TPHCM: Báo động học sinh thừa cân, béo phì
Tỷ lệ học sinh thừa cân, béo phì tại TPHCM tăng cao đáng báo động. Tuy vậy, các chuyên gia khuyến cáo phụ huynh cần tâm lý trong việc đồng hành trẻ béo phì, tránh chế giễu, nhấn mạnh đến vóc dáng cũng như thực hiện giảm cân quá đà có thể tạo áp lực tâm lý khiến trẻ tự ti, mặc cảm, cô độc và rối loạn hành vi ăn uống rất khó chữa trị.
Hơn 32% học sinh thừa cân, béo phì
Có con mới học lớp 1 nhưng đã nặng 37kg, chị Thanh Tuyền (xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, TPHCM) không khỏi lo lắng. Mỗi tuần, sau khi kiểm tra cân nặng của con, chị lại cắt khẩu phần sữa, đồ ăn vặt và cơm vì lo con tăng cân. Nhưng chị nhận thấy con mệt mỏi hơn vì đói, ăn uống thiếu chất. Bé cũng thụ động, ngại giao tiếp và ngại đi học vì mặc cảm ngoại hình.
“Con cao lớn hơn hẳn những bạn trong lớp nên thường bị trêu ghẹo. Càng như vậy, con lại càng mất tự tin. Con cũng không được các bạn cho chơi chung các trò chơi tập thể vì không đồng đều về thể chất. Bàn học ở trường dường như cũng nhỏ hơn thể trạng của bé. Tôi rất bối rối không biết giảm cân cho con thế nào để con đỡ mệt và tinh thần không uể oải”, chị Tuyền bày tỏ.
Việc lên thực đơn ăn uống mỗi ngày cho con khiến chị Thùy Lâm (TP Thủ Đức) đau đầu. Vì chế độ ăn uống nhiều dầu mỡ, thức ăn nhanh không kiểm soát và ít vận động nên con chị có cân nặng vượt trội dù chỉ học lớp 4. Điều tai hại là khi kiểm soát chế độ ăn uống nhiều rau, hoa quả, ít thịt và cơm thì bé lại lén lút ăn vặt xúc xích, phô mai que, mì gói... ở cổng trường.
Theo Ths. Bs. Dương Công Minh (Bệnh viện Nhi đồng TPHCM), trẻ em bị béo phì dễ bị bạn bè chọc ghẹo, “phân biệt đối xử”, gây tổn thương về mặt tâm lý khiến trẻ dễ tự ti, cô độc, ảnh hưởng đến khả năng học tập và để lại dấu ấn sâu đậm về tâm lý cho đến tuổi trưởng thành.
“Khi thấy cân nặng của con không giảm, tôi gặng hỏi mới biết con ăn đồ ăn vặt không có nguồn gốc rõ ràng. Tôi định cho con tham gia lớp học thể thao nhưng hiện tại lịch học của bé đã quá dày nên chưa thể sắp xếp. Tôi lo sự việc kéo dài sẽ khiến con mắc thêm nhiều bệnh khác”, chị Lâm lo lắng.
Không riêng gì các trường hợp trên, thừa cân, béo phì hiện nay là bệnh lý chiếm tỷ lệ cao nhất của học sinh TPHCM. Theo Sở GD&ĐT TPHCM, thống kê từ năm học 2022 - 2023 trong gần 2.000 trường học tại thành phố (tỷ lệ các trường tổ chức kiểm tra sức khỏe ban đầu cho học sinh đạt trên 98%), học sinh bị thừa cân, béo phì chiếm tỷ lệ cao nhất với hơn 32%; bệnh khúc xạ về mắt 28,8%; sâu răng 23,2% và suy dinh dưỡng 4%.
Trong một hội thảo tổ chức vào cuối tháng 9, PGS.TS Trương Tuyết Mai, Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia (Bộ Y tế), cho hay, TPHCM có hơn 40% trẻ em trong tuổi đi học bị thừa cân, béo phì. Con số này cao gấp đôi so với tỷ lệ trung bình của cả nước và đang khiến nhiều chuyên gia y tế lo ngại. Một nghiên cứu tại TPHCM vào năm 2020 trên chế độ ăn của 224 học sinh từ 9 - 11 tuổi cho thấy, gần 60% trẻ thừa cân, béo phì. Đồng thời, trẻ có chế độ ăn vặt gồm uống nước ngọt và ăn snack có nguy cơ thừa cân, béo phì gấp 5 lần so với trẻ ít uống nước ngọt và ăn snack.
Bà Đinh Thị Xuân Châu- Hiệu trưởng Trường Mầm non Phước Long B (TP Thủ Đức, TPHCM) cho biết, trong đợt sàng lọc sức khỏe đầu năm, trường có 6 học sinh thừa cân (tiệm cận béo phì), 5 em suy dinh dưỡng. Theo bà Châu, đối với các em này nhà trường tham vấn y tế và có chế độ ăn riêng cho các em. “Với các em dư cân, nhân viên bếp sắp xếp khẩu phần ăn các em giảm tinh bột, tăng rau củ. Với các em suy dinh dưỡng, bếp ăn tăng thêm phô mai váng sữa giữa giờ”, bà Châu nói, Nhà trường chỉ có thể đảm nhiệm 70% chế độ dinh dưỡng của bé trong một ngày, 30% còn lại là từ phía gia đình, bà nói.
Giảm cân khoa học
Nhiều chuyên gia cảnh báo, thừa cân, béo phì khiến người bệnh có nguy cơ mắc nhiều loại bệnh không lây nhiễm như đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh tim mạch, đột quỵ…
Theo Ths.BS. Dương Công Minh (Bệnh viện Nhi đồng TPHCM), trẻ em bị béo phì dễ bị bạn bè chọc ghẹo, phân biệt đối xử, gây nên tổn thương về mặt tâm lý. Việc này khiến trẻ dễ tự ti, cô độc, ảnh hưởng đến khả năng học tập và để lại dấu ấn sâu đậm về tâm lý cho đến tuổi trưởng thành.
BS Minh nhận định, với lứa tuổi nhà trẻ và mẫu giáo, cơ thể đang tăng trưởng và phát triển, do đó phụ huynh không nên đặt vấn đề giảm cân mà chỉ giảm tốc độ tăng cân và đảm bảo cho sự tăng chiều cao theo lứa tuổi. Trẻ vẫn nên ăn chế độ ăn phù hợp với nhu cầu sinh lý, đặc biệt đảm bảo nhu cầu đạm và canxi cho trẻ (sữa, thịt, trứng, đậu…). Phụ huynh cần chú ý hạn chế giờ trẻ thụ động nằm, ngồi xem tivi và nên tập cho trẻ làm một số công việc như dọn dẹp đồ chơi, tưới cây, dọn bàn ghế, bưng đồ, lấy đồ, lau quét nhà… cũng như cho trẻ đi bộ ở bất cứ nơi nào, lúc nào có thể.
“Việc chế giễu, nhấn mạnh đến vóc dáng, mục tiêu giảm cân tạo một sức ép về tâm lý, có thể dẫn đến tình trạng trẻ tự ti mặc cảm, cô độc và rối loạn hành vi ăn uống rất khó chữa trị, có tỷ lệ tử vong khá cao. Người chăm sóc trẻ, tiếp xúc với trẻ béo phì cần có thái độ quan tâm đúng mức, trên cơ sở hiểu biết, không có thái độ khác biệt giữa trẻ béo phì và các trẻ khác, giúp trẻ có thói quen ăn uống tốt và tích cực vận động hơn là nhấn mạnh đến hình thể và sự giảm cân”, bác sĩ Minh khuyến cáo.
Bác sĩ CK1 Nguyễn Thị Ngọc Hương, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Dinh dưỡng TPHCM, khuyến cáo, để không ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ, việc giảm dần năng lượng nạp vào cơ thể cần thực hiện một cách khoa học. Phụ huynh có thể giảm 1/4 lượng cơm và lượng thức ăn trong 3 bữa ăn chính trừ rau xanh; giảm ăn vặt; kiểm soát lượng chất béo, lượng đường trong khẩu phần; kiểm soát lượng thức ăn trong bữa chính; chọn món canh, trái cây ít năng lượng; ăn tiệc thông minh và chọn sữa dành riêng cho trẻ thừa cân, béo phì.
Ngoài ra, chuyên gia này còn lưu ý việc cắt giảm khắt khe lượng chất béo trong khẩu phần sẽ dẫn đến tình trạng chậm tăng chiều cao, da kém mịn màng, dễ mắc các bệnh nhiễm trùng do cơ thể trẻ không nhận đủ các vitamin tan trong chất béo có vai trò bảo vệ. Cách tốt nhất là chế biến các món ăn bằng chảo không dính và dùng lượng chất béo ít, vừa đủ để món ăn ngon.
BS Hương cũng cảnh báo, sai lầm khá phổ biến của nhiều phụ huynh là cắt giảm lượng cơm trong khẩu phần của trẻ béo phì nhưng lượng thức ăn thì không kiểm soát. Trong quá trình chế biến, thực phẩm dùng làm các món ăn được tẩm ướp với đường, mật ong rồi chế biến với mỡ, dầu, bơ, tóp mỡ, một số món còn ăn kèm với hành mỡ, mayonaise, nước sốt. Năng lượng từ lượng thức ăn này có thể cao hơn cơm trắng gấp nhiều lần, làm trẻ tăng cân nhanh. Ngoài ra, các loại trái cây như chuối, bơ, xoài, mít, sầu riêng, nho Mỹ và các loại trái cây khô cũng rất giàu năng lượng, cần hạn chế cho trẻ thừa cân, béo phì sử dụng.
Trong một hội thảo tổ chức vào cuối tháng 9, PGS.TS Trương Tuyết Mai, Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia (Bộ Y tế), cho hay, TPHCM có hơn 40% trẻ em trong tuổi đi học bị thừa cân, béo phì. Con số này cao gấp đôi so với tỷ lệ trung bình của cả nước và đang khiến nhiều chuyên gia y tế lo ngại. Một nghiên cứu tại TPHCM vào năm 2020 trên chế độ ăn của 224 học sinh từ 9 - 11 tuổi cho thấy, gần 60% trẻ thừa cân, béo phì. Đồng thời, trẻ có chế độ ăn vặt gồm uống nước ngọt và ăn snack có nguy cơ thừa cân, béo phì gấp 5 lần so với trẻ ít uống nước ngọt và ăn snack.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/tphcm-bao-dong-hoc-sinh-thua-can-beo-phi-post1575160.tpo