơn là trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội TP Thủ Đức. Vành đai 2 là tuyến đường đô thị, kết nối trục Đông – Tây của TP Thủ Đức, vốn hạn chế trong nhiều năm qua. Mặt khác, Vành đai 2 cũng là mơ ước, nguyện vọng của nhân dân TP Thủ Đức hơn 20 năm qua.
Thực hiện dự án xuyên tết
Để đạt kế hoạch đề ra, TP Thủ Đức sẽ thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ như kiểm đếm, đo đạc trước khi ban hành thông báo thu hồi đất. Các đơn vị tư vấn, UBND các phường cam kết sẽ thực hiện dự án xuyên tết, không nghỉ tết. Hoàn thành các thủ tục sớm để kịp thời trình HĐND TPHCM bố trí vốn vào giữa năm 2024.
Theo ông Hoàng Tùng, rút kinh nghiệm từ dự án Vành đai 3, TP Thủ Đức sẽ thực hiện chuyển đổi số toàn diện, từ đầu và sẽ được quản lý hoàn toàn trên nền tảng số đảm bảo chính xác cũng như tiết kiệm thời gian, nâng cao năng suất lao động trong công tác bồi thường.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường cho biết, nhiều năm qua, TPHCM phải cân đối nguồn lực eo hẹp bố trí cho các công trình, đến nay mới đủ điều kiện bố trí vốn cho Vành đai 2. TP Thủ Đức tập trung triển khai dự án rất quan trọng với khoảng 9km khép kín Vành đai 2, trong đó gồm 2 đoạn từ cầu Phú Hữu qua Phạm Văn Đồng và đoạn triển khai theo hình thức BT trước đó là từ Phạm Văn Đồng tới nút giao Gò Dưa (dài 2,7km).
“Bên cạnh Vành đai 3 đang được triển khai, Vành đai 2 có ý nghĩa quan trọng để mở rộng không gian phát triển, kết nối đô thị, vận chuyển hàng hóa... góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội cho TP Thủ Đức và cả TP HCM”, ông Bùi Văn Cường nhấn mạnh và yêu cầu các sở ngành hỗ trợ, hướng dẫn TP Thủ Đức về cơ chế, chính sách. TP Thủ Đức cũng cần kịp tháo báo cáo khó khăn, vướng mắc để sớm có cơ chế tháo gỡ, không để ách tắc dự án. Phó Chủ tịch UBND TPHCM cũng nhấn mạnh, việc dự án ảnh hưởng nhiều đất ở nên phải làm tốt công tác bồi thường, xây dựng, thẩm định hệ số điều chỉnh giá đất sát giá thị trường.
Theo ông Bùi Xuân Cường, năm 2023, Chủ tịch UBND TPHCM đã ký quyết định ủy quyền cho UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện quyết định giá đất cụ thể và thành lập Hội đồng thẩm định giá đất để tính tiền bồi thường khi nhà nước thu hồi đất. Ông mong mỏi TP Thủ Đức sẽ áp dụng hiệu quả thẩm quyền trên để giải quyết nhanh, sớm bàn giao mặt bằng các dự án cho chủ đầu tư.
Dịp này, TP Thủ Đức đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức trao quà đến 128 hộ dân bị thu hồi đất trong dự án đường Vành đai 3 và xem xét hỗ trợ thêm cho 17 hộ dân hoàn cảnh khó khăn chấp hành tốt việc bàn giao mặt bằng với tổng kinh phí hơn 1,1 tỷ đồng.
Dự án đã được HĐND TPHCM ban hành 2 Nghị quyết. Đó là, Nghị quyết 89 về chủ trương đầu tư dự án Xây dựng Vành đai 2 TPHCM (đoạn từ cầu Phú Hữu đến đường Võ Nguyên Giáp) và Nghị quyết 193 về chủ trương đầu tư dự án Xây dựng Vành đai 2 TPHCM (đoạn từ đường Võ Nguyên Giáp đến đường Phạm Văn Đồng).
UBND TPHCM chỉ đạo tổ chức khởi công 2 dự án nêu trên trong tháng 12-2024, nhằm cụ thể hóa mục tiêu của Nghị quyết Đại hội XI của Đảng bộ TPHCM về đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng bằng Đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông giai đoạn 2020 – 2030.