TPHCM: Chuẩn bị đội ngũ, tâm thế để triển khai Nghị quyết thay Nghị quyết 54
Chiều 18/5, UBND TPHCM tổ chức họp báo thông tin về Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPCHM. Ông Phan Văn Mãi, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND Thành phố chủ trì họp báo.
Họp báo diễn ra trong thời điểm Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý về mặt nguyên tắc là sẽ đưa dự thảo Nghị quyết vào Kỳ họp thứ 5 của Quốc hội diễn ra trong những ngày tới.
Cần thiết ban hành nghị quyết mới thay Nghị quyết 54
Nói về sự cần thiết phải ban hành Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54, người đứng đầu chính quyền TPHCM nhấn mạnh, việc xây dựng Nghị quyết mới rất cần thiết, thậm chí cấp thiết.
Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 54, Thành phố đã tổng kết và đề nghị Quốc hội có một nghị quyết thay thế. Với những đặc thù của TPHCM, khuôn khổ pháp luật hiện tại có những lĩnh vực, những mảng chưa thể bao quát được hết, đòi hỏi phải có khung pháp lý phù hợp để vừa gỡ vướng mắc, vừa mở ra không gian phát triển mới cho Thành phố. Nghị quyết mới khi ban hành sẽ khắc phục được những hạn chế của Nghị quyết 54 hiện hữu, giúp cho Thành phố tháo gỡ nhiều vướng mắc hơn, tạo động lực lớn hơn, mạnh hơn để phát triển và thúc đẩy đầu tàu kinh tế.
Ngoài ra, theo ông Mãi, cuối năm 2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 31 về phương hướng phát triển TPHCM. Trong đó những cơ quan liên quan như Quốc hội, Chính phủ sẽ tiếp tục thể chế hóa. Nếu Quốc hội thông qua Nghị quyết mới này thì chúng ta đã kịp thời thể chế hóa Nghị quyết 31 để tạo khung khổ pháp lý triển khai.
Đi vào cụ thể, Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 gồm 43 nội dung cơ chế, chính sách, chia làm 4 nhóm. Nhóm 1 là các cơ chế, chính sách đã có trong Nghị quyết 54; nhóm 2 là cơ chế, chính sách đặc thù được quy định cho các địa phương khác mà Thành phố thấy phù hợp với Thành phố; nhóm 3 là cơ chế, chính sách đặc thù có trong các dự thảo luật sẽ sửa đổi thời gian tới; nhóm 4 là các cơ chế, chính sách mới.
Ông Mãi cho rằng, với 4 nhóm cơ chế, chính sách đặc thù này sẽ giúp cho Thành phố tháo gỡ được nhiều vướng mắc về thể chế và chắc chắn tạo được động lực để phát triển. Đặc biệt, Nghị quyết mới sẽ huy động những nguồn lực xã hội ngoài ngân sách cho đầu tư phát triển. Đồng thời phân cấp phân quuyền. cho Thành phố chủ động hơn trong giải quyết các thủ tục, nhất là sẽ tháo gỡ cho TP. Thủ Đức. Khi mô hình "thành phố trong thành phố" của Thủ Đức được thành lập từ 3 địa phương và cơ chế tổ chức hoạt động của Thủ Đức chưa đi theo kịp thì nghị quyết lần này sẽ tháo gỡ phần nào những vướng mắc đó để Thủ Đức hoạt động tốt hơn.
"Nếu hỏi một nghị quyết, một luật có tháo gỡ hết vướng mắc, khó khăn hay không, khơi thông hết mọi động lực hay không, tôi e là không. Quốc hội cần tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật, chúng ta cần thêm các văn bản pháp luật khác để giải quyết các vấn đề thực tiễn, kể cả vướng mắc lẫn nhu cầu phát triển", ông Mãi nhấn mạnh.
Có hình thức khích lệ, động viên đội ngũ cán bộ, công chức
Đối với câu hỏi của báo chí về đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngang tầm nhiệm vụ, ông Phan Văn Mãi khẳng định, có tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức tại TPHCM và cả nước còn e dè, ngại trách nhiệm trong thực thi công vụ, nhưng không phải tất cả.
Ông cho biết thêm, đối với bộ phận này, Thành ủy đã có các biện pháp khích lệ, động viên; chính quyền cũng động viên, nhắc nhở, phê bình và có cả biện pháp hành chính. UBND TPHCM đã rà soát lại, làm rõ chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, công chức, viên chức, giao việc cụ thể, kiểm tra, đánh giá gắn với khích lệ bằng tăng thu nhập.
Cũng theo Chủ tịch UBND Thành phố, tại buổi làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng yêu cầu TPHCM hết sức quan tâm, tập trung xây dựng đội ngũ thực thi nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54. Các cấp sở, ngành cần tập trung củng cố để cụ thể hóa, tổ chức thực hiện nghị quyết mới.
"Với kinh nghiệm trong thời gian thực hiện Nghị quyết 54, chúng tôi đã có các bài học để chuẩn bị đội ngũ, tâm thế để triển khai nghị quyết mới. Thành phố đã có những bước chuẩn bị chủ động, phân công các cơ quan, sở, ngành chuẩn bị đề án, kế hoạch để cụ thể hóa các chính sách, lên nội dung để trình HĐND Thành phố tại các kỳ họp sau khi Nghị quyết mới được Quốc hội thông qua", ông Mãi nói.
Theo Chủ tịch UBND Thành phố, dự kiến UBND TPHCM sẽ trình HĐND Thành phố 28 nội dung, trong có 8 nội dung cụ thể hóa nghị quyết mới tại kỳ họp giữa năm.
Thông tin về chính sách đặc thù cho các nhà khoa học, nhân tài, nhân lực chất lượng cao sau khi có Nghị quyết mới, bà Nguyễn Thị Kim Huệ, Phó Giám đốc Sở KH&CN TPHCM cho biết, ngoài việc hoàn thiện các chính sách để thu hút người có tài năng đặc biệt với số lượng nhiều hơn và hiệu quả cao hơn, TPHCM sẽ được trao thêm thẩm quyền để xây dựng các chính sách để thu hút và giữ chân nhân tài.
Theo bà Huệ, khi tham mưu xây dựng chính sách, Thành phố đưa ra 3 nhóm chính sách gồm: Miễn thuế thu nhập cá nhân trong 5 năm với yêu cầu làm việc ở các trung tâm ưu tiên của Thành phố cũng như một số tiêu chí cụ thể khác; thu hút các chuyên gia, nhà khoa học có tài năng đặc biệt vào vị trí lãnh đạo các tổ chức khoa học - công nghệ đầu ngành; chính sách thù lao để thực hiện các nhiệm vụ khoa học - công nghệ…
Về hạ tầng phát triển cho nghiên cứu khoa học, Thành phố cũng đang tham mưu xây dựng các đơn vị về đổi mới sáng tạo nhằm giải quyết các vấn đề lớn của Thành phố, đặc biệt là công nghệ, khoa học, chuyển đổi số.