TPHCM chính thức vận hành metro số 1: Chương mới trong phát triển giao thông đô thị
Ngày 22-12, TPHCM tổ chức lễ công bố vận hành chính thức tuyến đường sắt đô thị số 1 TPHCM - metro số 1 (tuyến Bến Thành - Suối Tiên). Đến dự có Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Ito Naoki, Tổng lãnh sự Nhật Bản tại Việt Nam Ono Masuo, Trưởng đại diện Văn phòng JICA tại Việt Nam Sugano Yuichi. Các đại biểu đã cùng thực hiện nghi thức công bố vận hành chính thức và cùng trải nghiệm tuyến metro số 1.
Khơi nguồn phát triển
Tại buổi lễ, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Ito Naoki phát biểu cảm đầy cảm xúc: Cuối cùng thì ngày mà chúng ta đều mong đợi đã đến! Theo ông, metro số 1 là tuyến tàu điện ngầm đầu tiên của Việt Nam, là dự án vốn vay ODA lớn nhất của Nhật Bản dành cho Việt Nam và là dự án mang tính biểu tượng của hợp tác Nhật - Việt. Tuyến metro này sẽ thay đổi đáng kể cuộc sống của người dân. Tuyến đường kết nối các khu vực có nhu cầu vận tải cao và sẽ có sự chuyển dịch lớn trong phương thức di chuyển của người dân từ ô tô, xe máy sang đường sắt đô thị. “Dựa trên quan hệ hợp tác tại dự án này, Nhật Bản mong muốn sẽ tiếp tục hợp tác triển khai các tuyến metro tiếp theo”, Đại sứ Ito Naoki nhấn mạnh.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường gọi sự kiện này là cột mốc quan trọng trong lịch sử phát triển giao thông công cộng TPHCM, khẳng định metro số 1 biểu tượng của khát vọng vươn cao, hội nhập và phát triển bền vững của TPHCM. Đồng thời là biểu tượng cho mối quan hệ hợp tác hữu nghị bền chặt giữa Việt Nam và Nhật Bản sau nhiều năm nỗ lực không ngừng, vượt qua rất nhiều khó khăn, thử thách để xây dựng và hoàn thành dự án.
Theo đồng chí Bùi Xuân Cường, công trình này đánh dấu mốc quan trọng trong việc hiện thực hóa quy hoạch hệ thống giao thông công cộng, đáp ứng nhu cầu di chuyển ngày càng tăng của người dân và góp phần giảm thiểu áp lực giao thông, ô nhiễm môi trường. “Hôm nay, Dự án metro số 1 đã hoàn tất các điều kiện theo quy định để chính thức vận hành và khai thác; chúng ta bắt đầu một chương mới trên hành trình phát triển giao thông đô thị hiện đại. Mỗi người dân thành phố và các du khách sẽ tích cực ủng hộ, sử dụng và góp phần duy trì và phát huy hiệu quả tối đa của tuyến đường sắt đô thị này để metro không chỉ là phương tiện giao thông mà còn là biểu tượng văn hóa...”, đồng chí Bùi Xuân Cường nói.
Mong chờ những tuyến metro tiếp theo
Từ 10 giờ sáng, tuyến metro số 1 chính thức vận hành phục vụ hành khách. Nhưng ngay từ sáng sớm, hàng ngàn người dân đã chờ đợi ở các nhà ga để được lên những chuyến tàu đầu tiên của thành phố. Trên chuyến tàu hôm nay có những người đã đồng hành với dự án metro bao năm qua, có những người đã chấp nhận bàn giao một phần nhà cửa, tài sản để có mặt bằng thi công tuyến đường.
Ông Nguyễn Văn Dụ, 79 tuổi, cựu chiến binh phường 22 quận Bình Thạnh lên tàu cùng 4 người bạn già trong khu phố. Ông Dụ không giấu được niềm phấn khởi khi con tàu chạy qua ga Văn Thánh: “Nhà chúng tôi ở ngay dưới nhà ga này này”. Ông nhớ lại, hơn chục năm trước, đi vận động người dân bàn giao mặt bằng rất khó khăn vì giấy tờ nhà đất của người dân chưa đầy đủ, ảnh hưởng lớn đến quyền lợi. Nhưng vì lợi ích chung, cuối cùng các hộ dân cũng chấp nhận bàn giao mặt bằng.
Ở hàng ghế đối diện, bà Trần Thu Hoa cũng hãnh diện khi tàu qua ga Thảo Điền, nơi có gần 100m2 nhà đất của gia đình bà. “Tiền đền bù tuy nhỏ, nhưng chúng tôi đã chấp nhận. Hôm nay được chứng kiến tàu chạy như thế này chúng tôi tự hào lắm, vì có đóng góp một phần trong đó”, bà Thu Hoa nói. Ông Nguyễn Văn Lịch ngụ quận Bình Thạnh cũng xúc động khi lần đầu tham quan metro số 1. “Tôi không ngờ dưới lòng đất lại có một ga trung tâm to lớn hiện đại như vậy. Tôi kỳ vọng đất nước mình sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, có thêm nhiều tuyến metro khác để người dân được thụ hưởng cơ sở vật chất, đi lại thuận tiện hơn”, ông Lịch hồ hởi nói.
Chờ hàng giờ để trải nghiệm metro
Dù 10 giờ đơn vị vận hành mở cửa 14 nhà ga đón khách đi metro số 1, nhưng từ 6 giờ sáng người dân đã tập trung về khu vực nhà ga Bến Thành chờ để được đi metro. Lượng khách đổ về ga Bến Thành, quận 1, quá đông chờ tới lượt khiến lối xuống nhà ga quá tải từ sáng sớm đến khoảng gần 14 giờ mới tạm ổn.
Gần 14 giờ chiều hàng trăm người dân xếp hàng chờ tới lượt xuống nhà ga Bến Thành để đi metro. Trong lúc chờ đợi, một thanh niên hơn 20 tuổi bị ngất xỉu, nhân viên nhà ga phải đưa vào trạm y tế chăm sóc. Sau đó nhân viên vận hành phải ưu tiên người lớn tuổi, trẻ em đến cầu thang ra tàu trước để hạn chế tình trạng chen lấn. Tại các nhà ga Nhà hát thành phố (quận 1), Văn Thánh (Bình Thạnh), Thảo Điền (TP Thủ Đức)... nhiều người chờ hơn 2 tiếng đồng hồ vẫn chưa tới lượt lên metro. Lượng khách quá đông khiến một số chuyến tàu chậm gần 30 phút so với lịch trình.
Bà Văn Thị Vũ Tâm, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1, cho biết ngày đầu tiên metro số 1 vận chuyển khoảng 160.000 hành khách. Riêng từ 10-12 giờ, chạy 44 chuyến, đón hơn 42.000 người. Trong đó, nhà ga Bến Thành là điểm khởi hành ở trung tâm thành phố nên lượng khách tập trung nhiều nhất. Dần về chiều tối lượng người đến các ga giảm dần. Về một trường hợp chờ metro bị ngất xỉu, bà Tâm cho hay đây là người khuyết tật bị kiệt sức, ngã trong đám đông đã được nhân viên vận hành metro hỗ trợ y tế kịp thời, ổn định sức khỏe.
QUỐC HÙNG
Nhìn thành phố từ metro
Sự thay đổi diện mạo đô thị ghi dấu quá trình phát triển của TPHCM qua những công trình lớn nhỏ. Chuyến tàu metro không chỉ là bài toán phương tiện giao thông công cộng, mà chuyên chở cả những giấc mơ học hành, làm việc… trong nhịp sống thị thành.
Gần tuần nay, ngày nào chở khách, bác Nguyễn Văn Năm (63 tuổi, tài xế xe công nghệ, ngụ quận Bình Thạnh) cũng nghe nói về tàu điện metro. Nhiều người nói tàu xịn và nhanh như đi tàu điện ngoại quốc!
Ngày metro chính thức vận hành, bác Năm nghỉ một ngày chạy xe để tranh thủ đi trải nghiệm tàu từ sáng sớm. Tìm bằng được toa tàu ngay sau buồng lái để ngồi và trải nghiệm tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), bác Năm chia sẻ: “Tôi trước giờ có đi tàu ở nước ngoài đâu mà biết xịn cỡ nào, bữa nay tàu chính thức chạy nên phải đi liền cho biết. Ngồi sau buồng lái để mình ngó coi kết cấu tàu ra sao, về còn kể lại cho bà nhà với mấy ông bạn già trong xóm. Ngó tới ngó lui, chưa kịp hết câu chuyện với mấy ông bà ngồi kế bên, mới đó mà tới trạm cuối rồi, tàu chạy êm ru, ngó ra ngoài cửa sổ thấy thành phố mình hiện đại quá trời”.
Gia đình chị Cao Hoàng Yến Linh (29 tuổi, ngụ TP Thủ Đức) cũng vậy, đi từ nhà ga Suối Tiên về Bến Thành và đặt sẵn một nhà hàng trên đường Nguyễn Huệ (quận 1) để ăn trưa… Chị Yến Linh chia sẻ: “Tôi đi du học năm 2014, lúc đó ba tôi nói vui, khi tôi tốt nghiệp về nước thì sẽ bắt tàu điện về nhà, có tàu điện đi làm luôn. Lúc du học, đi tàu điện ở Luân Đôn (Anh), tôi luôn mơ ước chuyến tàu điện ở thành phố mình, để từ nhà tôi đi trung tâm thành phố sẽ nhanh hơn. Nay cả nhà tôi lên tàu đi vào trung tâm thành phố ăn trưa, hào hứng và vui lắm!
Khi tàu ra khỏi hầm lên mặt đất, qua cửa sổ toa tàu, những hình ảnh thân thuộc của thành phố lần lượt hiện ra với tòa nhà Landmark 81, cầu Sài Gòn, Khu du lịch Suối Tiên… Dù những hình ảnh này không còn xa lạ, nhưng khi được ngắm nhìn từ trên cao, vẫn mang đến cảm giác thú vị, một khung trời có cả những giấc mơ”.
Lên tàu từ trạm Tân Cảng và xuống ở trạm Đại học Quốc gia, Trương Hoài An Nhiên (sinh viên năm 2 Trường Đại học Khoa học Tự nhiên TPHCM), chia sẻ: Tụi em tranh thủ hôm nay đi thử để tính thời gian tới trường và coi sơ đồ hướng dẫn của trạm. Giờ có tàu rồi, mai mốt đi học nhanh hơn, mấy bạn em còn tranh thủ quay clip chia sẻ lên mạng vì nhìn thành phố qua mấy ô cửa trên tàu hiện đại và đẹp lắm.
Nếu bình thường, chạy xe từ trung tâm thành phố đến khu du lịch Suối Tiên phải mất gần một tiếng đồng hồ. Trong khi đó, nếu chọn metro từ ga Bến Thành đến ga Suối Tiên chỉ mất khoảng 30 phút. Phản chiếu trên những ô cửa tàu metro trong ngày đầu chính thức vận hành là những khuôn mặt háo hức. Đó có thể là giấc mơ học hành của những bạn trẻ xuống trạm Đại học Quốc gia, hay của một nhân viên văn phòng với niềm vui có thể đến trung tâm thành phố làm việc nhanh hơn, hoặc đơn giản như bác Năm bước lên tàu để nhìn thành phố mình đổi thay, hiện đại từng ngày.
THIÊN THANH - QUỲNH YÊN